Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

VAI TRÒ CỦA NHTW TRONG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT

  1. Vai trò NHTW và nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của một số NHTW ở các nước trên thế giới
Ngân hàng trung ương là một định chế công cộng, có thể độc lập hoặc trực thuộc chính phủ; thực hiện chức năng độc quyền phát hành tiền, là ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng của chính phủ và chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về các hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các NHTW là đảm bảo được tỷ lệ lạm phát ở mức hợp lý. Thông qua các công cụ điều tiết như nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chính sách hay dự trữ bắt buộc, NHTW có thể tác động đến cung – cầu tiền tệ trên thị trường qua đó điều chỉnh tỷ lệ lạm phát ở mức độ mong muốn, đảm bảo sức mua ổn định cho nền kinh tế. Theo đó, trong thời kỳ lạm phát cao thì NHTW sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm rút bớt tiền trong lưu thông để làm tăng giá trị hàng hóa, góp phần cân bằng tỷ trọng hàng – tiền trong nền kinh tế và làm giảm lạm phát. Ngược lại, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, NHTW bắt đầu chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng. Tiền tệ trở nên dồi dào hơn qua đó kích thích tiêu dùng cho cuộc sống và đầu tư nhiều hơn. Nền kinh tế tăng trưởng với giá cả tăng cao hơn trước. Tuy nhiên, tùy theo đặc điểm và đặc thù kinh tế của mỗi nền kinh tế trên TG mà các NHTW ở các nước này sử dụng các cơ chế điều hành khác nhau. Đối với Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), tổ chức này thực hiện chính sách tiền tệ chủ yếu bằng định hướng lãi suất quỹ vốn của Fed (Fed fund rate).  Đây là tỷ lệ các ngân hàng ấn định với nhau cho khoản vay qua đêm các quỹ đặt cọc tại Cục dự trữ liên bang. Sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra, kinh tế của Mỹ và nhiều nước khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng khiến Fed phải duy trì chính sách lãi suất thấp cùng các gói hỗ trợ để kích thích kinh tế. Cụ thể, kể từ năm 2008 đến nay, Fed đã 37 lần điều chỉnh lãi suất Fed fund rate, từ 3,94%/năm trong tháng 1/2008 xuống còn 0,08%/năm vào tháng 9/2011 nhằm kích thích nền kinh tế phát triển. Lạm phát tháng 9/2011 của Mỹ tăng chậm lại, ở khoảng 0,3%, thấp hơn mức tăng 0,4% của tháng 8/2011. Điều này tiếp tục hỗ trợ Fed duy trì chính sách lãi suất thấp để kích thích đầu tư  và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Đối với NHTW châu Âu (ECB), tổ chức này điều hành thị trường tiền tệ thông qua 3 mức lãi suất chủ chốt của đồng tiền chung Euro gồm; Lãi suất cho hoạt động tái cấp vốn (main refinancing operations_MRO), Lãi suất cho các phương tiện tiền gửi thường xuyên (deposit facility) áp dụng cho các khoản tiền gửi qua đêm của các ngân hàng với Eurosyatem và Lãi suất cho các phương tiện vay giới hạn (marginal lending facility) áp dụng cho các khoản vay qua đêm từ Eurosytem. Trái ngược với Mỹ, nước chủ động hạ thấp lãi suất để kích nền kinh tế trong khi vẫn đảm bảo tỷ lệ lạm phát thấp, thì châu Âu lại đang sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để đảm bảo lạm phát không vượt quá 2%. Mặc dù các nước trong khối hiện tại đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ công và tình hình sản xuất và tiêu thụ trong nước đi xuống, tuy nhiên, thay vì giảm lãi suất để hỗ trợ các nền kinh tế trong khối thì ECB vẫn giữ nguyên quan điểm tăng và duy trì lãi suất ở mức cao. Cụ thể, kể từ năm 2009 đến nay, ECB đã 6 lần điều chỉnh lãi suất cho các phương tiện vay giới hạn, từ mức 3% từ tháng 12/2008 giảm xuống còn 1,75% từ tháng 5/2009 và tăng lên lại 2,25% kể từ tháng 7/2011. Điều này phần nào có tác động đến chỉ số giá cả khi lạm phát bình quân trong 9 tháng đầu năm 2011 của châu Âu được giữ ở mức 2.00%.
Các loại lãi suất chính sách của ECB
Nguồn: ECB
Một nền kinh tế khác hiện cũng đang sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát đó là Trung Quốc. Kể từ đầu năm 2011, PBOC (NHTW Trung Quốc) đã 6 lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, từ 16% hồi đầu năm lên 21,5% kể từ tháng 9/2011. Ngoài ra, PBOC cũng nâng một loạt lãi suất chính sách. Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm của PBOC đã 6 lần điều chỉnh theo hướng tăng, từ mức 5,81% hồi đầu năm lên 6,56% kể từ tháng 7/2011. Mặc dù CPI tháng 9/2011 tăng 6,1%, thấp hơn so với đỉnh 6,5% trong tháng 7/2011 tuy nhiên con số này vẫn cao hơn rất nhiều so với lạm phát mục tiêu là 4% của chính phủ nước này.

  1. Vai trò kiềm chế lạm phát của NHNN Việt Nam
NHNN Việt Nam là cơ quan đảm trách việc phát hành tiền tệ, quản lý tiền tệ và tham mưu chính sách liên quan đến tiền tệ cho chính phủ Việt Nam. NHNN cũng đóng vai trò quan trọng trong công tác kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên đến nay, chức năng vào quyền hạn của NHNN vẫn chưa rõ ràng và chưa có được sự độc lập trong quản lý điều hành khiến nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể lạm phát Việt Nam liên tục tăng mạnh trong nhiều năm liền có nguyên nhân quan trọng từ chính sách tài khóa mà cốt lõi là tình trạng đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả. Điều này khiến các chính sách và giải pháp của NHNN luôn trong tình trạng chạy theo thị trường.
Điểm qua một số giai đoạn NHNN tăng cường các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát (từ năm 2007 đến nay) như sau:
- Từ cuối năm 2007 đến nửa đầu năm 2008, CPI tháng 7/2007 tăng 0,94%, gấp đôi so với dự báo của Bộ thương mại, NHNN đã ban hành Quyết định 1141 về việc điều chỉnh tăng dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10%. Lãi suất có xu hướng tăng mạnh từ quý 3/2008, từ mức 9,5% trong tháng 6/2007 lên gần 10% cuối năm 2008. Tình hình lạm phát nửa đầu năm 2008 tiếp tục xu hướng tăng mạnh. CPI 6 tháng đầu năm 2008 đã tăng tới 18,44%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,2% của 6 tháng đầu năm 2007. NHNN tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt bằng cách tăng dự trữ bắt buộc từ 10% lên 11% và nâng lãi suất cơ bản từ 8,25% lên 8,75% (có hiệu lực từ 1/2/08). NHNN cũng rút tiền khỏi thị trường thông qua việc phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc trong tháng 3/2008. Lãi suất huy động của các NHTM tăng mạnh lên tới 20%/năm.
- Cuối năm 2009 đầu năm 2010: CPI giai đoạn này có xu hướng tăng mạnh. CPI tháng 11/2009 đã tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 5,07% so với tháng 12/2008. Chính sách tiền tệ giai đoạn này có xu hướng thắt chặt để phòng ngừa lạm phát tái bùng phát. Tháng 11/2009, NHNN đồng loạt tăng các loại lãi suất chính sách. Lãi suất cơ bản tăng từ 7% lên 8%. Với mức lãi suất cơ bản mới, trần lãi suất huy động chính thức của các NHTM được đưa lên 12%/năm thay cho mức 10,5%/năm của năm trước đó. Lãi suất tái cấp vốn từ 7% lên 8% và lãi suất chiết khấu từ 5% lên 6% (hiệu lực từ ngày 1/12/2009).
- Nửa đầu năm 2011: Chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm 2011 tăng rất mạnh và cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Ngoài một số nguyên nhân như áp lực tăng giá hàng hóa trong nước và thế giới, đặc biệt là giá dầu và hàng hóa nông sản tăng thì nguyên nhân gốc rễ vẫn là do việc tích tụ trong một thời gian dài tình trạng tăng trưởng kinh tế dựa vào thâm dụng vốn. Đợt tăng đỉnh điểm rơi vào tháng 4/2011 khi CPI cả nước đã tăng 3,32% so với tháng trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2008 và tăng tới 17,51% so với cùng kỳ năm 2010. Lãi suất huy động đầu năm được NHNN quy định không vượt quá 14%/năm nhưng bước sang cuối tháng 3/2011 nhiều NHTM đã phải nâng lãi suất lên tới 18 – 19% để thu hút thêm nguồn vốn. Điều này khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao, trên 20%, và làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động SXKD của DN. Đứng trước nguy cơ lạm phát cao đe dọa tới sự tăng trưởng và ổn định kinh tế cũng như các vấn đề an sinh xã hội, chính phủ đã đưa ra một số giải pháp giải quyết. Nghị quyết 11, ban hành ngày 24/2/2011, được xem là một trong những giải pháp có tính chất toàn diện và thể hiện quyết tâm của chính phủ. Trong 6 nhóm giải pháp được đưa ra, chính phủ ra yêu cầu quản lý chặt thị trường tiền tệ; Kìm giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng của năm 2011 ở mức dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16%, thực hiện kết hối bắt buộc để bù đắp dự trữ ngoại hối đồng thời quản lý chặt thị trường vàng. Về phía NHNN, cơ quan này cũng đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và mạnh tay trong việc bình ổn thị trường tiền tệ. Đáng chú ý là Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 1/3/2011 yêu cầu giảm tốc độ và tỷ trọng nợ cho vay trong lĩnh vực phi sản xuất (1/3/2011); Thông tư 02/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động VND tối đa của các TCTD là 14% (3/3/2011). Thông tư số 22/2011/TT-NHNN ngày 30/8/2011 hủy bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn quy định trong TT 13 và TT 19 và điều chỉnh hệ số rủi ro đối với 1 số tài sản Có bằng ngoại tệ khi tính CAR. Thông tư này được cho là giúp làm giảm căng thẳng và điều hòa vốn của các NHTM, qua đó góp phần hạ nhiệt lãi suất để hỗ trợ các DNSX. Thông tư số 30/2011/TT-NHNN ngày 28/9/2011 quy định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm. Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra một loạt các quy định về việc điều chỉnh các loại lãi suất chính sách như lãi suất chiết khấu, tái cấp vốn, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng, lãi suất trên OMO…, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi nội tệ và ngoại tệ (Quyết định số 379, 692, 750, 929, 1209, 1925). Đồng thời, NHNN cũng có những hình thức xử lý nghiêm đối với các TCTD không tuân thủ quy định và có hành vi làm rối loạn thị trường.
Nhìn chung trong 9 tháng đầu năm 2011, NHNN đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát và thể hiện vai trò điều tiết thị trường tiền tệ. Mặc dù nhiều giải pháp đưa ra vẫn còn mang tính hành chính và duy ý chí, tuy nhiên trong tình hình hiện này cần thiết phải có những biện pháp như vậy để bình ổn thị trường. Báo cáo trên thị trường tiền tệ quý 3/2011 của NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/9/2011 là 8,16% so với cuối năm trước; Tổng phương tiện thanh toán tăng 8,87%. Lãi suất cho vay ổn định trong tháng 7, tháng 8; từ nửa đầu tháng 9 đến nay có xu hướng giảm. Hiện lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 17-19%; lãi suất cho vay sản xuất - kinh doanh khác phổ biến ở mức 17-21%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực phi sản xuất 22-25%/năm.
Với việc xác định trọng tâm từ đây đến các năm tới phải đẩy mạnh nhiệm vụ giảm dần đà tăng của lạm phát và kéo chỉ tiêu này xuống dưới 1 con số, NHNN đã định hướng trong năm 2012 tăng trưởng tín dụng ở khoảng 15 – 17%, tổng phương tiện thanh toán ở khoảng 14 – 16%. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong vòng 15 năm qua, kể từ năm 1998. Theo báo cáo của NHNN tại một hội thảo mới đây do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục chặt chẽ, trong đó tín dụng được định hướng sẽ tập trung cho các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; tín dụng phi sản xuất sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.
 
  1. Một số đề xuất liên quan tới vai trò của NHNN và hệ thống NHTM trong việc kiềm chế lạm phát
Đối với NHNN;
-          Cần phải xem xét lại vai trò và chức năng, quyền hạn của NHNN theo đó thay đổi các văn bản pháp lý nhằm đề cao vai trò và làm tăng tính độc lập của NHNN. Xem NHNN như là một cơ quan có chức năng hoạch định và điều tiết thị trường tiền tệ với mục tiêu kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường tiền tệ, giúp lưu thông thị trường tiền tệ một cách hài hòa để hỗ trợ các DN.
-          Cần có sự phối hợp trong việc điều hành, quản lý giữa các cơ quan, các chính sách thực thi. Ví dụ, trong khi chính sách tiền tệ phải thắt chặt để kiềm chế lạm phát nhưng chính sách tài khóa vẫn được mở rộng và các công trình, dự án đầu tư vẫn kém hiệu quả, tiêu tốn nhiều vốn thì các giải pháp thực thi của NHNN sẽ hết sức khó khăn.
-          Cần nhanh chóng đưa ra các phương án để cải tổ hệ thống NHTM, kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, hoạt động luôn tiềm ẩn nhiều rủi. Bởi vì chỉ cần vài ngân hàng hoạt động không hiệu quả, yếu thanh khoản thì lập tức sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống từ đó các thông điệp điều hành từ NHNN xuống các NHTM sẽ rất khó được thực thi đầy đủ và hiệu quả.
Đối với hệ thống NHTM;
-          Kinh tế thế giới xuất hiện nhiều bất ổn, lạm phát trong nước tăng mạnh và chính sách thắt chặt tiền tệ đã cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong hệ thống NHTM Việt Nam. Đó là cơ cấu tín dụng trong danh mục kinh doanh của các NHTM còn quá lớn, tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực phi SX quá cao trong khi cơ cấu Tài sản Nợ - Có bất hợp lý khiến nhiều NHTM có quy mô nhỏ, trình độ quản lý yếu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về thanh khoản. Các NH này luôn sử dụng chiêu bài tăng lãi suất để cạnh tranh thu hút nguồn vốn. Điều này đã khiến thị trường tiền tệ của Việt Nam luôn trong tình trạng bất ổn, lãi suất liên tục bị đẩy lên cao vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Do đó, để góp phần vào nhiệm vụ điều tiết hài hòa dòng vốn trên thị trường tiền tệ và góp phần kiềm chế lạm phát thì các NHTM phải chủ động cải tổ lại hệ thống hoạt động của mình. Có thể sử dụng nhiều hình thức như mua bán, sáp nhập hay kêu gọi góp vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước nhằm tăng cường năng lực tài chính, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường năng lực quản trị rủi ro và công tác giám sát tài chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét