Thứ Ba, 10 tháng 5, 2011

Lợi nhuận ngân hàng 2011: Trông vào những tháng cuối năm


Mặc dù chính sách tiền tệ bị thắt chặt nhằm chống lạm phát, tăng trưởng tín dụng hạ xuống dưới 20% nhưng các ngân hàng vẫn lên kế hoạch lợi nhuận cao. Ngân hàng Vietinbank đặt kế hoạch lợi nhuận cao nhất là tăng 20% so với năm ngoái, các ngân hàng còn lại đều đặt kế hoạch lợi nhuận tăng khoảng 10%.

Động lực khiến các ngân hàng tự tin vào kế hoạch lợi nhuận sẽ đạt được là lạm phát sớm được kiểm soát, lãi suất sẽ giảm từ tháng 5, từ đó, lãi thuần từ hoạt động cho vay sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm.

Đơn điệu nguồn thu
Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2010 của các ngân hàng niêm yết sẽ thấy rất rõ về cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng. Trên thực tế, những ngân hàng đang niêm yết trên sàn là những ngân hàng hàng đầu của Việt Nam, vậy mà, trong cơ cấu lợi nhuận, lãi thuần vẫn là nguồn thu chính.
Nhìn vào 5 ngân hàng niêm yết có kết quả lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra năm 2010 (CTG là 113%, VCB là 122%, EIB là 109%, STB là 108% và SH là 101%) là thấy rõ nhất. Đặc biệt, năm 2010 Vietinbank (CTG) là ngân hàng có tỷ lệ lãi suất biên ròng (NIM) cao nhất (3,5%) trong khi trung bình ngành NIM xấp xỉ 3%.

Kết quả kinh doanh năm 2010

Sở dĩ CTG có được tỷ suất cao hơn trung bình ngành như vậy là do đã tận dụng được nguồn vốn từ thị trường OMO với lãi suất thấp trong khi các ngân hàng khác phải đua nhau đẩy lãi suất huy động lên cao để thu hút tiền gửi; tỷ lệ dư nợ/tiền gửi (LDR~114%) và tốc độ tăng trưởng tín dụng (37%) cao nhất trong nhóm ngân hàng.
Trong khi đó, các nguồn thu khác từ hoạt động dịch vụ, ngoại hối, kinh doanh chứng khoán, đầu tư… của các ngân hàng tương đối ảm đạm. Lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, năm 2010 duy chỉ có Vietcombank (VCB) có tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động này là 6% và Habubank (HBB) tăng 4%, còn các ngân hàng khác rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Nguyên nhân được giới chuyên gia nhận định là do doanh thu từ hoạt động dịch vụ của các công ty niêm yết trung bình giảm 1%; tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình ngành giảm 4% (chỉ riêng tỷ suất lợi nhuận gộp của CTG tăng 5%), đặc biệt tỷ suất lợi nhuận gộp từ hoạt động này của các ngân hàng nhỏ giảm mạnh hơn các ngân hàng lớn.
Với hoạt động kinh doanh ngoại hối, trung bình lợi nhuận toàn ngành năm 2010 giảm hơn 70% so với năm 2009. Hoạt động kinh doanh chứng khoán và hoạt động đầu tư năm 2010 của các ngân hàng đều ghi nhận lỗ, như CTG, EIB, NVB, HBB. Nguyên nhân là do thị trường chứng khoán năm 2010 sụt giảm mạnh, nhiều ngân hàng đã phải trích lập dự phòng lớn như CTG đã trích lập dự phòng 269 tỷ đồng cho các khoản chứng khoán sẵn sàng để bán; EIB đã thanh lý 300 tỷ đồng chứng khoán sẵn sàng để bán và ghi nhận khoản lỗ 27,9 tỷ đồng…
Trên thực tế, các ngân hàng vẫn muốn đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, nhưng do nhiều yếu tố mà các nguồn thu ấy vẫn không thể trở thành nguồn thu chính của ngân hàng. Ví như tại ngân hàng Đông Á (DongA Bank), năm 2011, đặt chỉ tiêu lợi nhuận ở mức 1.175 tỷ đồng, cao hơn 300 tỷ đồng so với năm 2010. Lý do khiến DongA Bank thận trọng trong chỉ tiêu lợi nhuận năm 2011 là do tăng trưởng dư nợ phải đáp ứng yêu cầu và mục tiêu kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, hiện DongA Bank có thế mạnh khác là nguồn thu từ dịch vụ thẻ nhưng cũng không thể đẩy mạnh hơn vì hiện tại đầu tư vào mảng này đang khiến các ngân hàng bị lỗ do chưa có nhiều khách hàng sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, mảng kinh doanh vàng và ngoại tệ, vốn được xem là thế mạnh hiện không còn mang lại nguồn thu lớn. Trên thực tế, tỷ trọng nguồn thu từ hoạt động tín dụng, nhất là đối với ngân hàng nhỏ, hiện chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng, khoảng 75 - 90%. Đây cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng nhỏ như ngân hàng Đại Tín, ngân hàng Phương Đông, ngân hàng Dầu khí toàn cầu… phải cân nhắc lại kế hoạch lợi nhuận năm 2011 đã dự kiến từ cuối năm trước. Ông Hoàng Văn Toán, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Đại Tín, cho biết muốn đẩy mạnh nguồn thu khác ngoài lãi đòi hỏi phải có lực về vốn, nhân sự. Điều này khó với các ngân hàng nhỏ khi đang phải chạy đua để đạt mức vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, nguồn nhân lực hiện nay vẫn đang là bài toán khó của các ngân hàng nên các ngân hàng nhỏ càng khó hơn trong việc thu hút nhân tài.
Dự kiến lợi nhuận của ngân hàng năm 2011
Mong lạm phát giảm
Chưa năm nào các ngân hàng cảm thấy bế tắc trong việc tìm kiếm lợi nhuận như năm nay ngoài lãi thuần hoặc nguồn thu dịch vụ. Năm 2010 dù rất khó khăn, nhưng do lãi suất tái chiết khấu thấp (7%/năm), lãi suất trái phiếu cao (10%/năm), lãi suất trên thị trường mở OMO thấp (8 - 10%) và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên đến 14% đã tạo cơ hội kiếm lời cho các ngân hàng lớn có thanh khoản cao, lượng trái phiếu lớn. Nhiều ngân hàng dường như đã ngừng cho vay doanh nghiệp để đẩy vốn lên thị trường liên ngân hàng và lợi nhuận thu được khiến các ngân hàng tương đối yên tâm. Nhưng năm nay, nguồn lợi nhuận này đã bị đóng lại, khi Ngân hàng Nhà nước đẩy lãi suất tái chiết khấu lên cao (12%/năm). Như vậy, với những ngân hàng có lợi thế về trái phiếu cũng không thể kiếm được khoản lời lớn trên thị trường liên ngân hàng. Không chỉ thế, việc huy động vốn cũng trở nên khó khăn khi lạm phát luôn ở trạng thái bùng nổ còn lãi suất huy động bị áp trần 14%/năm. Còn nữa, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm và chính sách hạn chế tín dụng nghề kinh doanh phi sản xuất, các ngân hàng khó có thể kỳ vọng vào lợi nhuận cao từ hoạt động kinh doanh chứng khoán và hoạt động đầu tư chứng khoán. Đặc biệt với những ngân hàng có danh mục chứng khoán sẵn sàng để bán và chứng khoán kinh doanh lớn sẽ có nguy cơ phải trích lập dự phòng cao. "Mong lạm phát giảm như là một cứu tinh với các ngân hàng hiện nay bởi ngoài đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, ngân hàng không còn tìm được cửa nào để tăng thu", ông Toán cho biết. Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã khẳng định, lãi suất chỉ giảm khi lạm phát chắc chắn được kiềm chế. Vì vậy, toàn ngành ngân hàng phải dốc toàn lực cho mục tiêu đó. Các ngân hàng hy vọng, trước hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ và ổn định tỷ giá như hiện nay, lạm phát được kỳ vọng là sẽ không quá cao, từ đó tạo đường cho mặt bằng lãi suất hạ xuống. Lãi suất hạ nhiệt sẽ giúp việc luân chuyển vốn qua ngân hàng tốt hơn. Chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ mặc dù sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng ra nền kinh tế nhưng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là có thực, do đó, vốn vẫn phải luân chuyển qua ngân hàng bằng cách này hay cách khác, tuy nhiên, sẽ hạn chế hơn vào các lĩnh vực phi sản xuất. Do đó kỳ vọng vào nửa cuối năm kết quả kinh doanh của toàn ngành sẽ tốt hơn nửa đầu năm.
Bà Vũ Hương Giang, chuyên viên phân tích, công ty chứng khoán VNdirect, cho biết trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đối với toàn ngành như hiện nay, các ngân hàng nhỏ với ít lợi thế cạnh tranh dễ bị tổn thương hơn các ngân hàng lớn, do đó định giá của các ngân hàng nhỏ sẽ thấp hơn trung bình ngành (P/E ~7x - 8x và P/B ~1x). Trong khi đó hai ngân hàng quốc doanh trước đây là CTG và VCB lại đang thu hút được dòng tiền nước ngoài từ lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn nhưng đầu ra lại tương đương các ngân hàng khác, 2 ngân hàng quốc doanh này có tỷ lệ NIM (3 - 5%) cao hơn mặt bằng chung; các quỹ ETF giải ngân vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn; các tổ chức nước ngoài muốn nắm giữ từ 10 - 20% của 2 ngân hàng này để có thể trở thành cổ đông chiến lược. Do đó, CTG và VCB được kỳ vọng là sẽ có mức định giá cao hơn thị trường và có thể xem xét giải ngân vào hai cổ phiếu này tại các mức định giá hợp lý. Đối với các ngân hàng nhỏ có thể chú ý đến tỷ lệ cổ tức/thị giá ở mức hấp dẫn thì các nhà đầu tư giái trị cũng có thể xem xét giải ngân.

Huệ Văn
(KINH DOANH số 84, ra ngày 04/04/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét