Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Nghiệp vụ thị trường mở


1. Nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán ngắn hạn các loại giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng thông qua hình thức đấu thầu.

2. Thành viên tham gia thị trường mở: gồm các tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng có đủ các điều kiện sau:
- Có tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố);
- Có đủ phương tiện cần thiết để tham gia nghiệp vụ thị trường mở gồm máy FAX, máy tính có nối mạng internet;
- Có giấy đăng ký tham gia nghiệp vụ thị trường mở;
Ngân hàng Nhà nước cấp giấy công nhận là thành viên tham gia thị trường mở cho các tổ chức tín dụng đáp ứng đủ các điều kiện.

3. Các loại giấy tờ có giá sử dụng trong giao dịch nghiệp vụ thị trường mở :
Ngân hàng Nhà nước quy định các loại giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở gồm:
(1) - Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
(2) - Trái phiếu Chính phủ, bao gồm: Tín phiếu Kho bạc; Trái phiếu Kho bạc; Trái phiếu công trình Trung ương; Công trái xây dựng Tổ quốc; Trái phiếu Chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ Hỗ trợ phát triển) được Thủ tướng Chính phủ chỉ định phát hành.
(3) - Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, bao gồm: Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn.
(4) - Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.
(5) - Riêng đối với giao dịch mua có kỳ hạn. Ngân hàng Nhà nước chỉ giao dịch đối với: Công trái xây dựng Tổ quốc; Trái phiếu do Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn; Trái phiếu Chính quyền địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát hành.

4. Điều kiện các giấy tờ có giá được giao dịch trong thị trường mở:
- Có thể mua, bán được và nằm trong danh mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở ;
- Được phát hành bằng đồng Việt Nam;
- Được lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước trước khi đăng ký bán (bao gồm giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước và lưu ký tại tài khoản của Ngân hàng Nhà nước mở tại Trung tâm giao dịch chứng khoán);
- Giấy tờ có giá được mua hẳn có thời hạn tối đa là 91 ngày.
Danh mục các loại giấy tờ có giá, tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm định giá và giá thanh toán, tỷ lệ giao dịch của các loại giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước qui định trong từng thời kỳ.

5. Các phương thức mua hoặc bán giấy tờ có giá trong nghiệp vụ thị trường mở: Gồm giao dịch mua có kỳ hạn; giao dịch bán có kỳ hạn; giao dịch mua hẳn; giao dịch bán hẳn

6. Phương thức đấu thầu giấy tờ có giá trong nghiệp vụ thị trường mở:
Nghiệp vụ thị trường mở được thực hiện thông qua phương thức đấu thầu khối lượng hoặc đấu thầu lãi suất. Tại mỗi phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng một phương thức đấu thầu khối lượng hoặc đấu thầu lãi suất.

Đấu thầu khối lượng: Là việc xét thầu trên cơ sở khối lượng dự thầu của các tổ chức tín dụng, khối lượng giấy tờ có giá Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán và lãi suất do Ngân hàng Nhà nước thông báo.

Đấu thầu lãi suất: Là việc xét thầu trên cơ sở lãi suất dự thầu, khối lượng dự thầu của các tổ chức tín dụng và khối lượng giấy tờ có giá Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán.

7. Ngày giao dịch và định kỳ tổ chức thực hiện nghiệp vụ thị trường mở:
- Ngày giao dịch nghiệp vụ thị trường mở được tính theo ngày làm việc, không tính ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ và nghỉ tết. Trường hợp ngày mua lại hoặc ngày đến hạn thanh toán của giấy tờ có giá trùng với ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ và nghỉ tết, thì ngày thanh toán và chuyển giao giấy tờ có giá được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.
- Định kỳ và ngày tổ chức thực hiện nghiệp vụ thị trường mở do Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở quy định cụ thể trong từng thời kỳ.

8. Xác định giá mua bán giấy tờ có giá:

* Giá thanh toán giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng được xác định theo công thức sau:

Gđ = G x (1- h)

Trong đó:
Gđ: Giá thanh toán;
G: Giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm định giá;
h: Tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm định giá và giá thanh toán;

* Giá mua lại giấy tờ có giá giữa Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng được xác định theo công thức sau:

L x Tb
Gv = Gđ x ( 1 + ________ )
365
Trong đó:
Gv: Giá mua lại;
Gđ: Giá thanh toán;
L: Lãi suất thống nhất hoặc lãi suất riêng lẻ (trường hợp đấu thầu lãi suất) hoặc lãi suất do Ngân hàng Nhà nước thông báo (trường hợp đấu thầu khối lượng) tại phiên đấu thầu;
Tb: Thời hạn bán (số ngày).

9. Quy trình nghiệp vụ:
(1). Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thông báo mua hoặc bán giấy tờ có giá cho các thành viên qua mạng vi tính với các nội dung chính như: Ngày đấu thầu, phương thức đấu thầu, phương thức xét thầu, phương thức mua bán, khối lượng giấy tờ có giá cần mua hoặc bán ...
(2). Vào ngày đấu thầu, các tổ chức tín dụng căn cứ vào thông báo của Ngân hàng Nhà nước để nộp đơn dự thầu (qua mạng vi tính) đăng ký mua hoặc bán giấy tờ có giá với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Trong thời hạn nộp đơn dự thầu, tổ chức tín dụng có thể thay đổi nội dung đơn dự thầu hoặc huỷ bỏ đơn dự thầu. Tổng khối lượng giấy tờ có giá đăng ký mua hoặc bán của một tổ chức tín dụng trong một đơn dự thầu tối thiểu là 100 triệu đồng.
(3). Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện xét thầu với sự chứng kiến của các thành viên trong Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở. Việc xét thầu thực hiện theo nội dung thông báo của Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở
(4). Ngân hàng Nhà nước thông báo kết quả đấu thầu (qua mạng vi tính) cho các tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu. Thông báo kết quả đấu thầu là căn cứ để thực hiện việc thanh toán và giao, nhận giấy tờ có giá trong trường hợp mua hẳn hoặc bán hẳn giấy tờ có giá, đồng thời là căn cứ để lập hợp đồng mua lại trong trường hợp mua hoặc bán có kỳ hạn

10. Điều hành nghiệp vụ thị trường mở: Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở do một Phó Thống đốc làm Trưởng ban và các thành viên là đại diện của các đơn vị có liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng, Vụ Chính sách tiền tệ, Sở Giao dịch, Vụ Kế toán tài chính, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng).

Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở có thẩm quyền quyết định các nội dung:
- Khối lượng các loại giấy tờ có giá cần mua hoặc bán tính theo giá thanh toán giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng;
- Quyết định thông báo hoặc không thông báo khối lượng giấy tờ có giá Ngân hàng Nhà nước cần mua hoặc bán trước mỗi phiên đấu thầu;
- Các loại giấy tờ có giá cần mua, bán;
- Tỷ lệ giao dịch của các loại giấy tờ có giá;
- Phương thức đấu thầu;
- Phương thức xét thầu (Trường hợp đấu thầu lãi suất);
- Thời hạn của giao dịch mua, bán;
- Lãi suất mua hoặc bán.
Thời gian, cách thức xem xét và quyết định các nội dung chủ yếu trong phiên giao dịch nghiệp vụ thị trường mở do Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban uỷ quyền quyết định.
Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở sẽ thông báo cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước các nội dung mà Ban Điều hành nghiệp vụ thị trường mở đã quyết định về phiên giao dịch để Sở Giao dịch thông báo cho các thành viên.

11. Xử phạt vi phạm:
Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo bằng văn bản gửi các tổ chức tín dụng trúng thầu có vi phạm một trong các trường hợp sau đây:
- Không đủ số tiền phải thanh toán khối lượng trúng thầu được Ngân hàng Nhà nước thông báo;
- Không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền phải thanh toán khi đến hạn (đối với trường hợp tổ chức tín dụng bán và cam kết mua lại);
- Không chuyển giao quyền sở hữu giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước vào ngày thanh toán (trường hợp tổ chức tín dụng bán) hoặc vào ngày mua lại (trường hợp tổ chức tín dụng mua và cam kết bán lại).

Tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở vi phạm từ lần thứ 3 trở lên đối với một trong các trường hợp nêu trên, thì mỗi lần vi phạm sẽ bị Ngân hàng Nhà nước tạm đình chỉ việc tham gia nghiệp vụ thị trường mở trong thời gian 1 tháng kể từ ngày có thông báo vi phạm lần thứ 3.

Các tổ chức tín dụng là thành viên tham gia nghiệp vụ thị trường mở không cung cấp thông tin theo quy định của Quy chế Nghiệp vụ Thị trường mở sẽ bị tạm đình chỉ tham gia mua, bán trong thời gian 1 tháng kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước thông báo vi phạm.

Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 01/2007/QĐ-NHNN ngày 05/01/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế nghiệp vụ thị trường mở. Ngày hiệu lực 04/02/2007;

2. Quyết định số 27/2008/QĐ-NHNN ngày 30/09/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế nghiệp vụ thị trường mở ban hành kèm theo Quyết định số 01/2007/QĐ-NHNN ngày 05/01/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ngày hiệu lực 01/11/2008.

3. Quyết định số 11/2010/QĐ-NHNN ngày 6/1/2010 về danh mục giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước.
Link: 

1 nhận xét: