Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Kinh tế năm 2011 sẽ không có nhiều biến động


Nền kinh tế Việt Nam sẽ không có nhiều biến động trong năm 2011, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy có nhiều khả năng Việt Nam sẽ rơi vào điều mà các nhà phân tích kinh tế gọi là "bẫy thu nhập trung bình" - chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định.
 Căn cứ báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về nền kinh tế thế giới, GDP của toàn thế giới vào cuối năm 2010 sẽ tăng khoảng 4,2%, trong khi đó sang năm 2011, tốc độ tăng trưởng này được dự báo là 4,3%. Nền kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu hồi phục sau cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Nhờ sự hồi phục nhanh hơn dự báo, những tổn thất của ngành tài chính toàn cầu đã giảm đến 533 tỉ USD so ước tính trước đây. Khi cuộc khủng hoảng nổ ra, người ta ước tính sự mất mát tài sản có của hệ thống ngân hàng toàn cầu có thể lên đến 2.800 tỉ USD, nhưng nay do kinh tế sớm hồi phục, con số này chỉ còn 2.280 tỉ USD. Riêng đối với hệ thống ngân hàng Mỹ, tổn thất trước đây dự kiến là 1.030 tỉ USD, nay chỉ còn 885 tỉ USD, giảm được 13%.
Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp phát triển trong năm 2011 sẽ có thể không bằng mức của năm 2010. Theo dự báo của tổ chức OECD (những nước xuất khẩu dầu mỏ) tăng trưởng GDP của khu vực đồng euro năm 2011 chỉ là 0,6%, so với 1% của năm 2010. Các nhà phân tích kinh tế Mỹ cũng đang giảm dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Họ ước tính GDP Mỹ chỉ sẽ tăng tối đa 3,0% năm 2011, một số dự báo còn bi quan hơn, cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ có thể đạt khoảng 2,6%, so với tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 3,1%. Khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn sẽ rất yếu, tình hình suy thoái vẫn còn kéo dài trong thời kỳ sau khủng hoảng. Điều đó sẽ khiến Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành quốc gia có sản lượng công nghiệp dẫn đầu thế giới vào năm 2011, theo dự báo của tổ chức HIS Global Insight.
Như vậy, đây là lần đầu tiên trong vòng 110 năm qua, nước Mỹ mất đi vị trí cường quốc công nghiệp số một thế giới. Năm 2009, Hoa Kỳ chiếm 19,9% xuất lượng công nghiệp của toàn thế giới, trong khi Trung Quốc chiếm 18,6%. Trong năm 2010, khi GDP Trung Quốc vẫn tăng trưởng đến 9% thì Mỹ chỉ tăng 3,1% và khoảng cách chỉ số công nghiệp của hai nước còn rất nhỏ.
Các nước đang phát triển vượt qua khủng hoảng kinh tế nhanh hơn. Kinh tế châu Á tăng trưởng nhanh nhất, bình quân 8,7% năm 2010 và dự kiến 8,5% năm 2011. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước châu Á có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, Trung Quốc tăng 10% năm 2010 và dự kiến sẽ tăng 9,9% năm 2011, trong khi Ấn Độ tăng 8,8% năm 2010 và dự kiến tăng 8,4% năm 2011. Nhật Bản tăng trưởng 1,9% năm 2010 và sẽ tăng trưởng 2,0% năm 2011. Hàn Quốc sẽ có tốc độ tăng trưởng năm 2011 là 5,05%...
Năm 2011, nền kinh tế Việt Nam được IMF dự báo tăng trưởng khoảng 6,5%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng của Campuchia (6,8%) và Lào (7%) một ít. Tuy nhiên, so với các nước còn lại của ASEAN, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn là cao nhất. Thật ra, đây không phải là điều đáng tự hào nếu biết rằng GDP của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 15,3% của Indonesia, 36,4% của Thái Lan, 50,4% của Malaysia, 56,1% của Singapore và 58,1% của Philippines. Khả năng ta bắt kịp họ vẫn còn là một chuyện xa vời.
Kết thúc năm 2010, lạm phát tại Việt Nam đã vượt ngưỡng hai con số, đạt khoảng 11%. Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng cho dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì biện pháp thắt chặt tiền tệ trong năm 2011 để chống lạm phát và chính sách tài khóa của Chính phủ sẽ không quá mở rộng như những năm trước, tốc độ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam sẽ khó thể xuống thấp hơn mức thực hiện của năm 2010. Tình trạng khiếm hụt cán cân thương mại năm 2011 vẫn còn cao, tuy sẽ không vượt mức của năm 2010, do những nỗ lực kiềm chế nhập siêu của Chính phủ. Nhập khẩu sẽ được cân nhắc thận trọng hơn do tỷ giá đồng bạc Việt Nam so với đồng USD có giảm đôi chút, tuy nhiên các nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối đầu với một thị trường thế giới cạnh tranh quyết liệt, với những đối thủ nước ngoài có quyết tâm hơn và được sự hỗ trợ tốt hơn từ các chính phủ và hệ thống ngân hàng của họ.
Trên thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục bị điêu đứng bởi hàng ngoại, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chi phí tài chính, trong đó đáng chú ý là mức lãi suất tín dụng cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, trong khi lương công nhân khó hạ giảm dưới áp lực của lạm phát. Áp lực chi phí cao sẽ làm giảm năng suất công nghiệp và lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các doanh nghiệp nhà nước.
Điều có thể thấy là các doanh nghiệp quốc doanh, với mức năng suất lao động thấp và làm ăn kémhiệu quả kéo dài, sẽ càng gặp nhiều khó khăn, khi sự bao cấp từ ngân sách đang giảm dần với một chính sách tài khóa chặt chẽ hơn, ngoại trừ những tập đoàn lớn còn được hưởng ưu thế độc quyền.
Thị trường chứng khoán có thể vượt qua giai đoạn ảm đạm của năm 2010 nhưng sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng năm 2011 chúng ta có thể chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của nó. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể hoạt động tích cực hơn năm trước khi nhận thấy một nội các chính phủ bắt đầu nhiệm kỳ mới với cam kết phục hồi tăng trưởng kinh tế, và khi có nhiều nhận định rằng giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức thấp rất hấp dẫn.
Tuy nhiên, khi các cân đối vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam còn khiếm khuyết và thiếu tính bền vững, khi sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa còn thiếu sự nhịp nhàng hài hòa cần thiết để củng cố niềm tin và sự tín nhiệm của các doanh nghiệp và các nhà đầu tư, và nhất là để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó có những cú hích ngoạn mục trong năm 2011 để trở lại thời kỳ vàng son trước đây - khi Việt Nam vừa mới gia nhập WTO.
Thị trường bất động sản có tan băng hay không tùy thuộc rất nhiều vào dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế và sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán. Đây là những yếu tố không thể dễ dàng có được trong năm 2011. Trong tình hình đó, một sự điều chỉnh về giá bất động sản trên thị trường có thể xảy ra trong khoảng giữa năm 2011 và chính đó sẽ trở thành một trong những yếu tố làm tan băng nhưng đồng thời cũng làm tan vỡ nhiều giấc mơ bất động sản của nhiều đại gia.
Tỷ giá đồng bạc Việt Nam so với đồng USD trên thị trường tự do có thể gia tăng đôi chút trong dịp Tết Nguyên đán, khi đông đảo Việt kiều về thăm gia đình và đón xuân. Tuy nhiên, việc duy trì lâu dài tỷ giá 19.450 đồng ăn 1 USD trong cả năm 2011 sẽ là một việc rất khó khăn. Do đó, một sự điều chỉnh giảm khoảng 5 - 6% tỷ giá chính thức giữa VND/USD vào giữa năm 2011 là rất có khả năng, nếu những nỗ lực giảm bớt khiếm hụt cán cân thương mại và củng cố dự trữ ngoại tệ quốc gia là quyết tâm thực sự của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ vất vả để giữ gìn sự ổn định và tăng trưởng trong năm 2011. Những ngân hàng thương mại lớn vẫn có ưu thế vượt trội so với những ngân hàng nhỏ trong việc duy trì thanh khoản và áp dụng mức lãi suất cho vay phù hợp đối với các doanh nghiệp khách hàng của mình, mặc dù lãi suất tín dụng ngân hàng năm 2011 vẫn là mức lãi suất quá cao, nhìn từ góc độ của doanh nghiệp. Tỷ suất lợi nhuận của ngân hàng sẽ không tăng nhiều như những năm trước, nhưng khoảng cách lợi nhuận giữa các ngân hàng thương mại lớn và nhỏ năm 2011 sẽ mở rộng nhiều hơn.
Về phần mình, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cố gắng đảm bảo một chính sách tiền tệ hướng đến cả hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát và do đó vẫn sẵn sàng các biện pháp can thiệp để duy trì sự ổn định cần thiết của hệ thống ngân hàng. Dù rằng một số ngân hàng nhỏ đã được phép của Ngân hàng Nhà nước hoãn lại việc tăng vốn pháp định cho đến cuối năm 2011, nhưng do những khó khăn về thanh khoản, về chi phí huy động, về hiệu quả hoạt động, về tỷ suất lợi nhuận..., khả năng sáp nhập, hợp nhất một số ngân hàng thương mại nhỏ để đạt mức vốn pháp định tối thiểu là có thể xảy ra, và đó nên được xem là một điều tốt trong điều kiện thiếu thốn nhân sự ngân hàng, đặc biệt là thiếu cấp quản lý điều hành có đủ tâm và tầm như tình trạng hiện nay.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ không có nhiều biến động trong năm 2011, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy có nhiều khả năng Việt Nam sẽ rơi vào điều mà các nhà phân tích kinh tế gọi là "bẫy thu nhập trung bình" mà đặc trưng là hiệu quả đầu tư thấp (ICOR đang vượt con số 8), năng suất lao động thấp và năng lực cạnh tranh suy giảm. Nếu không quyết tâm hành động để vượt qua cái bẫy này, Việt Nam sẽ mãi mãi là một nước có thu nhập so sánh từ thấp đến trung bình.
Năm 2011 là năm đầu tiên của thập niên thứ hai của thiên niên kỷ mới, cần thiết phải có một chiến lược kinh tế mới cho phát triển, trong đó vai trò của Chính phủ nên chuyển từ trọng tâm là quản lý và giám sát sang trọng tâm là hỗ trợ và thúc đẩy. Sung dụng hiệu quả các nguồn lực - trong đó quan trọng hàng đầu vẫn là nguồn nhân lực - để tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia, giảm thiểu chi phí và lãng phí phải là nguyên tắc vàng của mọi quyết định kinh tế, vĩ mô cũng như vi mô, trong khu vực kinh tế nhà nước cũng như khu vực kinh tế tư nhân. Trước thềm năm mới, chúng ta kỳ vọng rằng Chính phủ mới có đủ quyết tâm và sáng suốt thực hiện những chương trình cải cách kinh tế vĩ mô cần thiết để mở ra con đường phát triển mới, đưa đất nước tiến đến cường thịnh.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét