Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011
TỰ DO HÓA TÀI CHÍNH VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC NGOẠI TỆ MẠNH LÊN ĐỒNG BẢN TỆ QUA CÁC THỜI KỲ - NHỮNG BẰNG CHỨNG (Số 11/06) (27/06/2006)
Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế nói chung bắt đầu từ năm 1986, trong ngành Tài chính Ngân hàng chúng ta cũng chứng kiến những thay đổi quan trọng về chất hướng tới một hệ thống Ngân hàng lành mạnh, đáp ứng được yêu cầu của một nền kinh tế thị trường đang hình thành mạnh mẽ ở nước ta.
Trước năm 1988, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam là một hệ thống “đơn cấp” (monobank system), trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa đóng vai trò là ngân hàng trung ương, vừa đóng vai trò là một ngân hàng thương mại. Ngoài ra, còn có thêm hai ngân hàng thương mại quốc doanh khác là Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Mục tiêu của ngành Ngân hàng trong thời kỳ này đơn thuần chỉ là phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch với khách hàng chủ yếu là các xí nghiệp quốc doanh (XNQD). Vì vậy, lãi suất chỉ đóng một vai trò cực kỳ hạn chế trong việc phân bổ các nguồn lực tài chính và được Nhà nước chủ động điều tiết để phục vụ các kế hoạch phát triển của mình. Lãi suất thực bị khống chế ở mức thấp, thậm chí trở nên âm vào những năm đầu và giữa thập kỷ 80 do lạm phát cao.
Về tỷ giá, chúng ta thi hành một cơ chế đa tỷ giá cho đến năm 1988. Để phục vụ cho nền kinh tế kế hoạch hóa, các mức tỷ giá, cũng như hầu hết các loại hàng hóa khác, được ấn định bởi ủy ban Vật giá Nhà nước. Tỷ giá chỉ đóng vai trò đơn thuần như là một công cụ kế toán phục vụ cho việc chuyển đổi giữa giá cả trong nước và quốc tế.
Kể từ sau năm 1988, ngành Ngân hàng đã trải qua một số giai đoạn tái cơ cấu và “thay máu” để hướng tới hình thành một hệ thống ngân hàng hoạt động dựa trên các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Với việc ban hành 2 Pháp lệnh Ngân hàng (tháng 5/1990), sau đó được thay thế bởi Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD (tháng 12/1997), một loạt các ngân hàng quốc doanh, cổ phần, và các tổ chức tín dụng đã theo nhau ra đời. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng được hình thành vào thời kỳ này. Tuy vậy, lãi suất vẫn bị kiểm soát chặt bởi NHNN thông qua các mức trần lãi suất và biên độ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và tiền gửi của mình. Đặc biệt, trong và ngay sau thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính khu vực, NHNN chủ động hạ thấp lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc chủ yếu nhằm vực dậy khu vực quốc doanh đang trì trệ bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng.
Sang đến năm 2000, NHNN ban hành một cơ chế lãi suất mới. Các ngân hàng thương mại được phép áp dụng lãi suất cho vay nội tệ của mình dựa trên lãi suất cơ bản của NHNN cộng với một khoản chênh lệch được phép dao động trong một biên độ rộng hơn nhiều so với trước đây. Đến tháng 6 / 2002 thì lãi suất được tự do hóa hoàn toàn. Quá trình tự do hóa lãi suất áp dụng đối với ngoại tệ cũng diễn ra hầu như song song, tuy phạm vi và mức độ thì khiêm tốn hơn.
Đối với tỷ giá, năm 1989, chúng ta tiến hành thống nhất tỷ giá và phá giá mạnh đồng nội tệ xuống gần sát với giá trên thị trường tự do qua nhiều đợt. Tỷ giá còn được sử dụng như một công cụ quan trọng để khống chế lạm phát phi mã vào cuối thập kỷ 80. Tuy vậy, NHNN đã phải từ bỏ cơ chế tỷ giá cố định cứng nhắc của mình vào đầu năm 1997 bằng việc nới lỏng dần biên độ dao động được phép, vì đồng nội tệ đã lên giá quá cao so với ngoại tệ. Tỷ giá còn được điều chỉnh (thực chất là phá giá) mạnh thêm nữa khi các quốc gia trong khu vực buộc phải phá giá mạnh bản tệ dưới sức ép của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Từ năm 1999, tỷ giá đã được điều hành trong cơ chế phá giá từ từ, định kỳ (crawling peg).
Xét về ảnh hưởng của ngoại tệ lên nền kinh tế nước ta, trước tiên cần nói ngay là các số liệu thống kê cho thấy tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế1 đã diễn ra mạnh mẽ từ trước đây nhiều năm. Có những thời điểm tiền gửi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước chiếm đến trên 60% tổng lượng tiền gửi trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Từ năm 2000 trở lại đây, tình hình này có được cải thiện đáng kể, nhưng tỷ trọng này vẫn duy trì ở mức cao, khoảng trên 30%. Với một nền kinh tế bị đô la hóa khá nặng như vậy, cộng với việc ngành Ngân hàng đang ngày càng được tự do hóa mạnh mẽ, người ta cho rằng các ngoại tệ mạnh có tác động không nhỏ đến đồng bản tệ, phản ánh qua sự vận động khăng khít giữa lãi suất và tỷ giá của đồng nội tệ và các ngoại tệ này, đặc biệt là từ đầu những năm 2000 đến nay, khi cơ chế kiểm soát tỷ giá và lãi suất đã được nới lỏng đáng kể.
Nhằm mục đích xác định mức độ ảnh hưởng của tỷ giá và lãi suất của các đồng ngoại tệ lên tỷ giá và lãi suất của đồng bản tệ, tác giả bài này đã phối hợp với ba tác giả khác (P. T. Nga, N. T. P. Anh, và S. Uchida) nghiên cứu và áp dụng một mô hình kinh tế lượng phù hợp nhất trong điều kiện số liệu cho phép, trong hai thời kỳ, 1995-1997 (thời kỳ tiền khủng hoảng kinh tế khu vực), và 2002-2004 (thời kỳ hậu khủng hoảng và là thời kỳ đồng tiền chung châu Âu Euro ra đời). Vì công trình nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành “Asian Business & Management”, số 4, năm 2005 (nhà xuất bản Palgrave, Anh), dưới tiêu đề: “Effects of Cyclical Movements of Foreign Currency Interest Rates and Exchange Rates on the Vietnamese Currency’s Interest Rate and Exchange Rate”,2, ở đây, tác giả chỉ xin tóm tắt lại các kết quả nghiên cứu chính. Thứ nhất, trong thời kỳ 1995-1997, lãi suất và tỷ giá của đồng France có tác động mạnh đến tỷ giá của đồng bản tệ. Phát hiện này đã phần nào khẳng định rằng trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, NHNN đã dùng một rổ tiền (bao gồm đồng USD và franc Pháp trong trường hợp này) để ấn định tỷ giá đồng bản tệ. Tuy nhiên, bằng chứng tính toán cho thấy lãi suất của đồng bản tệ diễn biến hoàn toàn độc lập với lãi suất và tỷ giá của tất cả các ngoại tệ mạnh dùng trong mô hình (USD, bảng Anh, mác Đức, yên Nhật, franc Pháp, franc Thụy Sĩ).
Trong giai đoạn thứ 2 (2002-2004), nhóm tác giả đã chứng minh rằng đồng bản tệ tiếp tục vận động độc lập với tất cả các đồng ngoại tệ về mặt lãi suất. Cụ thể, lãi suất của đồng bản tệ chỉ bị chi phối bởi chính nó trong quá khứ (lãi suất ở các thời điểm trước đó). Trong khi đó, tỷ giá của đồng bản tệ so với USD lại bị chi phối mạnh (theo hướng ngược nhau) bởi tỷ giá của 2 đồng ngoại tệ mạnh khác là bảng Anh và Euro (cũng là tỷ giá so với USD, được đưa vào mô hình thay cho mác Đức và franc Pháp khi 2 đồng tiền này được thay thế bởi đồng tiền chung châu Âu Euro), bên cạnh ảnh hưởng của chính nó trong quá khứ. Điều này chứng tỏ rằng tỷ giá của đồng bản tệ đã không còn bị ấn định một cách cứng nhắc bởi một rổ tiền tệ như trước đây nữa. Nói cách khác, tỷ giá của đồng bản tệ đã được quyết định trong một cơ chế tự do hơn.
Do vậy, nghiên cứu trên đã chỉ ra rằng mặc dù tự do hóa tài chính đã diễn ra khá mạnh mẽ ở Việt Nam trong thời gian qua, tác động của nó vẫn còn khá hạn chế, thể hiện ở chỗ lãi suất của đồng bản tệ đã và vẫn tiếp tục diễn biến độc lập với các diễn biến trên thị trường tiền tệ và ngoại hối quốc tế. Điều này cũng có thể là hậu quả của tình trạng kém phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, theo đó mối liên hệ gắn kết giữa thị trường tài chính trong và ngoài nước nói chung còn yếu.
Một phát hiện thú vị nữa trong công trình nghiên cứu này là lãi suất USD tỏ ra có rất ít ảnh hưởng lên tỷ giá và lãi suất của đồng bản tệ trong cả 2 giai đoạn, mặc dù người ta tin rằng NHNN đã dựa phần lớn vào đồng USD để làm cơ sở xác lập tỷ giá và lãi suất của mình. Vấn đề này cũng có thể là do đầu tư gián tiếp (portfolio investment) của Việt Nam vào các tài sản tài chính của Mỹ còn khá hạn chế cho đến thời điểm nghiên cứu (2004).
__________________________
1 Là một khái niệm phản ánh hiện tượng ngoại tệ, chủ yếu là USD, và một số ngoại tệ mạnh khác như yên Nhật, mác Đức, và bảng Anh, được sử dụng rộng rãi và công khai như là một phương tiện thanh toán và dự trữ tài sản trên lãnh thổ quốc gia.
2 Bài viết này có thể đọc trực tiếp ở địa chỉ:
www. palgrave-journals.com
Độc giả cũng có thể liên lạc trực tiếp với tác giả theo địa chỉ:
phanminhngoc@yahoo.com. để nhận bản copy điện tử của bài này.
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:Ke3AZigVUzkJ:www.sbv.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gDFxNLczdTEwODMG9jA0__QHM_Y_dAAwNnM_2CbEdFAAJ9Ps8!/%3FWCM_PORTLET%3DPC_7_0D497F540G9520IOQVO48N20M7_WCM%26WCM_GLOBAL_CONTEXT%3D/wps/wcm/connect/sbv_vn/sbv_vn/vn.sbv.print/vn.sbv.printing.magazine/vmtCITIcYYV0U2nvmdnjeBl2010-01-11-06-21-29+t%E1%BB%B7+gi%C3%A1+li%C3%AAn+ng%C3%A2n+h%C3%A0ng+n%C4%83m+2000&cd=6&hl=vi&ct=clnk&gl=vn&source=www.google.com.vn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét