Thống đốc Nguyễn Văn Giàu bắt tay Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Philippines, ông Diwa Guinigundo, tại một hội nghị diễn ra ở Nha Trang, tháng 7/2010 - Ảnh: Reuters.
Quốc hội rất nhiều lần đưa vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô ra mổ xẻ và thấy rằng, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý nên họ đòi phải tái cấu trúc lại nền kinh tế. Thứ nhất, đối với vấn đề lạm phát, tôi nghĩ, ngay từ đầu năm, chính sách tài khóa phải đưa ra thông điệp để khẳng định một chính sách tài khóa chặt chẽ như thế nào.
Thứ hai, cần xem lại chính sách đầu tư, kể cả FDI và đặc biệt là đầu tư ra nước ngoài. Thử hình dung, mới chỉ triển khai vài năm mà tổng lượng ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài vọt khỏi biên giới lên tới 8,2 tỷ USD. Nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là tiền tư nhân, còn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài là tiền của các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, may lắm chỉ có doanh nghiệp tư nhân Hoàng Anh Gia Lai thì cũng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ.
Thứ ba là bội chi thực, nhất là các khoản phát hành trái phiếu Chính phủ không đưa vào để tính toán bội chi. Các nước đang phát triển chỉ cho phép bội chi khoảng 5% GDP, nước phát triển là 3% GDP, vậy Việt Nam là bao nhiêu cần phải tính toán lại thì mới có con số chính xác.
Thứ tư, nợ nước ngoài do thâm hụt cán cân vãng lai mà cái ruột của nó là sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư. Hiện nay, tỷ lệ này của Việt Nam khoảng 11%. Khi cán cân vãng lai thâm hụt thì phải được bù đắp bằng đầu tư nước ngoài. Đừng nhìn vào Nhật Bản, vì nợ quốc gia của Nhật Bản là nợ trong dân, vì thế họ không bao giờ thâm hụt cán cân vãng lai nên cán cân thanh toán quốc tế không bị ảnh hưởng. Vì thế, một trong những vấn đề của vĩ mô hiện nay là phải đưa tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư về mức cân bằng. Ở Việt Nam, theo tính toán, tỷ lệ trên từ 5% - 6% là phù hợp nhưng đến mức 11% là đáng lo ngại.
Thứ năm là nhập siêu. Các nước xung quanh Việt Nam xuất siêu đã lâu. Nhập siêu là hệ quả làm suy yếu cán cân thanh toán quốc tế, làm cho đồng tiền bị giảm giá.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét