Nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia từ năm 2008-2010, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản bình quân (ROA) và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) của các NHTM giảm liên tục, trái ngược với xu thế của thế giới.\
ROA và ROE của các NHTM trên thế giới giảm rất mạnh trong năm 2008, tăng trong năm 2009 và tăng mạnh năm 2010.
Trong khi đó, các NHTM nước ta ngược lại: Năm 2008 ở mức khá cao, khoảng 11,8%; năm 2009 tụt xuống 10,8% và năm 2010 xấp xỉ 10%. Việc giảm sút này do nhiều nguyên nhân như hiệu quả hoạt động yếu (dù chênh lệch giữa lãi suất đầu vào đầu ra có xu hướng giãn ra, có lợi cho các NHTM); tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng… đã khiến tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các NHTM thấp so với yêu cầu của NHNN.
Nhiều NHTM đang nhắm đầu tư vào thị trường hối đoái.
Bên cạnh đó nhiều NHTM mở rộng quá mức mạng lưới chi nhánh với hy vọng tốc độ tăng tài sản sẽ nhanh như những năm trước. Nhưng năm nay do hạn chế tăng trưởng tín dụng và cạnh tranh huy động vốn gay gắt, đã khiến hoạt động một số chi nhánh ngân hàng không có hiệu quả.
Mở rộng mạng lưới nhưng khó bù đắp chi phí, dẫn đến tỷ lệ tổng chi phí/tổng tài sản tăng, từ bình quân 1,8% lên 2%, cá biệt một số ngân hàng lên đến 2,3-2,5%. Tỷ lệ này tăng cao ngoài việc làm lợi nhuận các NHTM giảm, còn dẫn đến khả năng chịu đựng rủi ro của ngân hàng cũng yếu đi rất nhiều.
Theo nguyên tắc, chi phí trên tổng tài sản thấp hơn 1% ngân hàng có thể chịu đựng được tỷ lệ nợ xấu l5%. Nhưng nếu tỷ lệ này tăng lên 2%, khả năng chống đỡ tỷ lệ nợ xấu trên 5% rất khó khăn.
Kênh đầu tư mới: thị trường hối đoái?
Một câu hỏi lớn là tiền đâu để các NHTM tăng vốn trong năm nay, lấy từ cổ đông hay từ tiền gửi dân cư? Không loại trừ khả năng các NHTM lấy vốn huy động từ dân cư để tăng vốn chủ sở hữu và điều này sẽ rất nguy hiểm.
Bởi khi đã tăng vốn chủ sở hữu trong khi không thể mở rộng tín dụng, lợi nhuận trên vốn tự có của NHTM sẽ giảm sút. Muốn tăng vốn từ các cổ đông cũng khó thực hiện vì nhiều cổ đông không còn tha thiết với cổ phiếu ngân hàng và họ cũng đang kiệt vốn!
Các NHTM tăng vốn tự có thời điểm này chỉ còn cách cố gắng duy trì lợi nhuận năm nay cao hơn chút ít, đồng thời sử dụng nguồn vốn tăng vào các hoạt động đầu tư, dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận khi cửa cho vay bị siết lại.
Thời điểm này các NHTM lại rất khó tìm doanh nghiệp tốt để đẩy mạnh đầu tư. Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng với giá như hiện nay cũng không hiệu quả, nhất là cổ phiếu ngân hàng ngày càng pha loãng do các NHTM liên tiếp tăng vốn.
Còn đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP) chỉ có lợi khi các NHTM có quyền tái chiết khấu trái phiếu với lãi suất thấp hơn so với lãi suất của trái phiếu. Hiện nay, các NHTM đã huy động vốn với lãi suất thực tế rất cao, nếu mua TPCP lãi suất 12,5% sẽ không còn lãi nữa.
Năm nay ngoài bối cảnh khó khăn chung của thị trường, việc NHNN dần siết lại các chỉ tiêu an toàn vốn đã khiến hoạt động đầu tư của các NHTM bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một số ngân hàng lách các quy định của NHNN bằng cách thành lập ra các công ty, bộ máy nghiệp vụ nằm bên cạnh hoạt động tín dụng. Nhiều ngân hàng còn mở những công ty đầu tư tài chính (AMC), tiến hành các dịch vụ REPO tài sản, thực chất là một khoản tín dụng.
Trong bối cảnh NHNN giảm tiền gửi và cho vay ngoại tệ, một số NHTM có vốn đầu tư lớn đang nhắm đến đầu tư vào thị trường hối đoái. Bởi có dự đoán cho rằng Chính phủ sẽ xây dựng một thị trường hối đoái hiện đại để thay thế việc gửi và cho vay ngoại tệ, chuyển sang hoạt động mua và bán.
Theo đó, Chính phủ sẽ đưa ra một cơ chế cho phép NHTM được mua bán ngoại tệ theo giá thỏa thuận với khung phí tương đối. Thí dụ, NHNN có thể công bố tỷ giá hối đoái bình quân của ngày hôm trước cộng thêm một khung về phí để các NHTM giao dịch.
Trên thực tế kinh doanh có lợi nhuận cao nhất vẫn là kinh doanh hối đoái, tỷ lệ phí của các nước đối với kinh doanh hối đoái có thể lên đến 5%. Mặc dù sắp tới NHNN sẽ giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM nhưng với vốn điều lệ lớn, các NHTM có thể dễ dàng kinh doanh ngoại hối. Với lợi nhuận cao, rủi ro thấp, dự đoán năm nay sẽ có nhiều NHTM chuyển từ việc nhận tiền gửi cho vay ngoại tệ sang kiếm lợi trên thị trường mua bán hối đoái.
Theo nguồn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chất lượng tài sản tại các NHTM đang xấu đi bởi thanh khoản tức thì của các doanh nghiệp giảm sút (thanh khoản tức thì được đo bằng vốn lưu động trừ đi hàng tồn kho chia cho nợ ngắn hạn. Tỷ lệ này đạt khoảng 1 là tốt).
Theo khảo sát tại 400 doanh nghiệp phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán, cho thấy tỷ lệ này là 1,98%; trong đó một số ngành dưới 0,7%, được đánh giá là rất thấp. Tỷ lệ tồn kho năm 2011 có giảm nhưng riêng một số ngành như dệt may, da giày đang có dấu hiệu tăng, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của các doanh nghiệp ngành này. Như vậy, nếu thanh khoản của doanh nghiệp gặp khó khăn, khả năng trả nợ ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét