Trong phương án tăng vốn điều lệ theo kế hoạch đưa ra năm nay, không ít ngân hàng muốn nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ mức 10-15% lên 20%.
Tuy nhiên, kế hoạch này rất khó khả thi.
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, OCB đang chờ Chính phủ phê duyệt việc bán tiếp cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài là Tập đoàn BNP Paribas (Pháp) để đạt tỷ lệ 20% vốn điều lệ của OCB, nhằm hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 đồng trong năm nay (hiện vốn điều lệ của OCB đạt trên 2.600 tỷ đồng). OCB dự kiến tiến hành Đại hội cổ đông thường niên vào ngày 3/6 tới.
Southern Bank cũng có kế hoạch tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng trong năm nay. Ngân hàng dự kiến phát hành thêm cổ phân cho cổ đông chiến lược là Tập đoàn United Overseas Bank - UOB (Singapore) để nâng mức sở hữu cổ phần của UOB từ 15% hiện tại lên 20% vốn điều lệ của Southern Bank. Theo đó, số lượng cổ phần phát hành cho UOB là trên 16,34 triệu cổ phần (tương đương tổng giá trị phát hành 163.479 tỷ đồng tính theo mệnh giá). Còn giá bán của Southern Bank cho cổ đông chiến lược tính theo tổng giá trị cổ phần phát hành nói trên là hơn 203.803 tỷ đồng (theo hợp đồng thỏa thuận đăng ký mua cổ phần ngày 25/1/2007 giữa Southern Bank và UOB).
Vấn đề này đã được Southern Bank trình cổ đông và trên cơ sở đó, đã trình Ngân hàng Nhà nước hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ nguồn góp vốn của UOB nêu trên trong năm 2010. Tuy nhiên, đến nay, Southern Bank vẫn đang chờ quyết định từ Ngân hàng Nhà nước.
Sau khi bán 15% cổ phần cho Temasek Holding để hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng, đáp ứng lộ trình theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP, cùng với đối tác chiến lược nước ngoài, Mekong Bank đã trình Ngân hàng Nhà nước phương án nâng tỷ sở hữu cổ phần cho đối tác lên 20%. Tuy nhiên, kế hoạch này hiện vẫn đang chờ quyết định từ Chính phủ.
Trên thực tế, việc các ngân hàng muốn nâng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài từ 10 - 15% lên 20% sẽ phải được Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ chấp thuận.
Tính đến nay, cả hệ thống mới có 3 ngân hàng được nâng tỷ lệ sở hữu vốn cho cổ đông nước ngoài từ 15% lên 20% gồm: Techcombank bán 20% cho Tập đoàn HSBC; ABBank bán 20% cho Maybank và SeABank bán 20% cho Societe General.
Credit Suisse đang tư vấn cho Vietcombank (VCB) bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại. Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ này đã từng tư vấn cho VCB bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược năm 2007, nhưng bất thành công do giá khởi điểm quá cao.
Mới đây, một ngân hành quốc doanh khác là Vietinbank (CTG) đã phát hành riêng lẻ 10% cổ phần cho IFC và dự định bán tiếp 15% cổ phần cho Bank of Nova Scotia. Hiện cả thị trường có hơn 10 ngân hàng nước ngoài đã trở thành cổ đông chiến lược của các ngân hàng trong nước.
Theo đánh giá của một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng, hoạt động của lĩnh vực tài chính Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, các nhà đầu tư tên tuổi đã sẵn sàng bỏ vốn đầu tư, mua hết tỷ lệ được phép để trở thành nhà đầu tư chiến lược trong các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, khác với những năm trước, làn sóng bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của ngân hàng thương mại trong nước hiện có vẻ thận trọng hơn. Một phần, do diễn biến kinh tế không mấy thuận lợi, ảnh hưởng đến hoạt động của các tập đoàn tài chính nước ngoài. Mặt khác, do giá cổ phiếu ngân hàng được trả với mức thấp, khiến nhiều ngân hàng không mấy mặn mà khi đối tác đặt mua.
Theo Vân Linh
ĐTCK
ĐTCK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét