Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

IMF hạ dự báo lạm phát Việt Nam 2011 xuống 9,5%


Trước đó, ngày 11/4 báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2011 của IMF dự báo lạm phát Việt Nam 2011 ở 13,5%.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực vừa được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) công bố, Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu tốt đẹp nhờ gói kích thích tài chính đáng kể trị giá 5% GDP và chính sách nới lỏng tiền tệ.

IMF nhận định, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á. Trong năm 2010, tăng trưởng của Việt Nam là 6,8% nhờ nhu cầu cả trong và ngoài nước tăng.

Tuy nhiên, các chính sách mở rộng được thông qua trong cuộc khủng hoảng cũng làm tăng rủi ro kinh tế vĩ mô.

Trong báo cáo của mình, IMF cho rằng, dù hầu hết các biện pháp kích thích tài chính đã hết hạn cuối năm 2009 nhưng chính sách tiền tệ vẫn tiếp tục có hiệu lực.

Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam vẫn ở mức cao trong năm 2010, lạm phát tăng mạnh và tỷ giá và dự trữ ngoại tệ chịu nhiều áp lực. Niềm tin thị trường xấu đi, trầm trọng thêm bởi sự thiếu ổn định trong chính sách của Chính phủ.

Từ đầu năm tới nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các chính sách để kiềm chế lạm phát và tăng nguồn ngoại tệ cho hệ thống tài chính. Đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ với mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng xuống dưới 20%. Ngoài ra, các nhà quản lý cũng tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất thị trường mở...

Trong tháng 3, lạm phát của Việt Nam tăng lên 13,9% so với năm trước, mức cao nhất trong 24 tháng và cao hơn nhiều so với các nền kinh tế ASEAN khác.

Lạm phát lõi (loại bỏ biến động giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng 9,8% so với năm trước. Chỉ số này chịu ảnh hưởng bởi giá hàng hóa, lương thực thế giới tăng cao, đồng thời giá nhập khẩu tăng bởi tỷ giá hối đoái và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ tại Việt Nam.

IMF cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 phụ thuộc nhiều vào việc liệu các chính sách mới có thành công trong việc khôi phục lại lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc thực hiện các quyết định một cách cương quyết và ổn định là yếu tố quan trọng để giảm lạm phát, xây dựng lòng tin và củng cố vị thế của Việt Nam.

Ngoài ra, theo IMF, chính phủ Việt Nam nên sẵn sàng thi hành chính sách thắt chặt hơn nữa nếu cần.  Nếu các chính sách vĩ mô được triển khai thực hiện rộng rãi, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2011 là rất thuận lợi. Tăng trưởng dự kiến đạt 6,25%, trong khi lạm phát được chờ đợi ở 9,5% vào cuối năm 2011, dự trữ ngoại tệ cũng sẽ tăng.

Trước đó, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2011 được IMF công bố ngày 11/4, tổ chức này dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,3% trong năm nay và lạm phát cả năm là 13,5%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét