GS.TS. NGUYỄN THỊ CÀNH
Kết quả hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mang lại cho VN nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, giảm đói nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Chính sách đổi mới cũng đã đưa nền kinh tế VN ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh VN là thành viên của khối ASEAN, tham gia AFTA và APEC, thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại với Mỹ, trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), thị trường xuất khẩu của VN ngày càng mở rộng, xu hướng các nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào VN ngày càng tăng qua các kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp…
Tất cả những nhân tố trên đã tạo điều kiện cho kinh tế VN phát triển. Đây cũng là cơ hội tốt để VN thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển đất nước là đến năm 2020 về cơ bản, trở thành một nước công nghiệp. Tuy nhiên, quá trình hội nhập, nền kinh tế VN cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức đó là nhiều chỉ số phát triển còn thấp so với yêu cầu, tình hình khủng hoảng tài chính Mỹ và thế giới cũng có tác động tiêu cực đến nền kinh tế VN. Trong giới hạn của bài viết này, tác giả muốn trình bày bốn vấn đề chính đó là: Thứ nhất, tổng quan về nền kinh tế VN qua các chỉ số phát triển. Thứ hai, đánh giá các tác động tích cực của quá trình hội nhập đến phát triển kinh tế VN. Thứ Ba, những hạn chế của nền kinh tế VN và các tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính thế giới đến các mục tiêu phát triển. Cuối cùng, kết luận và kiên nghị. Phương pháp phân tích gồm cả định tính mô tả thống kê và định lượng qua các công thức tính toán, mô hình kinh tế lượng. Số liệu sử dụng trong phân tích chủ yếu lấy từ số liệu thứ cấp-số liệu thống kê qua các nguồn như Niên giám thống kê VN, số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), và Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).
1. Tổng quan về nền kinh tế VN qua các chỉ số phát triển
Gần 20 năm phát triển (1990-2008) tốc độ tăng trưởng kinh tế của VN liên tục giữ ở mức cao, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 1990-2008 là 7,56%/năm. Tốc độ tăng kinh tế cao, trong khi tốc độ tăng dân số được kìm hãm, đã dẫn đến mức thu nhập GDP bình quân trên đầu người mỗi năm một tăng. Nếu năm 1990, GDP trên đầu người của VN chỉ khoảng trên 100 USD, thì đến năm 2007, GDP/người đã đạt 835 USD, tăng trên 8 lần. Năm 2008, GDP trên đầu người ước tính đạt khoảng 1.047 USD/người (xem Bảng 1). Với mức thu nhập này, VN lần đầu tiên thoát ra khỏi nhóm nước nghèo (nhóm nước có thu nhập thấp nhất). Theo cách phân loại của Ngân hàng Thế giới, phân nhóm các nước theo mức thu nhập gồm:
1. Nhóm 1: Nhóm những nước có thu nhập thấp nhất, với thu nhập quốc nội (GDP) bình quân đầu người dưới 935 USD;
2. Nhóm 2: Nhóm các nước có thu nhập trung bình dưới, với GDP bình quân đầu người trong khoảng từ 936 đến 3.705 USD;
3. Nhóm 3: Nhóm những nước có thu nhập trung bình trên, với GDP bình quân đầu người trong khoảng từ 3.705 đến 11.455 USD; và
4. Nhóm 4: Nhóm những nước thu nhập cao, có GDP bình quân đầu người trên 11.455 USD.
Như vậy, năm 2008 đánh dấu mốc phát triển của nền kinh tế VN chuyển từ nhóm nước có thu nhập thấp nhất sang nhóm nước có thu nhập trung bình dưới (nhóm 2).
Bảng 1: Tốc độ tăng trưởng GDP và GDP bình quân trên đầu người của VN giai đoạn 1990-2008
Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê VN, WB và IMF
So với các nước trong khu vực, VN có mức tăng trưởng cao thứ ba, sau Trung quốc và Ấn độ. Dưới đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế VN so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, kinh tế các nước và nhóm nước.
Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng kinh tế VN so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới và nhóm nước theo khu vực ĐVT:%
Nguồn: IMF (năm 2008, số ước tính của IMF)
Do tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao nên xu hướng kinh tế VN là đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp (khu vực II), giảm tỷ trọng nông nghiệp (khu vực I), tỷ trọng khu vực dịch vụ (khu vực III) tương đối ổn định qua các năm gần đây. Kết quả này cũng cho thấy, nền kinh tế VN đang chuyển theo hướng công nghiệp hóa.
Hình 1: Cơ cấu kinh tế VN theo khu vực ngành kinh tế
Những đóng góp về phát triển kinh tế nêu trên đã góp phần cải thiện mức sống dân cư và giảm tỷ lệ nghèo đói tại VN. Tỷ lệ nghèo chung và nghèo thực phẩm giai đoạn 1993-2006 có thể xem Hình dưới đây. Chuẩn nghèo thay đổi theo các năm. Chuẩn nghèo của Chính phủ VN thời kỳ 2006-2010 là 200.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Chuẩn nghèo thực phẩm là 146.000 đồng/người/tháng đối với nông thôn và 163.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị. Nhìn vào Hình 2, cho thấy, tỷ lệ nghèo chung và nghèo thực phẩm giảm đáng kể, từ 58,1% nghèo chung năm 1993, xuống còn 16% năm 2006. Tỷ lệ nghèo thực phẩm (đói) từ 24,9% năm 1993, xuống còn 4,9% năm 2006. Đây là một thành tích đáng khích lệ về giảm nghèo tại VN đã được các tổ chức quốc tế công nhận. VN là một trong số ít các nước đã và đang thực hiện tốt chiến lược thiên niên kỷ-tăng trưởng và giảm nghèo.
Hình 2: Tỷ lệ nghèo của VN giai đoạn (1993-2006)
2. Tác động tích cực của quá trình hội nhập đến phát triển kinh tế VN
Đóng góp cho sự phát triển kinh tế VN trong hai thập niên qua, mà tác động chủ yếu của chính sách mở cửa và hội nhập thông qua hai yếu tố chính đó là tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển và tăng xuất khẩu, tăng thu nhập và ngoại tệ.
Để đánh giá nguồn gốc cho sự tăng trưởng, các nhà kinh tế thường dùng hàm tổng năng suất nhân tố. Theo đó: GDPt = Atf(Kt, Lt), trong đó A là tiến bộ về hiệu quả kinh tế như công nghệ, phương pháp quản lý, điều hành… (được gọi chung là tổng năng suất các nhân tố sản xuất); Ba nguồn gốc của tăng trưởng tổng sản phẩm là sự gia tăng tổng năng suất các nhân tố sản xuất (A), vốn (K) và lao động (L) theo thời gian t.Đóng góp của từng yếu tố được xác định theo công thức: GGDP = GA + bKGK + bLGL,,trong đó GA là tốc độ tăng trưởng tổng năng suất các nhân tố sản xuất; GK là tốc độ tăng trưởng của vốn; và GL là tốc độ tăng trưởng của lao động; bK là tỷ trọng của thặng dư sản xuất trong GDP; và bL là tỷ trọng của thù lao lao động trong GDP. bK và bLchính là số mũ của hàm sản suất Cobb-Douglas.
Từ kết quả số liệu thống kê về GDP, vốn (K), lao động (L) giai đoạn 1990-2008 của VN, áp dụng mô hình kinh tế lượng ta có kết quả hàm sản xuất:
LNGDP = 1.35 + 0.83LNK + 0.27LNL hay GDP = 3.88*K0.83*L0.17
Kết quả mô hình trên cho biết bK bằng 0,83 và bL bằng 0,17. Từ các hệ số này, và tốc độ tăng trưởng của GDP, tốc độ tăng vốn K, và tăng lao động L, ta xác định các yếu tố đóng góp của vốn, lao động và trình độ công nghệ, quản lý (hay yếu tố tổng năng suất nhân tố) vào tăng trưởng GDP. Kết quả tính toán cho biết để tăng 1% GDP, thì đóng góp của yếu tố vốn là 73%, đóng góp của yếu tố lao động là 2,5% và đóng góp của yếu tố công nghệ, quản lý hay tổng năng suất nhân tố là 24,5%. Kết quả này cho thấy yếu tố vốn đóng góp phần lớn cho tăng trưởng kinh tế VN. Nhờ có chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập, dòng vốn nước ngoài vào VN trong những năm qua không ngừng tăng. Tỷ trọng vốn nước ngoài chiếm trên 30% tổng vốn đầu tư xã hội. Dòng vốn nước ngoài vào VN gồm có vốn đầu tư trực tiếp (FDI), vốn hỗ trợ phát triển (ODA), kiều hối và vốn đầu tư gián tiếp (FPI) (xem Hình 3). Đây là yếu tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế VN.
Ngoài yếu tố vốn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế VN còn có yếu tố xuất khẩu (XK). Trên phương diện tổng cầu, XK đã góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế VN. Kim ngạch xuất khẩu của VN không ngừng tăng trong những năm qua cả về qui mô lẫn tốc độ (Hình 4). Từ công thức tính GDP, ta biết XK là một bộ phận quan trọng trong GDP, mỗi sự thay đổi của XK sẽ kéo theo sự thay đổi của GDP. Hình 4 cho thấy, tốc độ tăng trưởng XK và tốc độ tăng trưởng kinh tế có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Khi tốc độ tăng trưởng XK cao thì dẫn tới nền kinh tế tăng trưởng mạnh. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa xuất khẩu (XK) với tăng trưởng kinh tế, các nhà kinh tế sử dụng công thức:
Từ số liệu thống kê, và áp dụng công thức trên cho kết quả: năm 2001 tốc độ tăng trưởng GDP là 6,89% thì XK đóng góp 0,97% (chiếm tỷ lệ 14%), năm 2007, GDP tăng 8,48%, đóng góp của XK là 2,62% (chiếm 24,43%)-xem Bảng 3.
Hình 3: Nguồn vốn FDI, ODA, kiều hối, FPI vào VN giai đoạn 1992-2007
Nguồn: Tổng cục Thống kê, IMF, WB
Hình 4 : Tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu và tỷ trọng XK/GDP- %
Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê các năm và ADB
Điều này cho thấy XK là một nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế VN trong 20 năm kể từ khi đổi mới. Đặc biệt sau cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ châu Á năm 1997, XK nổi lên là một động lực mới giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế VN luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Cùng với tăng cường xuất khẩu, tăng đầu tư nước ngoài, lượng dự trữ ngoại tệ của VN cũng tăng cao trong các năm gần đây đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối, giữ tỷ giá ổn định trong thời gian dài, chính sách tỷ giá kích thích XK, đây cũng là điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Số liệu minh chứng cho nhận định này là dự trữ ngoại tệ của VN tăng từ gần 3,4 tỷ USD, chiếm 10,4% GDP năm 2001, lên gần 22 tỷ USD, chiếm 30,7% GDP năm 2007(Bảng 4).
Bảng 3: Đóng góp tăng trưởng GDP theo tổng cầu 2001-2007
Nguồn: tính toán từ số liệu tổng cục thống kê và ADB;
Bảng 4: Dự trữ ngoại hối VN
Nguồn: IMF Staff Country Report No 03/382, December 2003 và No 07/338, December 2007
3. Những hạn chế của nền kinh tế VN và tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đến các mục tiêu phát triển
Mặc dù đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế nêu trên, nhưng nền kinh tế VN còn nhiều hạn chế, qui mô nền kinh tế nhỏ, dấu hiệu của phát triển thiếu bền vững và hiệu quả chưa cao. Mặc dù, năm 2008 là năm đánh dấu VN thoát ra khỏi nhóm nước nghèo nhưng theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới tháng 10/2008 thì VN đứng hạng 170 về thu nhập bình quân đầu người tính theo tỷ giá VNĐ/USD, và đứng thứ 156 về thu nhập bình quân tính đầu người theo phương pháp sức mua tương đương (PPP) trong tổng số 207 nước, vùng lãnh thổ. Quy mô GDP, qui mô xuất khẩu chiếm tỷ trọng tương ứng là 0,34% và 0,3% so với tổng giá trị nền kinh tế và xuất khẩu của toàn thế giới. Các chỉ số xếp hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tham nhũng và chỉ số phát triển giáo dục của VN đều có vị trí xếp hạng thấp trong các nền kinh tế thế giới (xem Bảng 5).
Bảng 5 :Vị trí nền kinh tế VN trong nền kinh tế thế giới qua các chỉ số (2007)
Nguồn :WB, IMF và UNESCO
Kinh tế phát triển có biểu hiện thiếu bền vững đó là hiệu quả và chất lượng tăng trưởng thấp qua các chỉ dưới đây. Thứ nhất, hiệu quả đầu tư thấp qua chỉ số ICOR cao hơn các nước trong khu vực có tốc độ tăng trưởng cao theo các thời kỳ (Bảng 6).
Bảng 6: Chỉ số ICOR của VN so với các nước trong khu vực
Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của IMF và World Bank
Thứ hai, khoảng cách giữa tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng GDP của VN cao hơn nhiều so với các nước Trung Quốc và Thái Lan (Hình 5). Điều này giải thích tại sao VN có tỷ lệ lạm phát cao hơn tỷ lệ lạm phát ở các nước này trong ba năm qua (2006-2008) (Hình 6). Thứ ba, trong khi các nước Trung Quốc và Thái Lan có cán cân thanh toán dương với qui mô lớn, tăng dần qua các năm, thì VN có cán cân thanh toán là số âm lớn do nhập siêu cao và số nhập siêu cũng tăng dần qua các năm (Bảng 6). Thứ tư, tỷ trọng hàng xuất khẩu của VN năm 2007 chủ yếu là dầu thô chiếm 17,5%, hàng nông sản, hải sản chiếm trên 15%, còn lại là các hàng gia công như hàng may mặc, giầy dép…. . Điều này thể hiện VN chưa có những sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, năng suất lao động của VN thấp, lợi thế xuất khẩu chỉ phụ thuộc vào tài nguyên và lao động rẻ.
Hình 5: So sánh tốc độ tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP của ba nước, lấy mốc năm 2004 bằng 100% (Cung tiền đo bằng M2)
Nguồn: Số liệu thống kê tài chính quốc tế của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế, riêng số liệu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2007 của VN và Trung Quốc lấy từ nguồn Economist Intelligent Unit.
Hình 6: Tỷ lệ lạm phát củaVN và một số nước trong khu vực (2006-2008)
Bảng 6: Cán cân thanh toán của VN và các nước (2006-2008)
Nguồn: IMF,WB,2008
Về mặt xã hội, mặc dù đời sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm, nhưng chỉ số bất bình đẳng về thu nhập (Gini) ở VN còn cao, và tăng qua các năm (năm 2004 Gini là 0,423, năm 2006 hệ số này là 0,425). Hệ số Gini cao thể hiện phân hóa thu nhập, phân hóa giàu nghèo cao giữa các tầng lớp dân cư. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thời kỳ trước năm 1990, các nước có thu nhập thấp có hệ số Gini từ 0,389 (Bangladesh) đến 0,550 Kenya, các nước thu nhập trung bình có hệ số Gini từ 0,378 (Nam Triều Tiên) đến 0,605 (Braxin), các nước kinh tế thị trường công nghiệp có tỷ số Gini từ 0,285 (Nhật ) đến 0,404 (Úc), các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa (trước năm 1990) có hệ số Gini từ 0,284 đến 0,317. Hệ số Gini của VN năm 2006 được thể hiện qua đường cong Lorenz Hình 7.
Hình 7: Đường cong Lorenz của VN năm 2006, với hệ số Gini=0,425
Cùng với những hạn chế trên, kinh tế VN cũng chịu tác động của khủng hoảng tài chính thế giới đang gây khó khăn cho VN thực hiện mục tiêu chiến lược. Quá trình hội nhập của VN trên 10 năm qua kể từ khi VN gia nhập khối các nước Đông nam Á-ASEAN, và đặc biệt là sau hai năm sau khi VN trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang lại những tác động tích cực trong phát triển kinh tế nêu trên. Tuy nhiên, tham gia quá trình hội nhập với kinh tế toàn cầu VN cũng không tránh khỏi các tác động tiêu cực mà đặc biệt là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ và lan rộng ra toàn thế giới mới đây. Nếu như quá trình hội nhập trong những năm qua đã có tác động tích cực vào phát triển kinh tế VN qua hai yếu tố trông thấy rõ rệt nêu trên là tăng xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, thì khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng, chúng ta lại chịu ảnh hưởng ngược lại của hai nhân tố này. Hai nhân tố này có đóng góp cao cho tăng trưởng kinh tế VN trong những năm qua, vì vậy khi khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến hai nhân tố này sẽ gây thiệt hại đến tốc độ tăng trưởng. Do đó, chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu mong muốn. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm chung, đặc biệt là kinh tế Mỹ, hàng hóa ứ đọng chờ người mua, giá cả suy giảm, đầu tư, sản xuất giảm làm tình trạng thất nghiệp thêm trầm trọng. Theo dự báo của IMF, do nhu cầu tiêu dùng của thế giới giảm, làm đầu tư giảm nên mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm từ 3,7%năm 2008 xuống còn 2,2% năm 2009. Khối lượng thương mại, dịch vụ của thế giới cũng giảm từ 4,6% năm 2008 xuống còn 2,1% năm 2009, trong đó nhập khẩu vào các nền kinh tế phát triển là số âm (1,8% năm 2008 và âm -0,1% năm 2009), và xuất khẩu của các nền kinh tế này giảm từ 4,1% năm 2008 xuống 1,2% năm 2009. Trong khi đó thị trường xuất khẩu của VN chủ yếu vào các nền kinh tế phát triển gồm thị trường Mỹ năm 2007 là 21%, Nhật là 12,5%, các nước EU khoảng trên 15 %, Úc (7,3%), Trung Quốc (6,9%), Singapore (4,6%), …. Như vậy, việc tiêu thụ hàng hóa của các nước này giảm mạnh trong các tháng cuối năm 2008 và kéo dài (nhập khẩu giảm mức âm) sang năm 2009 sẽ ảnh hưởng mạnh đến kim ngạch xuất khẩu của VN. Dù là qui mô kinh tế nhỏ, nhưng đóng góp của xuất khẩu như đã nêu đóng góp gần 34% cho tăng trưởng GDP của VN, khi xuất khẩu giảm sẽ làm cho GDP giảm tương ứng. Tác động của yếu tố thứ hai là nguồn vốn nước ngoài vào VN qua các kênh đầu tư trực tiếp, gián tiếp sẽ không giải ngân theo số đăng ký hoặc thời gian cam kết. Tình hình giải ngân vốn FDI của VN đang gặp khó khăn, theo số liệu thống kê công bố vốn FDI đăng ký năm 2008 đạt khoảng 60 tỷ USD và vốn thực hiện vào tháng 11 mới là 9 tỷ USD, và theo dự kiến trong năm 2008 sẽ đạt khoảng 12 tỷ USD. Đây là số vốn FDI cao nhất từ trước đến nay, song đa số các dự án FDI lại đầu tư vào khu vực bất động sản, chứ không phải đầu tư cho sản xuất. Vì vậy về ngắn hạn tăng đầu tư này sẽ ít tác động đến tăng trưởng. Trong khi đó do khủng hoảng tài chính thế giới và lạm phát ở VN vẫn còn cao hơn các nước trong khu vực, thị trường tín dụng hoạt động chựng lại, các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất cao. Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng tới giới đầu tư quốc tế cũng như VN hiện nay đó là yếu tố tâm lý và lòng tin. Bản cập nhật của báo cáo viễn cảnh kinh tế thế giới được IMF đưa ra vào tháng 10 nhận định: “Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi nhanh chóng trong tháng rồi, khi lĩnh vực tài chính tiếp tục khủng hoảng trong lúc lòng tin của nhà sản xuất và người tiêu dùng sụt giảm”. Tình hình giải ngân các dự án Chính phủ vay vốn ODA và các dự án FDI chậm cùng với việc giảm lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng làm hạn chế khả năng tăng trưởng của kinh tế VN. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã được điều chỉnh từ 8,5% xuống còn 6,5% năm 2008. Con số dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế VN năm 2008 là 6,3%, và năm 2009 sẽ còn giảm xuống khoảng 5,5%, theo xu hướng giảm chung của kinh tế thế giới.
4. Kết luận và kiến nghị
Hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, kinh tế VN không ngừng phát triển với tốc độ cao, VN đã thoát ra khỏi nhóm các nước có mức thu nhập thấp, mức sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm mạnh, nền kinh tế đang chuyển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, như đã trình bày, những hạn chế và những thách thức của hội nhập không phải là ít. Nhiều chỉ số phát triển còn thấp.
Để phát triển đất nước theo mục tiêu về cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, một số chỉ tiêu phát triển VN phải đạt được đó là GDP/người phải > 3.000 USD, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP phải <15%, lao động làm việc trong các ngành phi nông nghiệp phải lớn hơn 75%, đô thị hóa có tỷ lệ dân số đô thị >50%…. Với những chỉ tiêu phát triển trên của một nước công nghiệp, đòi hỏi VN phải có một chiến lược phát triển phù hợp. Trong 11 năm tới chúng ta phải đạt được mức GDP/người gấp ba lần hiện nay, tốc độ tăng bình quân mỗi năm phải 9,6%. Đây là mức phấn đấu vô cùng khó khăn, do qui mô nền kinh tế và thu nhập đã cao nhiều so với thời kỳ trước (mốc thu nhập đầu người của năm 1990 chỉ là hơn 100 USD, hiện nay trên 1,000 USD), đạt được tốc độ tăng bình quân cao là rất khó so với khi qui mô nền kinh tế nhỏ. Mặc dù dân số đô thị của VN hiện chiếm khoảng 30%, nhưng dân số làm nông nghiệp của VN còn cao khoảng 70%, và lao động nông nghiệp trên 54%, trong khi đó GDP nông nghiệp chỉ khoảng 18%, điều này cho thấy năng suất lao động nông nghiệp rất thấp.
Từ những nhận định trên, để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển đất nước, VN cần có các chiến lược tổng thể và chiến lược bộ phận. Thứ nhất, cần xây dựng chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với chiến lược đô thị hóa và công nghiệp hóa; Thứ hai, chiến lược công nghiệp hóa phải gắn liền với chiến lược xuất khẩu. Điều quan trọng là VN phải xác định được những nhóm ngành nghề có lợi thế cạnh tranh cao, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng và năng suất lao động cao thay vì hàng nông sản và gia công như hiện nay. Chúng ta cần có những mặt hàng mang thương hiệu VN có giá trị gia tăng và năng suất cao thì mới có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới-một yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Như GS Michael Porter trong cuộc nói chuyện mới đây tại VN đã nhận định “cho đến nay các nhóm ngành sản xuất đồ may mặc, giầy dép, thủy hải sản, tài nguyên dầu khí, nông sản là những ngành chủ đạo của nền kinh tế VN. Trong tương lai mỗi nhóm ngành này phải được nâng lên một bước để cạnh tranh tốt hơn bằng mẫu mã do VN tự thiết kế, công nghệ máy móc tự chế tạo, sản xuất không chỉ ở trong nước mà cả ở những nước láng giềng để cung cấp cho không chỉ khu vực mà cả thế giới”.
Nền kinh tế VN như đã nêu dù có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả thấp so với nhóm nước trong khu vực. Nền kinh tế chỉ phát triển bền vững khi nó có hiệu quả, đảm bảo công bằng xã hội và tránh các tác hại về môi trường. Vì vậy các chiến lược và chính sách phát triển của VN trong giai đoạn tới phải đảm bảo hài hoà các chỉ tiêu phát triển và đảm bảo các điều kiện công bằng xã hội, chất lượng cuộc sống, và môi trường trong sạch ít ô nhiễm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. World Bank (2008), World Development Indicators Database, revised 17 October 2008
2. IMF (2008), World Economic Outlook Update, November 6, 2008
3. WTO (2007), Leading exporters and importers in world merchandise trade.
4. Tổng cục Thống kê VN, Số liệu thống kê, 2007-2008
5. Báo điện tử Vietnamnet, “VN cần tìm ra động lực phát triển mới”,2/12/2008.
6. Nguyễn Thị Cành và các cộng sự, “Các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế VN đến năm 2020”, Báo cáo giữa kỳ Đề tài khoa học cấp trọng điểm, ĐHQG HCM, 11/2008.
SOURCE: TẠP CHÍ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ 219 THÁNG 1 NĂM 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét