Tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới có thể giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” – thành quả vừa đạt được sau hơn 20 năm cải cách.
Trong bài phát biểu tại “Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam” diễn ra sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, từ năm 2008, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đây là một trong những thành tựu nổi bật của chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001-2010.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại VN. Ảnh: Nhật Minh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2010, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng 6,78%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 23,6% là những kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên, đại diện của Chính phủ Việt nam cũng thừa nhận: Những bất cập của nền kinh tề như chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực… vẫn là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh đến “thách thức thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, sự bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình”.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Huruhiko Kuroda cũng nhấn mạnh về vị trí mới của Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình, với tốc độ tăng trưởng cao được duy trình trong nhiều năm.
Vị lãnh đạo của ADB đánh giá cao sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân trong việc đóng góp vào những thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tạo thêm những điều kiện thuận lợi để khu vực này, đóng góp ngày càng lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế và công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Những rào cản cho khu vực này được ông nêu ra gồm thủ tục hành chính, đất đai, vốn.
Bên cạnh đó, một nhân tố được Chủ tịch ADB đặc biệt nhấn mạnh là Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Ông cho rằng, đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới.
Giáo sư Kenichi Ohno. Ảnh: Nhật Minh
Giáo sư Kenichi Ohno. Ảnh: Nhật Minh
Trong khi đó, Giáo sư Kenichi Ohno – Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản) đặc biệt nhấn mạnh thách thức “bẫy thu nhập trung bình” đối với Việt Nam. Ông này cho rằng, tăng trưởng trước đây dựa chủ yếu vào mở cửa thương mại (ODA, FDI, kiều hối, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản…) thay vì dựa trên năng suất và đổi mới. Trong khi đó, hai nhân tố sau mới là yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững và giúp thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.
Theo phân tích của Giáo sư Kenichi Ohno, Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình thấp với năm 2008, nhưng chính sách cải thiện vốn con người vẫn chưa được xây dựng.
Hiện tại, sau khi thoát khỏi giai đoạn chế tạo đơn giản dưới sự chỉ dẫn của nước ngoài, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn có công nghiệp hỗ trợ nhưng vẫn dưới sự chỉ dẫn của nước ngoài. Đây là hiện trạng của các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia. “Họ đang gặp bẫy thu nhập trung bình hay còn gọi là ‘trần thủy tinh’ đối với các nước ASEAN và các bạn phải thấy rõ điều này”, vị giáo sư của Nhật Bản chia sẻ.
Ông Kenichi Ohno cho rằng: “Không thể tiếp tục dựa vào lắp ráp giản đơn với lao động không có kỹ năng. Các ngành công nghiệp sẽ rút khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập ngày càng sâu rộng. Không tạo ra được các giá trị trong nước, Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phải bẫy thu nhập trung bình”.
Vị giáo sư Nhật Bản đề xuất: Việt Nam nên xác định một số ít chiến lược công nghệ chủ đạo đến năm 2020; nghiên cứu những thực tiễn tốt nhất trên thế giới để có chiến lược phù hợp; và giám sát tiến độ do cấp cao nhất thực hiện… Trong số các quốc gia được giới thiệu là ví dụ về thực tiễn chính sách tốt, ông Kenichi Ohno lấy Singapore là một trong những hình mẫu tốt nhất ở Đông Á.
Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Bẫy xảy ra khi một nước bị mắc kẹt tại mức thu nhập đạt được nhờ có nguồn tài nguyên và những lợi thế ban đầu nhất định, mà không vượt qua được ngưỡng đó (chỉ có may mắn mà không có nỗ lực).
Theo Giáo sư Kenichi Ohno, tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra. Thu nhập trung bình có thể đạt được nhờ tự do hóa, hội nhập và tư nhân hóa. Nhưng để đạt được mức thu nhập cao hơn cần phải có nỗ lực chính sách mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét