Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã góp công lớn trong việc phát huy vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động quản trị hệ thống ngân hàng vẫn còn những bất cập cần được thay đổi.
Chính sách thiên về đối phó
Theo công bố của NHNN hồi giữa tháng 7-2011, đến ngày 30-6-2011 vẫn còn chín ngân hàng chưa giảm được tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống mức 22%. Nghĩa là các ngân hàng này sẽ đối mặt với hình phạt tăng gấp đôi dự trữ bắt buộc và hạn chế phạm vi hoạt động trong năm 2011 và 2012. Có thể nói hình thức xử phạt này là tín hiệu tích cực trong việc quản lý của NHNN. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại (NHTM) lại tỏ ra bức xúc trước những quy định về tỷ lệ cho vay phi sản xuất và hình thức xử phạt.
Thứ nhất, nguyên nhân trực tiếp của việc áp đặt tỷ lệ cho vay phi sản xuất (mà chủ yếu là cho vay bất động sản và chứng khoán) là do vấn đề lạm phát. NHNN đã đúng khi cho rằng quá nhiều tín dụng vào bất động sản và chứng khoán có thể góp phần làm cho lạm phát tăng cao và làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc yêu cầu các NHTM phải giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống trong thời gian chưa đầy bốn tháng là nhiệm vụ bất khả thi với nhiều ngân hàng bởi vì tín dụng bất động sản thường là trung, dài hạn và tỷ lệ cho vay là bao nhiêu còn tùy thuộc vào chiến lược của từng ngân hàng (nếu trước đó NHNN không có quy định cụ thể). Nói cách khác, NHNN đã đưa các NHTM vào thế chắc chắn sẽ bị phạt.
Thứ hai, thông thường dự trữ bắt buộc là công cụ của chính sách tiền tệ với hai chức năng chính là đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng và điều tiết lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Do vậy, việc NHNN yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng không đạt tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất vô hình trung đã đánh đồng các ngân hàng này với các ngân hàng không đạt yêu cầu về thanh khoản, trong khi thực tế không hẳn như vậy, và do đó không phù hợp.
Thực ra, tỷ lệ tín dụng bất động sản cao đã kéo dài nhiều năm nhưng NHNN chỉ xử lý khi nó gây ra những hậu quả thấy rõ với hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nói cách khác, cách điều hành của NHNN trong trường hợp này chủ yếu mang tính xử lý tình huống hơn là ngăn ngừa và đảm bảo sự ổn định cho hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế.
Một cỡ không thể vừa cho tất cả
Những chính sách quản lý của NHNN đối với hệ thống NHTM từ năm 2008 đến nay cho thấy NHNN không có sự phân biệt quy mô, mức độ rủi ro, thanh khoản... của từng ngân hàng. Điển hình như việc NHNN áp dụng mức trần tăng trưởng tín dụng cũng như tỷ lệ dự trữ giống nhau cho các ngân hàng, bất kể chất lượng tín dụng, tính thanh khoản các ngân hàng này như thế nào.
Tình trạng nói trên là do các ngân hàng chưa được phân loại thành từng nhóm. Do vậy, khi cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp quản lý, NHNN bắt buộc phải áp dụng quy định chung cho tất cả hệ thống. Hệ quả là các ngân hàng thường chạy đua với nhau (vì không đua là chắc chắn thua), từ chuyện tăng trưởng tín dụng cho đến lãi suất, cho dù đây có thể là những cuộc đua... xuống đáy.
Lạm dụng biện pháp quản lý hành chính
Sau quá trình thị trường hóa hệ thống tài chính diễn ra khá suôn sẻ, đặc biệt là quá trình tự do hóa lãi suất từ những năm 1990-2007, tính thị trường của hoạt động tín dụng ngân hàng đã có một bước thụt lùi đáng kể. Việc áp dụng trần lãi suất huy động và thậm chí trần lãi suất cho vay đã làm méo mó quan hệ tín dụng, buộc các ngân hàng và các khách hàng của họ phải lách luật bằng cách áp dụng các khoản phí chưa từng có tiền lệ. Các biện pháp này cũng góp phần làm cho tiền đồng trở nên kém hấp dẫn mà hệ quả là người dân đã chuyển tài sản của mình từ tiền đồng sang vàng và ngoại tệ làm cho tình trạng bất ổn vĩ mô càng thêm trầm trọng.
Tương tự, việc định giá cao tiền đồng so với đô la Mỹ và kiểm soát tỷ giá bằng những biện pháp hành chính đã gây căng thẳng, cho hoạt động thị trường ngoại hối. Và điều này tiếp tục khiến các NHTM và khách hàng của họ phải lách luật hoặc giao dịch trên thị trường tự do. Đó chính là lý do vì sao mà các công cụ điều hành thị trường tiền tệ của NHNN như lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn ít phát huy tác dụng trong thời gian qua.
Lẫn lộn giữa các mục tiêu
Mục tiêu cuối cùng của việc điều hành chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, thông qua việc quản trị hệ thống ngân hàng trong thời gian qua, có thể thấy dường như các mục tiêu trung gian như tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng cung tiền... mới là mục tiêu cuối cùng. Điều này được thể hiện qua việc NHNN hàng năm đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho hệ thống ngân hàng như là các chỉ tiêu hàng đầu.
Chưa hết, trong nhiều trường hợp, NHNN đặt ra các mục tiêu rất đối nghịch nhau. Chẳng hạn, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% trong năm 2011, rõ ràng các mục tiêu công cụ như dự trữ bắt buộc và lãi suất định hướng cần phải được sử dụng một cách thống nhất nhưng NHNN lại đặt ra mức trần lãi suất huy động 14%, thấp hơn rất nhiều so với mức thị trường kỳ vọng.
Đã đến lúc cần nhìn lại hoạt động quản trị hệ thống ngân hàng để cải tổ nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng mạnh hơn, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn.
TBKTSG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét