Vũ Thành Tự Anh (*) | ||||
(TBKTSG) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11-2010 của TPHCM lên tới 1,7% và của Hà Nội lên tới 1,9%. Do vậy, CPI của cả năm 2010 sẽ không phải là 7% như mục tiêu ban đầu của Quốc hội, cũng sẽ không phải là 8% như mục tiêu điều chỉnh của Chính phủ, mà sẽ xấp xỉ 10% hay cao hơn. Nhớ lại năm ngoái, mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2010 là tăng trưởng GDP 6,5%, đầu tư xã hội 41% GDP, và CPI dưới 7%. Không cần phải sử dụng các mô hình kinh tế phức tạp, chỉ cần so sánh với kết quả của năm 2009 cũng đủ thấy sự thiếu thực tế của những mục tiêu này. Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,3% mà lạm phát đã tới gần 7%. Việc kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2010 cao hơn, đồng thời lạm phát thấp hơn hoặc bằng so với năm 2009 rõ ràng là thiếu cơ sở.
Lẽ ra Quốc hội và Chính phủ đã phải rút được kinh nghiệm từ năm 2009 và 2010 để đưa ra các mục tiêu hợp lý hơn cho năm 2011, thế nhưng đáng tiếc là điều này lại không xảy ra. Mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2011 là tăng trưởng GDP 7-7,5%, đầu tư xã hội 40% GDP, và CPI dưới 7%. Một lần nữa, mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn năm trước một cách đáng kể, đồng thời mục tiêu CPI lại thấp hơn nhiều so với kết quả thực hiện của năm trước. Vì vậy, có thể thấy ngay là ít nhất một trong hai mục tiêu này sẽ không đạt được, trừ phi trong năm 2011 hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực của nền kinh tế được cải thiện vượt bậc, mà điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Không chỉ giữa các mục tiêu vĩ mô có mâu thuẫn, chính sách vĩ mô (tài khóa và tiền tệ) cũng thiếu sự phối hợp hiệu quả. Khác với các nước có ngân hàng trung ương độc lập (và do vậy chính sách tài khóa và tiền tệ độc lập một cách tương đối), ở Việt Nam chính sách tiền tệ thường phải chạy theo chính sách tài khóa. Điều này có nghĩa là mặc dù chính sách tiền tệ là nguyên nhân dễ nhận thấy nhất, nhưng nguyên nhân căn bản của lạm phát xuất phát từ chiến lược đẩy mạnh tăng trưởng dựa vào đầu tư. Nhưng vì đầu tư kém hiệu quả nên phải đầu tư rất nhiều, kéo theo chính sách tài khóa mở rộng và buộc chính sách tiền tệ (cụ thể là cung tiền, tín dụng) phải chạy theo, và hệ quả là lạm phát. Như vậy, ở Việt Nam, nguyên nhân bề mặt của lạm phát là chính sách nới lỏng tiền tệ, nguyên nhân trung gian là chính sách tài khóa mở rộng, và nguyên nhân căn bản là mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư nhưng kém hiệu quả. Để tránh vòng xoáy đi xuống này, Chính phủ cần thực sự ưu tiên ổn định vĩ mô thay vì chạy theo tốc độ tăng trưởng GDP, ưu tiên phát triển bền vững thay vì tăng trưởng nhất thời, ưu tiên hiệu quả thay vì số lượng đầu tư. Điều này có nghĩa là các mục tiêu về chất lượng - cụ thể là tính ổn định, bền vững và hiệu quả - phải được đưa vào hệ thống mục tiêu của Chính phủ và được ưu tiên so với các mục tiêu số lượng. Trong hoạch định chiến lược và chính sách kinh tế - xã hội, việc đưa ra mục tiêu vĩ mô là cần thiết để làm cơ sở cho công tác điều hành của Chính phủ cũng như phát tín hiệu cho thị trường. Tuy nhiên, để hoạt động điều hành có hiệu lực và tín hiệu phát ra có độ tin cậy cao, các mục tiêu vĩ mô phải tương thích với nhau, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế trong nước cũng như bối cảnh kinh tế thế giới. Nếu không, môi trường vĩ mô sẽ bất ổn, niềm tin vào năng lực điều hành của Chính phủ sẽ giảm sút, còn doanh nghiệp và người dân sẽ chỉ lo phòng thủ và đánh quả - những hoạt động không những không tạo ra giá trị gia tăng mà còn làm nền kinh tế phải đối diện những khó khăn khác. |
Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010
Giằng co giữa tăng trưởng và lạm phát
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét