Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011
Lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 24/05/2011
(OP-Economica|24-5-2011) Gần đây, khi những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát, thay đổi tỷ giá gây nên những tác động ngày càng lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống dân cư, vấn đề chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà đặc biệt là các động thái tăng giảm lãi suất đã trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Trong vai trò là ngân hàng trung ương (NHTW) thực hiện chức năng quản lý nhà nước và tiền tệ ngân hàng, NHNN có thể can thiệp thị trường tiền tệ thông qua các công cụ lãi suất chủ yếu sau:
Lãi suất tái chiết khấu
Lãi suất tái chiết khấu (hay lãi suất chiết khấu) là lãi suất áp dụng khi NHNN tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác (tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi) cho các TCTD. (Điều 9, Luật NHNN 06/1997/QHX)
Lãi suất tái chiết khấu thực hiện trên cơ sở các giấy tờ có giá: người nắm giữ giấy tờ có giá đem tới cầm cố tại ngân hàng để có được một khoản vay với giá trị nhỏ hơn giá trị trên các giấy tờ cầm cố (phần chênh lệch chính là tỷ lệ chiết khấu) và ngân hàng sẽ thu lại toàn bộ khoản tiền khi các giấy tờ này đáo hạn. Trong trường hợp các giấy tờ đó chưa đến hạn thanh toán mà ngân hàng lại đang cần vốn kinh doanh, họ có thể đem các giấy tờ có giá này tới chiết khấu tại NHNN với lãi suất chiết khấu NHNN đã công bố trước đó để thu được nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.
Rõ ràng, lãi suất tái chiết khấu đóng vai trò như mức lãi suất “sàn” trên thị trường. Lý do rất đơn giản: các TCTD đã vay vốn từ NHNN để cung cấp tín dụng cho khách hàng, nếu lãi suất cho vay khách hàng thấp hơn lãi suất huy động vốn từ NHNN, các TCTD sẽ không có lãi. Do vậy, lãi suất tái chiết khấu NHNN đưa ra cũng chính là mức lãi suất cho vay thấp nhất của các TCTD.
Việc NHNN tái chiết khấu các giấy tờ có giá cũng tương tự như động thái tăng cung tiền trên thị trường. Tuy nhiên, lãi suất tái chiết khấu tăng cao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của các TCTD và ngược lại.
Nghiệp vụ chiết khấu và tái chiết khấu được thực hiện theo quy định của Luật các TCTD. Lãi suất chiết khấu được NHNN xác định và công bố, phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Tăng lãi suất tái chiết khấu được coi là một trong số các công cụ thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của NHTW các quốc gia.
Lãi suất tái cấp vốn
Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất áp dụng khi NHNN tái cấp vốn cho các TCTD thông qua các hình thức như:
i) cho vay lại theo hồ sơ tín dụng,
ii) chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác,
iii) cho vay có đảm bảo bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. (Điều 17 Luật NHNN 06/1997/QHX)
Về cơ bản, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn có cách thức thực hiện gần tương tự nhau, trừ đối tượng. Lãi suất tái cấp vốn có thể áp dụng với nhiều loại giấy tờ có giá hơn và do vậy nó thường cao hơn lãi suất chiết khấu do các giấy tờ có giá đem cầm cố có mức độ rủi ro cao hơn.
Cơ chế tác động của lãi suất tái cấp vốn cũng giống như lãi suất tái chiết khấu. Khi NHNN đặt ra mục tiêu chống lạm phát, ổn định tỷ giá, lãi suất tái cấp vốn sẽ tăng cao. Chẳng hạn, từ 11/2010 đến nay, NHNN đã nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 9%/năm lên 14%/năm (mức cao nhất kể từ 2008).
Lãi suất OMO
Ở Việt Nam, nghiệp vụ thị trường mở là việc NHNN thực hiện mua, bán tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu NHNN và các loại giấy tờ có giá ngắn hạn khác trên thị trường tiền tệ. Lãi suất OMO chính là mức lãi suất (hay mức chiết khấu) các giấy tờ có giá được áp dụng trong nghiệp vụ OMO của NHNN.
NHNN bán giấy tờ có giá làm giảm lượng vốn khả dụng trong các TCTD và hạn chế cung tiền trên thị trường. Ngược lại, khi mua giấy tờ có giá từ các TCTD thì NHNN đã “bơm” một lượng tiền tương ứng ra thị trường tiền tệ.
Do đó, nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động mà NHNN điều chỉnh cung tiền trong lưu thông nhờ thay đổi nguồn vốn khả dụng trong các TCTD, lãi suất OMO qua đó sẽ tác động gián tiếp tới lãi suất trên thị trường. Nếu TCTD chiết khấu giấy tờ có giá tại NHNN với lãi suất OMO thì nó phải cho vay với lãi suất lớn hơn mức lãi suất đã chiết khấu mới có thể có lãi, nếu mức chiết khấu quá cao sẽ làm hạn chế độ hấp dẫn và hạn chế khả năng của các TCTD với việc mua bán các giấy tờ có giá.
Với nghiệp vụ này, tính từ đầu năm đến 13/5, NHNN đã bơm ra 2.012.130 tỷ đồng và hút về 2.007.098 tỷ đồng, đưa mức bơm ròng đạt hơn 5000 tỷ đồng. Ngoạn mục hơn nữa, chỉ trong vòng 16 – 20/5, NHNN đã hút ròng 23.850 tỷ đồng trên OMO. Và ngày 17/5, lãi suất OMO đã tăng từ 14%/năm lên 15%/năm (Gafin,23-5).
Lãi suất cơ bản
Lãi suất cơ bản là lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay bằng Đồng Việt Nam, do NHNN công bố, làm cơ sở cho các TCTD ấn định lãi suất kinh doanh. Lãi suất cơ bản được xác định dựa trên cơ sở lãi suất thị trường liên ngân hàng, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở của NHNN, lãi suất huy động của các TCTD và xu hướng biến động của cung – cầu vốn trên thị trường.
Theo Luật Dân sự 2005 và Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, các TCTD không được phép huy động và cho vay với lãi suất cao hơn 150% mức lãi suất cơ bản do NHNN công bố. (Nếu lãi suất cơ bản là 8%/năm, thì lãi suất cho vay của các TCTD không được vượt quá 12%/năm). Định kỳ hàng tháng, NHNN sẽ công bố mức lãi suất cơ bản áp dụng cho tháng sau hoặc sẽ công bố khi có sự điều chỉnh trong trường hợp cần thiết. Như vậy, lãi suất cơ bản đóng vai trò như một “trần” lãi suất trong hoạt động kinh doanh của các TCTD, bảo vệ người đi vay trong trường hợp lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng cao.
Ở Việt Nam, lãi suất cơ bản được quy định lần đầu tiên trong Luật NHNN số 06/1997/QHX, chính thức được áp dụng từ 5/2000 với mức lãi suất là 7.2%/năm và mức cao nhất được áp dụng là 14%/năm vào tháng 6/2008.
Ngày 14/4/2010, NHNN ban hành Thông tư số 12/2010/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cho vay bằng đồng Việt Nam theo cơ chế lãi suất thỏa thuận, cho phép các TCTD được phép cấp tín dụng với lãi suất thỏa thuận phù hợp với chính sách tiền tệ của NHNN. Cùng với việc ban hành Thông tư này, quy định về lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng theo Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN hết hiệu lực.
Các công cụ lãi suất của các NHTW nước ngoài tương tự như lãi suất cơ bản của NHNN Việt Nam là Fed Funds Rate của Hoa Kỳ, LIBOR của Anh, TIBOR của Nhật Bản…
Như vậy, trong số 4 công cụ trên của NHNN, hiện nay chỉ có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất OMO thực sự phát huy tác dụng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét