(VEF.VN) - Đến hẹn lại lên, câu chuyện tỷ giá càng về cuối năm lại càng nóng bỏng, và càng nóng bỏng hơn khi: một mặt, trước đây một thời gian Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tuyên bố tỷ giá sẽ chỉ tăng dưới 1% cho đến hết năm nay; mặt khác, cho đến đầu tháng 11 này, "quota" 1% này đã dùng gần hết.
Câu hỏi lớn nhất mà dư luận đang quan tâm về chuyện tỷ giá là liệu NHNN có giữ được cái mục tiêu này hay buộc phải "điều chỉnh" hơn thế nữa.
Đứng ở góc độ NHNN nói riêng, Chính phủ nói chung, có một số lý do quan trọng để đưa tỷ giá vào vòng kiểm soát chặt chẽ.
Tỷ giá với lạm phát
Trước hết, nếu tỷ giá biến động mạnh (thường đồng nghĩa với phá giá nội tệ, hay được "điều chỉnh" mạnh ở Việt Nam), nó sẽ châm ngòi hoặc làm gia tăng vòng xoáy lạm phát, thông qua kênh nhập khẩu, cũng như vòng xoáy chuyển đổi danh mục tài sản từ/bằng VND ra đôla.
Mặc dù, về lý thuyết, phá giá nội tệ cũng cải thiện tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu, nhưng xem ra xuất khẩu của Việt Nam cho đến nay có vẻ không bị ảnh hưởng nhiều lắm bởi biến động tỷ giá VND/USD. Trong nhiều trường hợp, tác động của những yếu tố khác mới là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, ví dụ như sự gia tăng giá cả hàng hóa trên thế giới, thỏa thuận thương mại song phương và đa phương, các biện pháp hỗ trợ/trợ cấp xuất khẩu của Chính phủ, và thậm chí là sự chủ động bán hàng phá giá của một số doanh nghiệp và ngành nghề ở Việt Nam để giành giật thị trường và/hoặc giải phóng năng lực sản xuất dư thừa trong nước v.v...
Vì thế, nếu xét đến tác động vĩ mô như trên thì NHNN thường mong muốn xác lập tỷ giá VND/USD ở mức ổn định nhất có thể (về mặt danh nghĩa) hoặc chỉ biến động trong một biên độ hạn hẹp.
Tuy nhiên, cần phải hiểu sâu hơn một chút về quan hệ nhân quả giữa lạm phát và tỷ giá. Theo cách hiểu trên thì tỷ giá gây ra lạm phát và vì thể để chống lạm phát cần phải ổn định tỷ giá. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam, đa phần áp lực đẩy tỷ giá tăng (nội tệ mất giá) là xuất phát từ lạm phát. Và lạm phát thì lại thường là kết quả trực tiếp của chính sách tiền tệ nới lỏng gây ra. Vì thế, có thể nói hành động ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát như vậy về bản chất là vừa không trị đúng nguồn gốc căn bệnh lạm phát là do cung tiền tăng, lại vừa tốn kém một cách vô ích vì phải dùng quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp bình ổn tỷ giá mà rốt cuộc vẫn phải phá giá. Việc này cũng tương tự như bệnh nhân huyết áp cao tiếp tục ăn nhiều mỡ, muối trong khi lại bỏ tiền ra để mua và dùng thuốc để hạ huyết áp.
Tỷ giá với đầu cơ tiền tệ và ổn định môi trường kinh doanh
Lý do quan trọng thứ hai để NHNN ưa chuộng một chế độ tỷ giá tương đối ổn định là nhằm bảo đảm một môi trường kinh doanh tương đối ổn định để doanh nghiệp có thể tính toán được bài toán đầu tư và lợi nhuận để yên tâm đầu tư mà không sợ phải đối mặt với những rủi ro bất trắc từ biến động tỷ giá. Tuy nhiên, thiện ý này cũng chính là con dao 2 lưỡi và là một trong những nguồn gây bất ổn cho chính sách tỷ giá của NHNN hiện nay.
Với tuyên bố giữ tỷ giá không tăng quá 1% trong năm nay của NHNN, các doanh nghiệp đương nhiên được ngầm khuyến khích đi vay bằng ngoại tệ để sản xuất kinh doanh với lợi ích nhãn tiền rõ ràng là lãi suất đi vay ngoại tệ thấp hơn hẳn rất nhiều so với VND, trong khi đáng chú ý là nhiều trong số họ có doanh thu bằng VND. Tinh trạng bất đối xứng đồng tiền (currency mismatch) như vậy sẽ gây thêm áp lực rất lớn cho NHNN trong việc cố gắng thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá khi thời hạn trả nợ các khoản vay ngoại tệ đang đến dồn dập vào thời điểm cuối năm.
Ngoài ra, thiện ý trên cũng nhằm mục đích sâu xa là triệt tiêu động cơ đầu cơ tiền tệ, với quan niệm rằng khi đã tuyên bố (và trên thực tế có cố gắng thực hiện) ổn định tỷ giá như vậy thì giới đầu cơ chẳng có lý do gì để kỳ vọng tỷ giá sẽ tăng vọt nay may hòng kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, vì đây thường là cuộc chiến không cân sức giữa một bên là NHNN và bên kia là thị trường, với cán cân thường nghiêng về phía thị trường, với cả một bản ghi "thành tích" đầy đủ trong quá khứ nên rốt cuộc ý đồ này cũng trở nên phản tác dụng khi chính nó (sự kìm nén tỷ giá) lại trở thành ngòi nổ cho những đợt phá giá mạnh khi NHNN không còn cách nào khác.
Tỷ giá với gánh nặng trả nợ nước ngoài
Một lý do rất quan trọng khác góp mặt vào chủ trương ổn định tỷ giá VND/USD là chuyện liên quan đến trả nợ nước ngoài. Có thể nói cho đến nay chắc chắn gần như 100% số người được hỏi sẽ cho rằng để tỷ giá tăng mạnh (tức phá giá mạnh VND) sẽ làm cho gánh nặng nợ quốc gia, nợ của doanh nghiệp bằng ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên, rất tiếc đây lại là một nhận định chưa đầy đủ.
Trên bề mặt thì đúng là nếu VND bị phá giá ví dụ 5%, gánh nặng nợ bằng ngoại tệ nhưng quy ra VND sẽ tăng thêm đúng 5%. Trước đây, Chính phủ và doanh nghiệp chỉ cần huy động 20 triệu VND để mua USD và trả cho mỗi 100 USD tiền vay nợ trong và ngoài nước. Nếu phá giá VND 5% thì con số VND cần để mua được mỗi 100 USD sẽ là 21 triệu. Đúng là Chính phủ và doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng từ việc phá giá này bằng cách thu hẹp tương ứng lợi nhuận ròng của mình tính bằng VND (đối với doanh nghiệp) hoặc tăng thêm thâm hụt ngân sách (đối với Chính phủ).
Nhưng đây mới chỉ là một phần (nổi) của câu chuyện. Nếu giả sử VND bị áp lực phải phá giá 5% để lập lại cân bằng thương mại, nhưng NHNN kiên định không phá giá với nỗi e ngại nêu trên. Để kiên định làm được việc này, NHNN phải hoặc là dùng các biện pháp hành chính để duy trì mức tỷ giá danh nghĩa hiện thời (ví dụ bằng cách theo dõi, thanh tra và phạt các tổ chức tài chính tín dụng mua bán ngoại tệ vượt quá biên độ cho phép), và/hoặc là tung USD trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình ra thị trường để ổn định tỷ giá hiện hành. Cách thứ nhất thì NHNN đã và đang làm, nhưng tất nhiên chỉ hữu hiệu được một thời gian rồi cũng phải theo cách thứ hai, như thực tế đã cho thấy.
Tóm lại, rốt cuộc, hao hụt quỹ dự trữ ngoại hối là cái giá trực tiếp phải trả để ổn định tỷ giá, và sâu xa hơn nữa là để tránh cho gánh nặng nợ nần bằng ngoại tệ (tính theo VND) của các doanh nghiệp và Chính phủ không tăng lên. Suy ra tiếp điều gì nữa? Doanh nghiệp thì có lợi vì tự nhiên được "bù lỗ", "bao cấp" một cách gián tiếp từ nguồn lực quốc gia. Đối với cả quốc gia, vì gánh nặng nợ của Chính phủ được đổ lên vai NHNN nên rút cục tiền chỉ chui từ túi nọ sang túi kia (ví dụ, từ NHNN sang Bộ Tài chính). Đến đây, ta có thể thấy rõ ai sẽ kêu gọi không phá giá và NHNN có nên phá giá không khi cần thiết phải làm thế.
Điều đáng lo ngại hơn là hành động can thiệp ổn định tỷ giá của NHNN không thể ở quy mô lớn và kéo dài được vì quỹ dự trữ ngoại hối nhỏ nhoi của mình. Cuối cùng thì NHNN cũng phải chấp nhận phá giá VND khi áp lực phá giá tiếp tục tăng lên. Càng o ép, càng "kiên định" với ổn định tỷ giá lâu thì mức phá giá sau này càng lớn, như thực tế minh họa. Và lúc đó thì cả doanh nghiệp và Chính phủ đều không tránh khỏi phải đối mặt với gánh nặng nợ nần lớn hơn quy ra theo VND, và cũng tức là cái giá phải trả lớn hơn từ dự trữ ngoại hối của NHNN.
Như vậy, có thể thấy sự chần chừ, e ngại phá giá VND, "điều chỉnh" VND thường xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn về vai trò của tỷ giá trong việc kiềm chế lạm phát, về mối quan hệ giữa trả nợ nước ngoài và phá giá nội tệ, cũng như về vai trò của tỷ giá với ổn định môi trường kinh doanh, triệt tiêu động cơ đầu cơ tiền tệ v.v...
Lập trường trong chính sách tỷ giá
Với nhiều lý do, nhưng đa phần không chính đáng như phân tích ở trên, có thể thấy sẽ là điều nguy hại nếu NHNN một mặt tiếp tục thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng để hậu thuẫn tăng trưởng, một mặt tìm mọi cách để "ổn định" tỷ giá.
Nhưng giả sử nếu NHNN buộc phải tiếp tục thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng (không nhiều thì ít) vì một áp lực nào đó. Kết cục đương nhiên là áp lực lạm phát gia tăng và áp lực phá giá nội tệ (tăng tỷ giá) cũng gia tăng. Khi đó, nếu NHNN khiên cưỡng và cố gắng một cách thái quá không thực hiện phá giá khi tình hình đòi hỏi phải phá giá thì sự ổn định (nếu có) và sự chống đỡ của NHNN trước áp lực phá giá của thị trường cũng chỉ mang tính ngắn hạn hay chỉ thành công trong ngắn hạn, để rồi khi buộc phải phá giá, hậu quả của nó lên lạm phát sẽ ở mức trầm trọng hơn do còn có sự góp mặt của tâm lý và kỳ vọng phá giá tiếp tục do NHNN đã rơi vào thế "sức cùng lực kiệt" và sẽ dễ dàng/tiếp tục bị tấn công bởi giới đầu cơ tiền tệ.
Vậy NHNN cần có sách lược "PR" với công chúng về lập trường trong chính sách ngoại hối của mình như thế nào cho thích hợp nhất trong hoàn cảnh buộc phải tăng cung tiền (kể cả như hiện nay, mặc dù chính sách tiền tệ được nhấn mạnh là "chặt chẽ" thì tốc độ tăng M2 và tín dụng vẫn là trên chục phần trăm/năm)? Trong bối cảnh nguồn dự trữ ngoại hối mỏng và luôn trên đà cạn kiệt, năng lực xử lý và khả năng đối phó với các bất ổn vĩ mô còn rất hạn chế, (và kết quả là) thói quen hay dùng đến các công cụ hành chính thay cho công cụ thị trường, cũng như thực tế trong quá khứ NHNN đã nhiều lần phải "nói một đằng, kết quả ra một nẻo", thì việc NHNN tuyên bố cam kết giữ ổn định tỷ giá (không tăng quá 1%) như vừa rồi là điều rất không nên, chí ít vì... chẳng mấy ai tin!
Để thuyết phục công luận rằng mục tiêu phá giá này (không quá 1%) là hoàn toàn có thể đạt được, NHNN phải cho thấy cung tiền hoặc là không đổi (không tăng), hoặc là giảm đi (thắt chặt tiền tệ). Vì thế, cung cách xử lý hiện nay, thường dừng lại ở việc công bố những con số thống kê nào là FDI và kiều hối là bao nhiêu, thặng dư tài khoản vốn là thế này v.v..., sẽ chẳng mang lại hiệu quả đáng kể nào. Chừng nào còn dấu hiệu của lạm phát, với CPI ở mức dương, thì chừng đó lòng tin sẽ còn rất mong manh.
Cũng có người khuyến nghị hãy tuyên bố một chủ trương phá giá dần dần (và định kỳ) để tránh cho thị trường những cú sốc lớn khi NHNN buộc phải phá giá trong trường hợp kiên định giữ tỷ giá một cách thái quá, còn các chủ thế kinh tế thì tiên liệu được trước tình hình để có những điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Nhưng việc này cũng là một con dao 2 lưỡi vì xu hướng thị trường được bảo đảm ngầm định như vậy sẽ là mảnh đất tốt cho sự đầu cơ với kỳ vọng tỷ giá chắc chắn sẽ càng ngày càng tăng lên.
Vậy chỉ còn một giải pháp xem ra ít rủi ro hơn là NHNN hoặc không tuyên bố gì/rõ về chủ trương trong chính sách ngoại hối của mình, hoặc là vẫn tiếp tục trung thành với "chiêu" cũ: "điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu của thị trường" với những cú điều chỉnh tăng giảm đột ngột và bất thường, như được dùng cho đển trước thời điểm có tuyên bố giữ cho tỷ giá không tăng quá 1%, ít nhất cũng sẽ có tác dụng một phần nào đó làm nản lòng các nhà đầu cơ vì "không biết đường nào mà lần", đồng thời làm giảm áp lực lên tỷ giá do không còn bị chịu nhiều áp lực phát sinh từ chuyện bất đối xứng đồng tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét