Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

“Bom nổ chậm” ở VDB?


Trong hoạt động tín dụng, rủi ro đến đâu, trích lập dự phòng đến đó, nhưng ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), mặc dù dư nợ mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, nhưng dự phòng rủi ro được cào bằng một mức: 0,5%/tổng tài sản có rủi ro!
So sánh tỷ lệ phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro giữa VDB và các tổ chức tín dụng, thậm chí với các tổ chức tài chính vi mô như quỹ tín dụng nhân dân, thấy rằng, những đồng vốn của VDB đang song hành với quá trình phiêu lưu mạo hiểm.
Tổng số vốn VDB giải ngân từ 2006 - 2010 là 83 nghìn tỷ đồng
Tiền Nhà nước nên ít rủi ro?
Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định 18 ngày 25/4/2007, sửa đổi một số điều của Quyết định 493, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro như sau.
Đầu tiên, tổ chức tín dụng phải đánh giá và phân loại nợ theo nhóm từ 1 đến 5 đối với tất cả tài sản có rủi ro, bao gồm cho vay và cam kết bảo lãnh.
Thứ hai, tổ chức tín dụng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro theo hai cấp độ. Cấp độ 1: trích lập dự phòng chung với mức 0,75% đối với tất cả tài sản có rủi ro (như nói trên) đối với các nhóm nợ được phân loại từ 1 đến 4. Cấp độ 2: trích tiếp dự phòng rủi ro theo từng mức độ rủi ro của từng nhóm nợ sau khi phân loại nợ. Cụ thể: nợ nhóm 1: 0%; nợ nhóm 2: 5%; nợ  nhóm 3: 20%; nợ nhóm 4: 50% và nợ nhóm 5 trích 100%. 
Để chiếc “áo giáp” dự phòng rủi ro thêm chắc chắn, Ngân hàng Nhà nước còn “nhốt” của các tổ chức tín dụng một lượng dự trữ bắt buộc đối với VND kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% và trên 12 tháng là 1% trên tổng số dư huy động.
Chưa kể, tổ chức tín dụng còn phải tham gia phí bảo hiểm tiền gửi với mức 0,15%/năm (tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi) và cùng đó là một loạt hệ số an toàn như CAR, thanh toán nhanh 1 ngày, 7 ngày… được các tổ chức tín dụng cho là rất ngặt nghèo.
Tất cả những quy định này không ngoài mục đích giữ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Thậm chí, ngay cả với tổ chức tài chính vi mô, Ngân hàng Nhà nước cũng có hẳn Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16/6/2010 về phân loại nợ, trích lập và sử  dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Cụ thể, đối tượng trên cũng phải phân loại nợ theo 5 nhóm và tỷ lệ trích là: nợ nhóm 1: 0%; nhóm 2: 2%; nhóm 3: 25%; nhóm 4: 50%; nhóm 5: 100%. Ngoài ra, mức trích dự phòng chung của tổ chức tài chính quy mô nhỏ là 0,5%/dư nợ gốc toàn bộ các khoản nợ từ 1 đến 4.
Vậy còn việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro ở VDB thì sao? Theo Quyết định 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Chính phủ và Thông tư số 111/2007/TT-BTCngày 12/9/2007 về quy chế quản lý đối với VDB thì ngân hàng này được hưởng một cơ chế, mà nếu xét về mặt an toàn thì độ rủi ro chỉ lớn hơn số không một chút.
Trước hết, các văn bản trên khẳng định: “Hoạt động của VDB không vì mục đích lợi nhuận, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi”.
Tiếp đó, trong các văn bản này đều yêu cầu VDB phải phân loại nợ theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước nhưng trích lập quỹ dự phòng rủi ro lại có tỷ lệ hết sức… tượng trưng: 0,5%/dư nợ bình quân đối với tất cả các loại tài sản có rủi ro, bao gồm từ cho vay đầu tư, cho vay tín dụng xuất khẩu, nghĩa vụ bảo lãnh tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh dự thầu và thực hiện hợp đồng của ngân hàng này.
Những tưởng, “mức 0,5%” nói trên sẽ được thay đổi nhưng 4 năm sau, khi xây dựng “Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu Nhà nước”, các cơ quan chấp bút văn bản này vẫn giữ nguyên tỷ lệ trích lập nói trên. Điều này khiến nhiều người nghĩ rằng, 100% dư nợ tín dụng đầu tư và xuất khẩu của Nhà nước qua VDB gần như không có rủi ro! 
Ngân sách có kịp… đón lõng?
Trước cách thức trích lập dự phòng rủi ro như trên của VDB, người viết đã đặt câu hỏi với một nữ chuyên gia tài chính: phải chăng, tiền của Nhà nước thì ít rủi ro so với tiền vay của người dân và tổ chức kinh tế? Vị chuyên gia này không khỏi ngạc nhiên: “Càng tiền của Nhà nước, càng nhiều rủi ro và trích lập ở mức đó là hết sức mạo hiểm”.
Theo bà, ba năm trước đây, khi VietinBank (CTG) thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước phải tái cấp vốn khoảng 3.000 tỷ đồng để ngân hàng này có nguồn bù đắp để trích lập làm dày quỹ dự phòng rủi ro. Bởi nếu không, VietinBank sẽ phải cấu nguồn khác vào để trích lập đủ. Lúc đó, chi phí sẽ ăn vào vốn điều lệ thực, làm cho lỗ lũy kế tăng lên, rất khó cổ phần hóa.
Một nguyên tắc của Basel đối với an toàn vốn là phải trích lập dự phòng tương ứng mức độ rủi ro, chứ không phải đợi đến lúc rủi ro xảy ra mới hạch toán vào chi phí thì không thể lấy đâu ra nguồn bù đắp.
“Chưa cần xông vào số liệu, chỉ cần nhìn vào cơ chế, đã thấy luôn rủi ro. Với mức trích lập 0,5%/tổng dư nợ cho toàn hệ thống, đó là mức quá thấp so với mức độ rủi ro và không khác gì quả bom nổ chậm”.
Có thể là vội vàng khi chưa nhìn thấy những số liệu cân đối tài chính của VDB mà đã đánh giá dư nợ của VDB là “bom nổ chậm”, nhưng nhìn vào cơ cấu nguồn vốn và cơ chế hoạt động của ngân hàng này, sẽ có cảm nhận, VDB càng cho vay càng thấy…lo!
Thứ nhất, rất nhiều lần, ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB khẳng định: ngân hàng này hoạt động hoàn toàn phi lãi, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ cung cấp tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ. Một vấn đề đặt ra, nếu hoạt động phi lãi thì tất nhiên, VDB không thể lấy đâu ra nguồn để trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, vị nữ chuyên gia nói trên cho rằng, đã hoạt động tín dụng thì phải có rủi ro, đã có rủi ro thì phải trích lập dự phòng. Khi trích thì phải đưa vào chi phí, thiếu chi phí thì nhà nước phải cấp vào. Không thể có chuyện nay mai rủi ro xảy ra thì lấy đâu nguồn xử lý?
Thứ hai, nguồn vốn của VDB hoàn toàn là ngân sách chuyển sang và vốn vay ODA, có những năm, tỷ lệ vốn ODA chiếm tới 40% cơ cấu nguồn. Một điều đáng quan tâm là tín dụng của VDB chủ yếu là trung - dài hạn, giả định rằng, đến hạn trả nợ nhưng không thu hồi được nợ thì không hiểu VDB sẽ xoay xở như thế nào?
Đặc biệt, trong các dự toán ngân sách ngắn hạn và dài hạn của Chính phủ, chưa bao giờ nhắc đến khoản mục dự phòng bù đắp hay đón lõng rủi ro nếu VDB mất vốn. Rất có thể, lúc đó ngân sách sẽ è cổ ra gánh vác nhưng không lẽ, với cả trăm nghìn tỷ đồng mà lại “mất bò mới lo làm chuồng”?
Được “hoán cải” từ Quỹ Hỗ trợ phát triển, từ 1/7/2006, VDB trở thành Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Mang danh là “ngân hàng” nhưng thực tế, VDB chỉ “đánh trống ghi tên” ở Ngân hàng Nhà nước còn toàn bộ nguồn vốn lại ở Bộ Tài chính. Vì thế, khi nhận thấy hoạt động của VDB không tuân thủ theo các chuẩn mực an toàn (như nói trên), không ít lần Ngân hàng Nhà nước “mặt nặng mày nhẹ” nhưng đến nay, VDB vẫn “lạc lõng” giữa cộng đồng tổ chức tín dụng.
Một vấn đề đáng lưu ý khác, Quyết định 44/2007/QĐ-TTg quy định: “Trong thời hạn 120 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính, VDB phải công khai các báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, dù hoạt động đã 5 năm nay, nhưng ở mục “báo cáo thường niên” trên cổng thông tin của ngân hàng này vẫn trắng xóa.
* Do chưa thể tiếp cận với lãnh đạo VDB, chúng tôi tạm sử dụng một số thông tin mới nhất nhưng chưa chính thức mà tòa soạn có được xung quanh doanh số hoạt động của VDB:
“Tổng số vốn VDB giải ngân từ 2006 - 2010 là 83 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ VNDđến thời điểm này khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với lúc bắt đầu hoạt động (7/2006); đạt tốc độ tăng bình quân mỗi năm 20%, tương đương 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Hiện tại, VDB đang quản lý 2.346 dự án, tổng số vốn vay theo hợp  đồng tín dụng là 155.495 tỷ  đồng. Trong đó có 105 dự án nhóm A với vốn vay 73.583 tỷ đồng”.
Nguyễn Hoài
TBKTVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét