Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Dealer – Họ là ai?

Dealer – Họ là ai ?


Công việc của họ là lên mạng Internet, đặt mua hoặc bán một khối lượng ngoại tệ nào đó với các đối tác trên thị trường quốc tế. Lựa chọn thời điểm, phán đoán tỷ giá, phân tích xu hướng lên, xuống của các đồng tiền - tất cả do họ định đoạt, chỉ cốt sao mua được rẻ và bán đắt, ngân hàng có lợi. Lợi nhuận cao, họ được thưởng, còn lỗ quá mức cho phép, họ có thể bị đuổi việc.

Từ sáng đến chiều, phòng giao dịch ngoại tệ trên mạng của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) im phăng phắc, ai cần nói chuyện, tiếp khách thì lẳng lặng ra ngoài. Ở đây chỉ nghe thấy tiếng gõ bàn phím máy tính, thỉnh thoảng mới có tiếng chuông và trả lời điện thoại. Năm gương mặt còn rất trẻ, dán mắt vào màn hình vi tính nơi tỷ giá euro/đôla Mỹ, đôla Mỹ/yen... nhảy nhót từng giây. Võ Thế Tuấn, Phó phòng kinh doanh ngoại tệ Sacombank, một giao dịch viên (dealer) có thâm niên 5 năm trong nghề, nói nhanh: "Màu xanh là giá lên, đỏ là giá xuống" rồi mải miết ghi ghi chép chép gì đó trên tờ giấy.

Công việc của họ không giờ giấc, thường xuyên trên 12 tiếng/ngày, Chuyện ăn trưa trễ hay ngồi lỳ trước máy tính đến 23h đêm là bình thường. Lê Quang Chung, một dealer có tiếng ở Deutsche Bank không ít lần ngồi vào bàn từ 9-10h tối và giao dịch qua đêm. "Nghề này có ma lực hấp dẫn bởi nó luôn mới" - Chung giải thích - "Tỷ giá không bao giờ đứng yên. Vài phút trước tưởng mình thắng đến nơi, vài phút sau có thể đã thua trắng tay". Chung mới 30 tuổi, nhưng đã làm dealer gần 10 năm.

Chuyện dealer thua mất 40.000-50.000 đôla Mỹ/ngày cũng không hiếm. Đào Hồng Châu, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh ngoại tệ của Eximbank cho biết, có thời điểm anh thắng, lãi tới 2% tổng doanh số giao dịch, nhưng rồi lại mất sau một giờ. "Mình không có đủ thông tin kịp thời để quyết định" - anh giãi bày. Võ Thế Tuấn cũng kể, năm 1999, cả tháng anh dành dụm từ những lần đánh thắng được khoảng 400 triệu đồng và làm mất tuốt tuột chỉ trong vòng 5 phút. Lần đó anh giao dịch mua bán đôla Mỹ và đồng yen. Đồng yen đang lên giá, chỉ một cú can thiệtp bất ngờ của Bộ Tài chính, nó giật ngược (mất giá), Tuấn trở tay không kịp.

Chính sự thắng thua chỉ trong tích tắc ấy đã tạo áp lực nặng nề và triền miên lên các dealer, chỉ có tuổi trẻ mới đủ sức chống chọi. Ở nước ngoài, khoảng 30-35 tuổi là họ chuyển nghề hoặc trở thành dealer độc lập (giao dịch cho riêng mình, không phải cho ngân hàng hay các công ty). Vietcombank TP HCM là ngân hàng trong nước đầu tiên thành lập phòng dealing room vào đầu những năm 1990. Ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, nguyên là một cao thủ dealer của Vietcombank cho rằng, nghề này ở VN còn quá non trẻ vì thế chưa có các dealer độc lập.

Nghề này không phải để theo đuổi đến khi về hưu nên các ngân hàng phải có các lớp dealer thay thế, nhưng đào tạo lại không dễ dàng. Dealer của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam mỗi năm đều được đến các chi nhánh trên toàn cầu để học hỏi, giao dịch thực tế. Citibank, Deutsche Bank, HSBC thường tổ chức các khóa học bài bản, chuyên nghiệp và kiến thức được cập nhật thường xuyên. Thế nhưng ngay cả các ngân hàng nước ngoài cũng luôn săn lùng các dealer đã biết nghề và có tài. Họ chấp nhận trả lương cao và tạo điều kiện cho các dealer để phát huy khả năng, như đưa ra hạn mức giao dịch lớn. Phòng dealing room một ngân hàng cổ phần thường chỉ được phép giao dịch khoảng 1,5-2 tỷ đồng/tháng và không được để lỗ quá 500 triệu đồng, nhưng hạn mức giao dịch của một dealer tại chi nhánh của một ngân hàng nước ngoài có thể lên tới vài chục triệu đôla Mỹ. Ngoài thông tin nhanh nhạy, thanh khoản của các ngân hàng này cũng tốt hơn các ngân hàng nội địa. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét