Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Nợ xấu của khối ngân hàng niêm yết tăng mạnh

Đến thời điểm này, 8 ngân hàng niêm yết đã công bố BCTC riêng lẻ quý III năm 2011. Các BCTC này cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng đã tăng khá mạnh sau 9 tháng đầu năm nay.

Nợ xấu tăng

Trong số 8 ngân hàng niêm yết là VCB, CTG, STB, ACB, EIB, SHB, HBB và NVB, chỉ duy nhất HBB là giảm nợ xấu (nợ nhóm 3, 4 và 5), còn lại đều tăng.

Ngân hàng đáng chú ý nhất về mức tăng nợ xấu là CTG với tổng nợ xấu sau 9 tháng đầu năm 2011 tăng 144%, từ mức 1.530,7 tỷ đồng lên 3.731,8. Không chỉ vậy, trong số nợ xấu tăng lên, nợ xấu nhất, tức nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5, với tỷ lệ trích dự phòng 100%) tăng tới 735%, từ mức 202,5 tỷ đồng lên 1.691 tỷ đồng.

Xếp sau CTG về mức độ tăng nợ xấu là ACB với mức tăng 288% từ 292,8 tỷ đồng lên 1.071,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là nợ nhóm 3 và nhóm 4; nợ nhóm 5 chỉ tăng 55%, từ 169,6 tỷ đồng lên 263,2 tỷ đồng.

Ngân hàng có khối lượng nợ xấu nhiều nhất là VCB với 7.379,567 tỷ đồng, là ngân hàng có mức tăng nợ xấu nhiều thứ tư (tính tương đối, liền sau NVB) với 50%. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, 3,92%.

Ngoại trừ HBB như đã nói, ngân hàng có mức tăng nợ xấu ít nhất cũng là 13%, của STB. Mặt tích cực về nợ xấu của ngân hàng này còn thể hiện ở việc giảm xuống của nợ có khả năng mất vốn, từ mức 312 tỷ đồng đầu năm nay về 168,517 tỷ đồng. Do vậy, trong tổng số nợ xấu 457,3 tỷ đồng, phần lớn thuộc nhóm 3 và nhóm 4.

Nợ xấu của các NHTM niêm yết nói riêng và các NHTM của Việt Nam nói chung tăng lên là một thực tế cảnh báo về mức độ an toàn của các NHTM. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, nợ xấu có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn tiếp tục khó khăn như hiện tại, khi các doanh nghiệp đến hạn trả nợ mà không thực hiện được.

 
Nợ "dự bị" xấu cũng tăng mạnh

BCTC của Vietcombank cho thấy, nợ xấu của ngân hàng này dù lớn, thì so với tổng tài sản cũng rất lớn, Ngân hàng vẫn chịu được. Ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định. Tuy nhiên, số "Nợ cần chú ý" (Nhóm 2 với tỷ lệ trích lập dự phòng 5%) của Vietcombank đã tăng rất mạnh từ đầu năm đến nay. Đây là số nợ "sẵn sàng" nhất để trở thành nợ xấu.

Theo BCTC của Vietcombank, thời điểm 30/9/2011, Ngân hàng có 28.640,057 tỷ đồng nợ thuộc Nhóm 2, tăng tới 64% so với cuối năm 2010 là 17.464,305 tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ không đạt chuẩn (Nhóm 2, 3, 4, 5) của Vietcombank đã lên tới hơn 36.000 tỷ đồng, tương đương 19% tổng dư nợ.

Không có khối lượng nợ quá hạn dưới 90 ngày lớn như Vietcombank, song tại các ngân hàng khác, tốc độ tăng của nhóm nợ này cũng rất mạnh. Mạnh nhất trong số này là STB, EIB và liền sau là ACB. STB tăng nợ nhóm 2 tới 469%, từ 29,9 lên 170,1 tỷ đồng. EIB tăng nợ nhóm 2 tới 337%, từ 240,8 lên 1.052,7 tỷ đồng; còn ACB tăng 280% nợ nhóm 2, từ 209 lên 795 tỷ đồng. Ngoại trừ HBB giảm 15,9%, các ngân hàng còn lại có nợ nhóm 2 tăng ít nhất 44,5% (của SHB).

Chưa thể khẳng định được bao nhiêu tỷ đồng trong số nợ "dự bị xấu" nói trên có nguy cơ bị phân loại xuống nợ hạng 3, 4, 5 - nhóm nợ xấu, nhưng hầu như khoản nợ xấu nào cũng từng trải qua bước phân loại nhóm 2. Điều kiện để các khoản "Nợ cần chú ý" biến thành nợ xấu là: hoặc thời gian nợ quá hạn kéo dài quá 90 ngày, hoặc doanh nghiệp đi vay có một khoản nợ quá hạn vượt quá 90 ngày. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chật vật, nguy cơ "tăng bậc" xếp hạng của các khoản nợ không khó xảy ra.

Các số liệu quý III nói trên là của các BCTC chưa soát xét. Nếu sau khi soát xét, chỉ cần có sự xê dịch trong việc phân loại nợ giữa các nhóm khác nhau, kết quả kinh doanh của ngân hàng sẽ có sự thay đổi đáng kể. Bức tranh nợ xấu tại các ngân hàng niêm yết là thông điệp trực tiếp phản ánh mức độ khó khăn trong kinh doanh của các doanh nghiệp và của nền kinh tế. Theo Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN và Quyết định 18/2007/QĐ-NHNN, nợ thuộc nhóm 2 có tỷ lệ trích lập dự phòng 5%, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.

Hầu hết các ngân hàng niêm yết nói trên đều là các ngân hàng lớn, có bề dày kinh nghiệm cũng như năng lực quản trị tốt nhất. Vì vậy, có thể hình dung được thực trạng nợ xấu của các ngân hàng còn lại cũng như của toàn hệ thống ngân hàng.

Bùi Sưởng - ĐTCK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét