Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Bỏ quên phát triển hạ tầng


Trích dẫn bài viết "Nền tảng của sự phát triển" của Tác giả: NGUYỄN TÂN KỶ
Xem đầy đủ: http://vef.vn/2011-01-29-nen-tang-cua-su-phat-trien


2010 là năm đầu tiên kể từ khi đổi mới, ngay giữa mùa mưa, nước lũ gây ngập lụt khắp nơi mà cả nước vẫn bị thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt. Có lẽ từ rất lâu rồi mới lập lại cảnh giữa mùa mưa mà bị cúp điện 1-2 lần/tuần. Tỷ lệ thiếu điện trong năm qua khoảng 14%, con số này năm 2011 dự kiến còn cao hơn nữa. Các doanh nghiệp sản xuất đang lo lắng không biết giải bài toán về điện trong năm tới ra sao, khi các thông tin từ tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chỉ là các từ "đang", "sẽ", "cố gắng"... mà chưa thấy một giải pháp hay số liệu cụ thể nào cho năm sau. EVN "chê" lỗ không đầu tư xây dựng nhà máy điện, bỏ tiền vào kinh doanh bất động sản, ngân hàng, điện thoại, viễn thông!!! Một tập đoàn nhà nước chuyên về điện mà không dám đầu tư sản xuất điện do sợ lỗ, mà lại trông chờ mua điện từ các doanh nghiệp ngoài ngành xây nhà máy bán điện lại cho EVN, thử hỏi có yên tâm tương lai sẽ đủ điện cho phát triển không?
EVN "chê" lỗ không đầu tư xây dựng nhà máy điện, bỏ tiền vào kinh doanh bất động sản, ngân hàng, điện thoại, viễn thông!!!
Đâu phải chỉ có điện là nỗi lo của các doanh nghiệp. Nhà máy lọc dầu ra đời tưởng đâu giải bớt khó khăn về xăng dầu, ngờ đâu giá nhập khẩu tính ra còn tốt hơn giá tự sản xuất trong nước. Xăng dầu vẫn luôn là vấn đề nóng của xã hội, thế nhưng tập đoàn Dầu khí sao không thấy mặn mà trong việc đầu tư, nghiên cứu các lĩnh vực chuyên môn chính mà lại dàn sức qua các lĩnh vực thời thượng như tài chính, bảo hiểm, bất động sản... Phải chăng cũng như EVN, dầu khí cũng chê các lĩnh vực truyền thống nhiều "xương xẩu" khó nuốt. Vậy thì vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế ở đâu?
Mục tiêu năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, nếu chúng ta chỉ quan tâm đến bề nổi, xây dựng các công trình thế kỷ, những dự án hàng ngàn tỉ đồng, những khu giải trí tầm cỡ thế giới như đường đua F1 hay công viên giải trí Disney mà "quên" đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức thì rồi chú chuột Mickey cũng chẳng có điện để nhảy múa chào mừng các em thiếu nhi đến tham quan hay các xe đua thể thức 1 lại phải chạy trong những đoạn đường ngập nước...
Xây nhà phải xây từ móng, phát triển phải trên nền tảng hạ tầng vững chắc, những nguyên tắc này ai ai cũng biết, thế nhưng vẫn bị bỏ quên. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ và có những hành động chấn chỉnh trước khi quá muộn. Một nền móng yếu chắc chắn sẽ không giữ được phần nóc ngày càng phình to và nếu không được gia cố ngay thì nguy cơ sụp đổ cả tòa nhà là không tránh khỏi.
Muộn còn hơn không, hy vọng từ sau năm 2011, diện mạo hạ tầng cơ sở của Việt Nam sẽ có những sự thay đổi mạnh mẽ, những quyết sách sáng suốt về kinh tế vĩ mô của Chính phủ sẽ giúp cho kinh tế Việt Nam có những bước phát triển bền chắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét