(TBKTSG) - Thị phần ngân hàng đã có những thay đổi quan trọng trong thời gian qua. Đâu là những nhân tố quan trọng làm thay đổi vị thế cạnh tranh, thể hiện ở sự thay đổi thị phần, của hai nhóm ngân hàng quốc doanh và thương mại cổ phần?
Những thay đổi về thị phần
Trong khi đó, nhóm các ngân hàng cổ phần có sự trỗi dậy mạnh mẽ, từ thị phần cho vay và huy động vốn lần lượt là 10% và 9% vào năm 2002, đến năm 2008 tăng lên mức 32% và 29%.
Còn lại thị phần của nhóm các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lại khá ổn định trong khoảng thời gian 2002-2008. Vấn đề đặt ra: đâu là những nhân tố quan trọng làm thay đổi vị thế cạnh tranh, thể hiện ở sự thay đổi thị phần, của hai nhóm ngân hàng nói trên?
Đó là mục tiêu chính của những phân tích về khả năng sinh lời của bài viết này, dựa vào bộ cơ sở dữ liệu tính toán từ các báo cáo tài chính của các ngân hàng có liên quan kể từ năm 2002-2008.
Đối với các ngân hàng quốc doanh, bốn ngân hàng lớn nhất đã được chọn là đối tượng nghiên cứu, bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ở đây phải nói thêm là Vietcombank tuy đã cổ phần hóa, nhưng do có tỷ lệ cổ phần nhà nước áp đảo, nên tác giả vẫn giữ trong nhóm các ngân hàng thương mại quốc doanh.
Riêng số liệu thị phần, do dựa vào các báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước, sẽ là số liệu của tất cả năm ngân hàng thương mại quốc doanh, tức là kể cả Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Còn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, bốn ngân hàng cổ phần lớn nhất được chọn theo tiêu chí tổng tài sản để phân tích, so sánh khả năng sinh lời là ACB, Sacombank, Eximbank và Techcombank.
Cũng tương tự như các ngân hàng quốc doanh, số liệu thị phần là của tất cả các ngân hàng cổ phần, được trích xuất từ các báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước.
Các phân tích về khả năng sinh lời
Chúng tôi bắt đầu bằng việc sử dụng tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân (tổng thu từ lãi trên tổng tài sản sinh lời trừ đi tổng chi phí trả lãi trên tổng nguồn vốn phải trả lãi) trong phân tích khả năng sinh lời của hai nhóm ngân hàng quốc doanh và cổ phần.
Tỷ lệ này dùng để đo lường hiệu quả hoạt động trung gian của ngân hàng trong quá trình huy động vốn và cho vay.
Bên cạnh đó, nó cũng được sử dụng trong việc đánh giá cường độ cạnh tranh trong hai lĩnh vực hoạt động truyền thống của các ngân hàng thương mại.
Ngoại trừ hai năm 2002 và 2003, thì từ năm 2004 trở về sau, thời kỳ cạnh tranh mạnh mẽ nhất giữa hai nhóm quốc doanh và cổ phần lại chứng kiến một lợi thế cạnh tranh khá rõ của nhóm các ngân hàng quốc doanh so với các ngân hàng cổ phần xét trên tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân (xem bảng 3). Tỷ lệ chênh lệch lãi suất của nhóm các ngân hàng quốc doanh trong hai năm 2007, 2008 lần lượt là 2,82% và 3,05% trong khi đó, con số của nhóm bốn ngân hàng cổ phần là 1,95% và 2,85%.
Thế nhưng, đi sâu hơn, chúng ta hãy xem lợi thế đó đến từ hoạt động nào của hai nhóm ngân hàng được xem xét: cho vay - đầu tư, huy động vốn, hay cả hai?
Trước hết, hãy xem xét tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (Net Interest Margin - NIM, được tính bằng cách lấy tổng thu nhập lãi ròng từ cho vay và đầu tư chia cho tổng tài sản sinh lời). NIM được sử dụng để đo lường mức chênh lệch giữa thu từ lãi và chi phí trả lãi mà ngân hàng có thể đạt được thông qua việc kiểm soát chặt chẽ tài sản sinh lời và theo đuổi các nguồn vốn có chi phí thấp nhất. Ngoại trừ hai năm 2004 và 2005, thì trong các năm phân tích còn lại, NIM của nhóm các ngân hàng cổ phần có phần cao hơn nhóm các ngân hàng quốc doanh (xem bảng 4).
Do không đủ dữ liệu để có thể tính toán được các chỉ tiêu chi tiết khác có liên quan như lãi suất cho vay bình quân, lãi suất huy động vốn bình quân... phân tích NIM với các số liệu đã được tính toán ở bảng 4 chưa thể cho chúng ta một kết luận thuyết phục về việc, giữa cho vay - đầu tư hay huy động vốn, đâu là thế mạnh hơn của một trong hai nhóm ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu xét đến vấn đề nợ xấu của nhóm các ngân hàng quốc doanh, thì chúng ta có thể đi đến nhận định rằng nợ xấu và từ đó, các khoản chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng là một nguyên nhân quan trọng đưa đến tính kém hiệu năng trong các hoạt động tín dụng của các ngân hàng quốc doanh so với các ngân hàng cổ phần.
Vào thời điểm cuối năm 2008, tính toán theo Tiêu chuẩn Kế toán Việt Nam (VAS), nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng 1-4% tổng dư nợ, trong khi tỷ lệ này của 10 ngân hàng cổ phần hàng đầu là dưới 2%. Nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh chắc chắn có liên quan đến nhóm khách hàng “chiến lược” của các ngân hàng này - đó là các doanh nghiệp quốc doanh.
Các ngân hàng quốc doanh vẫn là nhà cung ứng vốn chính cho các doanh nghiệp quốc doanh. Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong khoảng thời gian phân tích, cho vay đối với các doanh nghiệp quốc doanh chiếm 30-40% tổng dư nợ của các ngân hàng quốc doanh.
Trong các quan hệ tín dụng có tính chất “anh em” này, những “ưu tiên” cho các khoản tín dụng trung và dài hạn về số lượng, về thời hạn, điều kiện đảm bảo và phương thức hoàn trả vốn gốc lại chứa đựng thêm những rủi ro tiềm ẩn khác cho các ngân hàng quốc doanh.
Chẳng hạn, xét việc cho vay tín chấp các doanh nghiệp quốc doanh (chắc chắn là chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng cho vay của các ngân hàng quốc doanh): một khi xảy ra vấn đề nợ xấu, thì các khoản trích lập dự phòng rủi ro sẽ cao hơn nhiều so với trường hợp các khoản cho vay đã được bảo đảm 100%.
Đến đây, chúng ta tiếp tục phân tích NIM trong mối quan hệ với tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân. Theo lý thuyết, hai tỷ lệ này thông thường vận động cùng chiều với nhau. Thế nhưng, kết quả tính toán qua hai bảng 3 và 4 đã cho chúng ta một kết quả khác. Tỷ lệ chênh lệch lãi suất bình quân của các ngân hàng quốc doanh cao hơn các ngân hàng cổ phần nhưng NIM của các ngân hàng cổ phần lại cao hơn các ngân hàng quốc doanh.
Như vậy, một phương diện khác cần phải được làm rõ hơn: phải chăng các ngân hàng quốc doanh có những lợi thế đối với các hoạt động huy động nguồn vốn? Mặc dù không thể có các số liệu minh chứng, nhưng chúng tôi có những cơ sở xác tín để tin rằng điều đó là đúng.
Trước hết, mạng lưới rộng lớn các chi nhánh bao phủ gần như toàn quốc của các ngân hàng quốc doanh, đặc biệt là Agribank với hơn 2.000 chi nhánh, là lợi thế tuyệt đối của các ngân hàng này trong việc huy động vốn tiết kiệm từ dân cư.
Kế đến, đó là lợi thế huy động nguồn vốn to lớn với giá rẻ từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp nhà nước, đối tượng khách hàng truyền thống của các ngân hàng quốc doanh mà các ngân hàng cổ phần tiếp cận có phần khó khăn hơn nhiều.
Bên cạnh đó, các ngân hàng quốc doanh lại có thể hưởng dụng (dù là tạm thời) những nguồn vốn to lớn từ Chính phủ, chẳng hạn, các nguồn liên quan đến viện trợ, các nguồn vốn tài trợ theo các chương trình. Đó là chưa kể đến các nguồn vốn rất dồi dào từ kho bạc, nhất là trong thời kỳ trước năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét