Trích dẫn bài viết trên tờ Tạp chí NH (Số 17/2010)
Ngày 20/5/2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2010. Đây được coi là một khung pháp lí tiến bộ nhất từ trước cho đến nay về các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng và tiệm cận dần với các chuẩn mực của Basel I.
Bên cạnh đó, Thông tư 13 đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn. Có lẽ, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động. Một số ý kiến đề nghị xem xét lại cơ cấu các khoản mục thuộc phần tử số (tín dụng) và cả mẫu số (huy động vốn)[1]; một số khác lại cho rằng tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động không có trong thông lệ quốc tế (?)[2]. Để tìm hiểu thông lệ quốc tế về tỉ lệ này, tác giả đã sưu tầm tài liệu trên “Thư viện Bách khoa toàn cầu” (Internet) và cũng đã có được một số tư liệu miễn phí có liên quan, rất sơ bộ và khái quát để có thể chia sẻ về tỉ lệ này.
1. Tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động là gì?
Trước hết, có thể khẳng định một cách chắc chắn với độ tin cậy 100% rằng tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động là một trong những tỉ lệ an toàn được nhiều nước trên thế giới sử dụng khá phổ biến. Ở các nước, tỉ lệ này được sử dụng dưới hình thức mối quan hệ giữa cho vay so với tiền gửi (loan – to – deposit ratio hoặc credit/deposit ratio- LDR). Các nhà phân tích và quản lí thường xuyên đánh giá năng lực hoàn trả của ngân hàng đối với người gửi tiền và các chủ nợ khác mà không kèm theo các chi phí quá đắt, đồng thời, vẫn duy trì tăng trưởng nguồn vốn. Cái được gọi là “thanh khoản” hay “khả năng chi trả” (liquidity) của một ngân hàng được đánh giá thông qua một tập hợp đa dạng các công cụ và kĩ thuật, nhưng tỉ lệ LDR là một trong những thước đo nhận được nhiều sự quan tâm nhất.
Tỉ lệ LDR, đúng như tên gọi của nó, bằng tổng các khoản cho vay chia cho tổng tiền gửi – biểu hiện % các khoản cho vay của ngân hàng được tài trợ thông qua tiền gửi.
LDR = Tổng các khoản cho vay/Tổng tiền gửi
Một sự gia tăng tỉ lệ LDR cho thấy ngân hàng đang có ít hơn “tấm đệm” để tài trợ cho tăng trưởng và bảo vệ mình khỏi nguy cơ rút tiền gửi đột ngột, nhất là các ngân hàng dựa quá nhiều vào nguồn tiền gửi để tài trợ cho tăng trưởng. Khi tỉ lệ LDR tăng đến mức tương đối cao, các nhà quản trị ngân hàng ít muốn cho vay và đầu tư. Hơn nữa, họ sẽ thận trọng khi tỉ lệ LDR tăng lên và đòi hỏi phải thắt chặt tín dụng, do đó, lãi suất có chiều hướng tăng lên. Mặc dù, một tỉ lệ LDR cao chưa bao giờ được lượng hóa, nhưng nó là một nhân tố ảnh hưởng đến các quyết định về đầu tư và cho vay.
Việc sử dụng mối quan hệ giữa cho vay và tiền gửi như một thước đo về thanh khoản dựa trên tiền đề cho rằng tín dụng là tài sản kém linh hoạt nhất trong số các tài sản sinh lời của ngân hàng. Vì thế, khi tỉ lệ LDR tăng thì tính thanh khoản của ngân hàng giảm đi một cách tương ứng.
Tuy nhiên, tỉ lệ LDR vẫn có một số hạn chế nhất định. Trước hết, nó không cung cấp thông tin về thời gian đáo hạn hoặc bản chất của các khoản cho vay. Việc đánh giá tính thanh khoản của một khoản cho vay đòi hỏi phải có thông tin về thời gian đáo hạn trung bình của nó; khoản cho vay này được trả dần hay trả một lần và những thông tin về hồ sơ tín dụng của người vay. Hai ngân hàng có cơ sở tiền gửi và tỉ lệ LDR như nhau có thể có tính thanh khoản rất khác nhau nếu một ngân hàng có các khoản vay có tính khả mại cao, trong khi, ngân hàng kia có nhiều khoản vay rủi ro, các khoản vay dài hạn. Điều tương tự cũng đúng đối với cơ sở tiền gửi ngân hàng. Một số khoản mục tiền gửi như tiền gửi kì hạn có thời hạn dài sẽ có tính ổn định hơn các khoản mục khác, nên rủi ro rút tiền gửi cũng sẽ nhỏ hơn. Thứ hai, tỉ lệ LDR không cho ta một ý niệm gì liên quan đến bản chất của các tài sản “Có” nằm ngoài các khoản mục cho vay. Một ngân hàng có thể có 20% tiền gửi được đầu tư vào chứng khoán chính phủ ngắn hạn, ngân quỹ; trong khi, một ngân hàng khác có thể có cùng tỉ lệ như thế đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, nhưng cả hai ngân hàng này có thể có cùng tỉ lệ LDR như nhau. Rõ ràng hai ngân hàng này sẽ không có cùng chung một thước đo về thanh khoản. Thứ ba, gần đây, một số nhà phân tích cho rằng tỉ lệ LDR không chuyển tải nhiều thông tin hữu ích như trước đây nó đã từng có. Chẳng hạn, ngày nay, một ngân hàng có thể dễ dàng hơn nhiều trong việc bán đi các khoản cho vay tiêu dùng hoặc các khoản cho vay thế chấp (thông qua nghiệp vụ mua bán nợ hay chứng khoán hóa). Do đó, một ngân hàng có LDR cao có thể dễ dàng thực hiện cho vay mới bằng cách đơn giản là thanh lí các khoản cho vay cũ. Ngân hàng cũng có nhiều nguồn phi tiền gửi mới (như vay Ngân hàng Trung ương (NHTƯ), phát hành chứng chỉ tiền gửi có giá trị lớn (Negotiable CDs), hợp đồng mua lại (Repurchase Agreement), nguồn vốn được Ngân hàng cho vay nhà ở liên bang của Mỹ cung cấp…) Hơn nữa, ngày nay, ngân hàng cũng có nhiều công cụ, kĩ thuật tài chính cho phép họ quản lí rủi ro thanh khoản tốt hơn, bất chấp tỉ lệ LDR tương đối cao.
Mặc dù có những hạn chế, tỉ lệ LDR vẫn có một số giá trị nhất định, đó là, khi tỉ lệ tăng lên là tín hiệu cảnh báo, thúc đẩy các nhà quản trị, giám sát ngân hàng đánh giá toàn bộ chương trình bành trướng của nó. Đây không phải là một thước đo hoàn hảo về tính thanh khoản, nhưng là một công cụ đo lường gần đúng.
2. Một số thông lệ quốc tế về tỉ lệ LDR
Hàn Quốc: Trong vài năm vừa qua, hoạt động cho vay thế chấp và cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh đã làm bùng nổ cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng trong hoạt động tín dụng. Từ đó, những dấu hiệu về sự bất ổn thanh khoản của các ngân hàng trở thành thường trực trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặc dù, tỉ lệ LDR của các ngân hàng nội địa khoảng 100% vào cuối năm 2004, nhưng đã tăng mạnh trong giai đoạn 2005 – 2007 và đạt 127.1% vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo thường xuyên của cơ quan giám sát trong việc giảm tỉ lệ LDR từ nửa cuối năm 2008, tỉ lệ LDR đã giảm xuống 110.4% vào cuối tháng 1/2010. (Bảng1)
Trong Chương trình nghị sự về chính sách tài chính năm 2010 được công bố vào tháng 12/2009, FSC đã công bố kế hoạch áp dụng tỉ lệ LDR như một trong những tỉ lệ thanh khoản mang tính bắt buộc nhằm nâng cao chất lượng quản trị của các ngân hàng và loại bỏ những nhân tố dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng trong hoạt động đầu tư và cho vay. Những thay đổi dự kiến trong quy định này sẽ được áp dụng đối với các ngân hàng thương mại có các khoản cho vay vượt quá 2000 tỉ Won, bao gồm cả các chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tỉ lệ LDR được tính theo công thức sau, loại trừ chứng chỉ tiền gửi (CD):
LDR = Các khoản cho vay tính bằng Won/ Các khoản tiền gửi tính bằng Won.
Tiền gửi bao gồm: Tiền gửi không kì hạn, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kì hạn (dữ liệu lấy từ bảng cân đối tài sản).
Các ngân hàng phải hạ thấp tỉ lệ LDR xuống dưới 100% vào cuối năm 2013. Các ngân hàng chính sách của Nhà nước như Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc không chịu sự điều chỉnh bởi quy định này. Động thái mới của các nhà chức trách Hàn Quốc là một trong những nỗ lực đáp ứng lời kêu gọi của các nhà quản lí, giám sát trên phạm vi toàn cầu nhằm thắt chặt cơ chế giám sát và tối thiểu hóa rủi ro đối với hệ thống tài chính.
“Quy định tỉ lệ LDR sẽ giúp các ngân hàng nội địa nâng cao năng lực quản lí rủi ro thanh khoản, đồng thời ngăn chặn cạnh tranh quá mức giữa các ngân hàng trong tăng trưởng tài sản”, Phó Chủ tịch Ủy ban FSC, ông Kwon Hyouk-se khẳng định. “Bởi vì việc thực hiện quyết liệt giải pháp này có thể gây ra những hiệu ứng phụ như cắt giảm các khoản cho vay mới, chúng tôi sẽ để cho các ngân hàng một thời gian chuẩn bị là 4 năm”, ông nói.
Indonesia: NHTƯ Indonesia đã áp dụng các chuẩn mực quốc tế từ đầu những năm 1993, trong đó, tỉ lệ CAR = 8%, tỉ lệ LDR tối đa là 110%. Quy định tối đa về tỉ lệ LDR đã được dỡ bỏ vào năm 2008 khi các ngân hàng đối mặt với tình trạng khó khăn về thanh khoản do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong giai đoạn 1993 – 1997, tỉ lệ LDR bình quân của hệ thống ngân hàng đạt 80,5%. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, tỉ lệ LDR giảm mạnh còn khoảng 35 – 40% vào đầu những năm 2000; từ năm 2004, tỉ lệ LDR có dấu hiệu tăng trở lại và đạt khoảng 73% vào cuối năm 2009. Tỉ lệ LDR thấp chủ yếu là do các ngân hàng thương mại đầu tư vào trái phiếu, tín phiếu NHTƯ thay vì chấp nhận rủi ro để cho các công ty vay. (Bảng2)
Nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vào cuối tháng 7/2010, NHTƯ công bố sẽ buộc các ngân hàng duy trì tỉ lệ LDR trong khoảng 75 -102%. Các ngân hàng không đáp ứng tỉ lệ LDR buộc phải gửi dự trữ vượt quá tại NHTƯ. (The Jakarta Globe, 20/8/2010)
Trung Quốc, Tanzania, Philippines, Bahrain, Quatar, Nepal:
Khoản 2, Điều 39, Luật NHTM Trung Quốc (được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 8, kì họp thứ 13 phê chuẩn ngày 10/5/1995, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/1995, được sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 10 ngày 27/12/2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004) quy định tỉ lệ LDR không vượt quá 75%.
Quy định về quản lí ngân hàng và định chế tài chính (quản lí thanh khoản) ngày 3/12/2008 của Thống đốc NHTƯ Tanzania, Benno J. Ndulu, phần II, Điều 8, khoản 1 và 2 quy định: Các ngân hàng hay định chế tài chính, tại mọi thời điểm, phải duy trì tổng danh mục cho vay không được vượt quá 80% tổng tiền gửi (tỉ lệ LDR). Tiền gửi bao gồm tiền gửi nội, ngoại tệ của khách hàng, các ngân hàng và tiền gửi đặc biệt.
Tương tự, ở Philippines, Bahrain, NHTƯ yêu cầu các ngân hàng duy trì mức LDR tối đa là 75%; Quatar: 95%; Nepal: tỉ lệ LDR không được vượt quá 95% vào cuối năm 2009, 85% vào cuối năm 2010 và 80% vào cuối năm 2011. (Bảng 3)
Dưới đây là diễn biến tỉ lệ LDR của một số nước châu Á giai đoạn 1995 – 2004. (Bảng 4 và 5)
Bảng 4 và 5: Tỉ lệ LDR của một số nước châu Á giai đoạn 1995-2004
Nguồn: TS. Liberty S. Patiu, 2005: “Fostering Asset Management Industry for the Development of Capital market in the ASEAN +3 Region”
Qua biểu đồ chúng ta thấy rằng, trong số các nước châu Á chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 thì đứng đầu về tỉ lệ LDR là hệ thống ngân hàng các nước Hàn Quốc, Malaysia với tỉ lệ LDR khoảng 140% vào năm 2004, giảm 20% so với mức 160% vào năm 1995 đối với Hàn Quốc và tăng khoảng 20% so với năm 1995 đối với Malaysia. Singapore có tỉ lệ LDR vào khoảng 120% vào năm 2004, giảm khoảng 15% so với năm 1995. Trong số 4 nước có nền kinh tế kém phát triển nhất châu Á là Cambodia, Lào, Myanmar và Việt Nam thì trong giai đoạn 2001 – 2004, Việt Nam là nước có tỉ lệ LDR cao nhất, khoảng 105% vào năm 2004 và đang có xu hướng tăng lên.
Bảng 6: Tỉ lệ LDR trung bình phân theo thu nhập của các nhóm nước
Bảng 6 minh họa tỉ lệ LDR trung bình năm 2007 của 4 nhóm nước phân theo thu nhập và dữ liệu so sánh của châu Á trừ Nhận Bản. Thoạt nhìn bên ngoài, dường như có mối quan hệ nào đó, nhưng không rõ ràng, giữa thu nhập bình quân đầu người và tỉ lệ LDR. Nhìn chung, tỉ lệ LDR tăng theo mức thu nhập bình quân đầu người. Tỉ lệ LDR bình quân của châu Á trừ Nhật Bản đã giảm vào năm 2008, gần về mức của nhóm nước có thu nhập thấp.
3. Một số nhận xét
Thứ nhất, tỉ lệ LDR là một trong những tỉ lệ thanh khoản được sử dụng khá phổ biến ở nhiều nước trong hoạt động quản lí và giám sát hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng quản trị rủi ro thanh khoản của các ngân hàng, đảm bảo sự ổn định và an toàn của hệ thống tài chính quốc gia. Do có một số hạn chế nên tỉ lệ LDR được sử dụng kèm với các tỉ lệ thanh khoản khác như tỉ lệ tài sản có tính thanh khoản cao so với các khoản nợ phải trả (Liquid Assets to Demand Liabilities Ratio), tương tự với tỉ lệ về khả năng chi trả trong Thông tư 13; tỉ lệ tài sản có tính thanh khoản cao so với tổng tài sản, hay tổng tiền gửi (Liquid Assets to Total Assets/Deposits Ratio)…
Thứ hai, về thành phần các khoản mục của tử số và mẫu số trong tỉ lệ LDR. Để tính LDR, mỗi nước đều có quy định riêng để tính tổng các khoản cho vay (tử số) và tổng tiền gửi (mẫu số), nhưng dường như đa số đều có một điểm chung là: tổng các khoản cho vay bao gồm dư nợ cho vay, cho thuê tài chính, chiết khấu giấy tờ có giá. Tổng tiền gửi bao gồm tiền gửi không kì hạn, tiền gửi có kì hạn, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Một số nước như Hàn Quốc loại trừ chứng chỉ tiền gửi CD khỏi tổng tiền gửi. Việc đưa vào thành phần mẫu số tương đối đầy đủ các khoản tiền gửi đúng như tên gọi của tỉ lệ LDR cũng là điều hợp lí, bởi vì ngoài tỉ lệ LDR, còn có các tỉ lệ thanh khoản bắt buộc khác.
Thứ ba, tùy theo tình hình cụ thể, các nước có lộ trình áp dụng tỉ lệ LDR riêng. Hàn Quốc có lộ trình 4 năm để buộc các ngân hàng hạ tỉ lệ LDR đang ở mức cao trong khu vực xuống dưới 100% từ đầu năm 2014. Nepal buộc các ngân hàng hạ tỉ lệ LDR từ mức 95% năm 2009 xuống 85% vào cuối năm 2010 và 80% vào cuối năm 2011. Trong khi đó, Indonesia lại có kế hoạch buộc các ngân hàng nâng tỉ lệ LDR đang ở mức thấp hiện nay lên mức tối thiểu là 75% và tối đa là 102% nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Thứ tư, trong điều kiện thị trường Việt Nam hiện nay, khi các ngân hàng thương mại đã và đang còn cung ứng cho khách hàng các sản phẩm “tiền gửi có kì hạn, được rút gốc trước hạn, hưởng lãi suất cao”, cạnh tranh thu hút tiền gửi với nhiều hình thức tinh vi vẫn diễn ra khá phức tạp nên độ ổn định của nguồn vốn tiền gửi nói chung, tiền gửi kì hạn nói riêng sẽ thấp; đồng thời, việc thanh lí hoặc mua bán, chứng khoán hóa các khoản cho vay cũ là không dễ dàng. Do đó, để đảm bảo an toàn khả năng thanh khoản, tỉ lệ LDR cần được quy định ở mức thấp hơn tỉ lệ LDR thực tế trung bình ngành được xác lập trong những năm gần đây có tham khảo kinh nghiệm các nước. Lưu ý rằng theo nghiên cứu thống kê của nhóm tác giả GS. David G. Mayes (Đại học Auckland), Peter J. Morgan (ADB), Hank Lim (Giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc tế Singapore) vào tháng 3/2010 trong công trình nghiên cứu: “Deepening the Financial System” thì tỉ lệ LDR bình quân của châu Á loại trừ Nhật Bản là 75% vào năm 2008; còn LDR bình quân của nhóm nước có thu nhập thấp chỉ đạt 60% vào năm 2007.
Khi triển khai Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có quy định về tỉ lệ LDR, một số ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn, các ngân hàng này cần báo cáo riêng Ngân hàng Nhà nước và đề nghị lộ trình, thời điểm cụ thể để thực hiện. Xét chung toàn cảnh hệ thống ngân hàng Việt Nam, các nội dung của Thông tư 13 cần được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình.
[1] Lê Đắc Cù: “Đôi điều cần bàn thêm về tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động”. Tạp chí Thị trường Tài chính – Tiền tệ, số 16/2010.
[2] “Tác động của Thông tư 13 với các NHTM và thị trường chứng khoán”, Công ty Chứng khoán BIDV; Tuấn Thành: “Thông tư 13 và Nghị định 141: Không hoãn nhưng có điều chỉnh?”, Báo Lao động ngày 30/8/2010.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật NHTM Trung Quốc
2. Regulation on Bank,s loan -to-Deposit Ratio; Press Release, 26/3/2010, FSC Hàn Quốc
3. Bahrain to alter liquidity management regulation, Emirates Business. 24/7;
4. Edward W.Reed, Edward K.Gill “Ngân hàng thương mại”, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét