Phá giá sẽ làm gánh nặng nợ nước ngoài tăng thêm, đây là một trong những lý do chính nhiều nước cố gắng trì hoãn việc này. Tuy nhiên cần nhìn vấn đề này trên khía cạnh khác. TS Lê Hồng Giang đang làm việc tại quỹ Ngoại hối của công ty đầu tư Tactical Global Management, Úc trả lời phỏng vấn của SGTT.
Theo ông, phá giá tác động thế nào đến lạm phát?
Ngày 11.2, khi ngân hàng Nhà nước điều chỉnhtỷ giá, chênh lệch tỷ giá giữa VCB và thị trường tự do đã giảm xuống còn 2,44% so với hơn 9% trước đó. Nhưng sau ngày này, chênh lệch tỷ giá giữa hai khu vực ngân hàng và thị trường tự do lại lớn dần. |
Ảnh hưởng của phá giá vào lạm phát khá phức tạp. Các nghiên cứu trong nhóm này (exchange rate pass through – ERPT) chỉ ra ba kênh tạo ra lạm phát gia tăng khi tỷ giá giảm. Thứ nhất, giá hàng hóa nhập khẩu tăng ảnh hưởng trực tiếp vào mặt bằng giá trong nước. ERPT của hàng nhập khẩu thường khá cao và có độ trễ ngắn. Thứ hai, giá hàng hoá xuất khẩu trên thị trường nội địa cũng có thể tăng vì nhu cầu xuất khẩu tăng làm giảm cung cho thị trường nội địa. Thứ ba, tổng cầu cho hàng hoá sản xuất trong nước, bao gồm cả các hàng hoá chỉ sản xuất và tiêu dùng nội địa (non-tradable) tăng cũng tạo ra sức ép lên lạm phát.
Hầu hết các nghiên cứu định lượng ở các nước đều khẳng định sự hiện diện của ERPT vào CPI, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chênh lệch khá nhiều giữa các nước. Một nghiên cứu định lượng cho ERPT ở Việt Nam cần phải được thực hiện.
Mối quan tâm hiện nay là liên hệ giữa phá giá và lãi suất. Nhận định của ông như thế nào?
Phá giá về bản chất có nhiều điểm tương đồng với chính sách tiền tệ nới lỏng, nghĩa là nó có tác động kích thích các hoạt động kinh tế trong nước. Bởi vậy, để trung hoà tác động tiền tệ của phá giá trong trường hợp rủi ro lạm phát gia tăng vì ERPT cao, ngân hàng trung ương cần thắt chặt tiền tệ. Hơn nữa thắt chặt tiền tệ sau khi phá giá là một cách giúp đồng nội tệ không tiếp tục mất giá ít nhất trong ngắn hạn. Việc thắt chặt tiền tệ có tác động làm tổng tiết kiệm nội địa tăng, với điều kiện Chính phủ không gia tăng chi tiêu, do đó giúp cải thiện cán cân cung cầu ngoại tệ. Trong bối cảnh lãi suất của Việt Nam đã tương đối cao như hiện nay, rất có thể ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải thắt chặt tiền tệ thông qua các biện pháp phi lãi suất như tăng dự trữ bắt buộc, tăng hệ số an toàn vốn (CAR), hay siết chặt trần tín dụng.
Nhiều người quan ngại phá giá sẽ làm gia tăng gánh nặng nợ nước ngoài, thưa ông?
Phá giá sẽ làm gánh nặng nợ nước ngoài tăng thêm, đây là một trong những lý do chính nhiều nước cố gắng trì hoãn việc này. Tuy nhiên cần nhìn vấn đề này trên khía cạnh khác. Thứ nhất nếu trì hoãn phá giá, gánh nặng nợ nước ngoài sẽ càng phình to và đến một lúc nào đó sẽ vỡ. Chấp nhận thắt lưng buộc bụng bây giờ để trả nợ hay đợi đến lúc vỡ nợ mới phá giá? Chọn lựa cách nào trong hai cách này là một quyết định không khó với một chính phủ có trách nhiệm. Thứ hai, nếu phá giá để phục hồi lại cân bằng nền kinh tế thì gánh nặng nợ nước ngoài có thể được bù đắp phần nào bằng sự gia tăng hoạt động kinh tế trong nước và luồng vốn nước ngoài chảy vào. Về mặt nguyên tắc, nếu phá giá giúp cải thiện cán cân thương mại thì cả dự trữ ngoại tệ lẫn khả năng trả nợ nước ngoài của một nước sẽ được cải thiện, sẽ góp phần cải thiện xếp hạng tín nhiệm (credit rating). Do đó điểm mấu chốt của Việt Nam sau lần phá giá này là phải chấp nhận thắt lưng buộc bụng một thời gian để trả nợ và giữ ổn định kinh tế, tránh không để bị hạ điểm thêm nữa.
Liệu lần phá giá này có giúp ta thu hút thêm nhiều đầu tư nước ngoài?
Phá giá là liều thuốc đắng mà Việt Nam phải uống vì đang bị bệnh. Giúp giảm gánh nặng chi tiêu cho người nghèo trong cơn bão này, đầu tư thêm vào các cơ sở giáo dục, y tế dịch vụ công... là cần thiết song song với cắt giảm chi tiêu công không hiệu quả. |
Mối liên hệ này khá phức tạp. Về nguyên tắc nếu phá giá để đưa tỷ giá về mức bền vững thì nền kinh tế sẽ ổn định hơn dù trong ngắn hạn tốc độ tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng vì các nhà đầu tư được giải toả rủi ro tỷ giá trong tương lai. Tuy nhiên nếu phá giá không đủ mạnh và uy tín của ngân hàng Trung ương không cao thì các nhà đầu tư có thể vẫn ngần ngại. Trong hoàn cảnh thiếu thốn số liệu và các nghiên cứu nghiêm túc như ở Việt Nam, việc phá giá chỉ có ý nghĩa “đánh tiếng” (signalling) với các nhà đầu tư. Trong lần phá giá vừa rồi, ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hai tín hiệu rõ ràng: phá giá khá mạnh (9,3%) và chuyển sang chính sách điều hành tỷ giá mềm dẻo hơn. Cả hai tín hiệu này “đánh tiếng” cho các nhà đầu tư rằng ổn định vĩ mô sẽ được coi trọng. Một đợt thắt chặt tiền tệ mới (bằng chính sách lãi suất hoặc phi lãi suất) sẽ càng củng cố tín hiệu này.
Phá giá sẽ ảnh hưởng tới tầng lớp dân nghèo. Cần cân nhắc yếu tố tác động này như thế nào?
Hiển nhiên người nghèo không mua những hàng hoá nhập khẩu đắt tiền, nhưng giá xăng dầu tăng, giá điện nước tăng, và ngay cả giá các loại hàng tiêu dùng và thực phẩm rẻ tiền của Trung Quốc cũng tăng sẽ phần nào làm cuộc sống của tầng lớp dân nghèo khó khăn hơn. Hơn nữa, nếu Chính phủ thực sự đặt mục tiêu tăng trưởng xuống thứ yếu, chính sách này sẽ gián tiếp làm giảm cơ hội việc làm và thu nhập của đa số người dân. Do vậy những biện pháp giúp đỡ người nghèo cần được đẩy mạnh. Những khoản chi tiêu, đầu tư công không rõ hiệu quả cần cắt giảm hoặc trì hoãn để dồn tiền cho các chương trình trợ cấp cho dân nghèo. Đầu tư thêm vào các cơ sở giáo dục, y tế, dịch vụ công cũng là cách giúp giảm gánh nặng chi tiêu cho người dân nói chung và dân nghèo nói riêng.
Phá giá là liều thuốc đắng Việt Nam phải uống vì đang bị bệnh. Những người làm chính sách cần nhớ rằng tầng lớp dân nghèo không có lỗi gì cả khi tỷ giá và cán cân ngoại thương quá mất cân đối lâu nay. Bởi vậy phải đảm bảo ảnh hưởng của chính sách phá giá đối với họ là thấp nhất.
Theo: Báo Sài Gòn tiếp thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét