Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Tái cơ cấu, cấu trúc ngân hàng: Nên “tái” ở các ngân hàng lớn


Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tái cơ cấu, tái cấu trúc ngân hàng nhưng Việt Nam đang thừa hay thiếu ngân hàng...
TS Lê Thẩm Dương
Đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề tái cơ cấu, tái cấu trúc ngân hàng nhưng Việt Nam đang thừa hay thiếu ngân hàng; ngân hàng nào cần phải tái cơ cấu; lộ trình ra sao... vẫn là băn khoăn lớn của dư luận.

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP.HCM chia sẻ những quan điểm riêng trong vấn đề này.

Tập trung chủ yếu vào phương án sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng (NH) khiến cho người ta có cảm giác chúng ta đang thừa NH, với ông thì sao?

Đặc trưng ngành NH của chúng ta hiện nay là bỏ nông thôn, ôm thành thị; bỏ nghèo ôm giàu nên khu vực nông thôn (chiếm phần 70%) hay các doanh nghiệp nhỏ, người nghèo... thiếu NH. Hay xét ở góc độ NH chuẩn cũng thiếu. Ngược lại, ở một số lĩnh vực, một số địa bàn lại thừa. Nói về "đầu" NH, có cảm giác thừa nhưng nói về sản phẩm, dịch vụ lại thiếu...

Thừa cứ thừa, thiếu vẫn cứ thiếu

Nhìn đơn thuần về số lượng, so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì khoảng 40 NH trên tổng dân số gần 90 triệu người là nhiều hay ít, thưa ông?

Pháp 60 triệu dân nhưng có tới 987 NH; Ý 58 triệu dân có 787 NH; Bồ Đào Nha 10 triệu dân cũng có tới gần 200 NH... Nếu nhìn vào các nước này thì số lượng NH của ta vẫn còn quá ít. Hay Thái Lan, dù chỉ có khoảng 30 NH trên gần 70 triệu dân số nhưng mỗi NH có hàng ngàn chi nhánh, sản phẩm, dịch vụ. So với Thái Lan, ta nhiều "đầu" NH hơn nhưng NH của ta chỉ có trăm, vài chục chi nhánh... Nên như tôi nói trên, NH của ta nơi thừa cứ thừa, thiếu vẫn cứ thiếu. Nhiều hay ít, thừa hay thiếu theo tôi phải xuất phát từ nhu cầu trên thị trường. Nhưng hiện nay, theo tôi không nên cấp phép thành lập NH mới mà củng cố cái hiện tại trước.

Củng cố, tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ...?

Tôi thấy lạ là khi nói đến tái cơ cấu, tái cấu trúc tất cả đều mặc định là các NH nhỏ. Trong khi các NH lớn là trụ cột của nền kinh tế, nếu họ có vấn đề gì thì mức độ ảnh hưởng, tác động mới khủng khiếp. Nên theo tôi, nếu tái cơ cấu là "tái" ở các NH lớn để giữ xương sống ngành NH nói riêng và nền kinh tế nói chung. 12 NH lớn của ta hiện nay chiếm tới 85% thị phần, nếu chúng ta tái cơ cấu 12 "ông" này thật vững mạnh thì 30 "ông" còn lại có chết cũng không sao. Chúng ta đang làm điều ngược lại.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, tái cơ cấu NH sẽ khởi động bằng việc sáp nhập, hợp nhất, theo ông, phương án này có khả thi hay không?

Chúng ta không thể ngây thơ đến mức tin rằng, vẫn trên cái nền này, sáp nhập NH này với NH kia, hợp nhất "ông" này với "ông" kia là hệ thống NH của ta có thể "bật" lên được. Về bản chất, nó vẫn là nó, có gì khác đâu. Ngay cả khi chọn được phương án khả thi thì tôi khẳng định, nếu chỉ tái cơ cấu riêng NH thôi thì vẫn không thể thành công được.

Nghĩa là có nhiều thứ cần phải tái cơ cấu cùng với ngân hàng, phải đồng bộ?

Ngân hàng chỉ là một trong các khâu trung gian đưa vốn từ nơi thừa tới nơi thiếu trong nền kinh tế. Nhưng ở Việt Nam, NH đang "lấn sân" các trung gian khác dẫn đến những rủi ro, những hệ quả như chúng ta đã biết. Vì vậy, theo tôi, tái cơ cấu mà ta cần làm là "tái" cả định chế tài chính, làm cho nó cân trở lại chứ không chỉ riêng NH. Tôi lấy ví dụ, về bản chất, NHTM là phục vụ thị trường thương mại. doanh nghiệp gửi tiền vào các NH để thu, chi tiền hộ cho doanh nghiệp. Lúc rảnh, mới cho vay. Nghĩa là tiền gửi ngắn, cho vay ngắn. Còn đầu tư dài hạn là sân chơi của chứng khoán. Nhưng hiện nay, 90% vốn của các NHTM là tiết kiệm. Thay vì cho vay ngắn, họ cho vay dài. Họ làm thay cả việc đầu tư cho công ty tài chính, cho quỹ đầu tư, của chứng khoán...  Nên nếu ta tái cấu trúc theo kiểu phân NH này phụ trách mảng này, NH kia phụ trách mảng kia..., hay nói đúng hơn, chỉ "cân" lại hệ thống NH thì giết chết thị trường chứng khoán và các thị trường vốn khác.

Chưa có mô hình, không thể nói tái cơ cấu

Nhưng rõ ràng, việc tái cơ cấu NH là không thể chậm trễ được nữa

Đúng thế. Nhưng chúng ta đang làm theo kiểu quần rách đến đâu thì vá tới đó nhưng lại gọi một cái tên rất hoành tráng là tái cấu trúc hệ thống NH. Nếu làm theo kiểu hiện nay, theo tôi nên gọi là chữa NH yếu. Chúng ta đưa mệnh đề quá lớn nhưng lại làm nhỏ. Khó hiểu nhất là không ai nói đến thị trường chứng khoán trong khi thị trường này cực kỳ quan trọng, là kênh dẫn nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế. Chúng ta để thị trường dài hạn cho NH "xâm lăng" đã là hết sức vô lý. Nếu tái cơ cấu để củng cố điều này thì càng vô lý hơn. Phải đặt NH trong bức tranh tổng thể của định chế tài chính và sắp xếp lại vị trí, vai trò của các kênh trung gian này theo đúng bản chất của nó.

Đặt trường hợp chọn NH là khâu cần phải tái cơ cấu đầu tiên trong định chế tài chính, theo ông nên bắt đầu như thế nào?

Tái cơ cấu NH cũng như xử lý giá vàng, giao thông, không được nôn nóng. Ít nhất phải có lộ trình 3 năm. Nhưng muốn làm được điều này, trước hết phải là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị về luật, tiêu chí, xác định người lãnh đạo bởi đây cũng là một dự án, phải có một người chỉ huy; xác định nhu cầu thị trường; quan điểm... Sau khâu chuẩn bị, phải xác định mục tiêu rồi mới ra mô hình để đạt mục tiêu này.

Theo tôi, tái cơ cấu NH phải đảm bảo các mục tiêu sau : chất lượng; đa dạng hóa ngành NH; giữ được an toàn hệ thống; bảo đảm quyền lợi của người dân; thỏa mãn được nhu cầu trên thị trường... Chưa có mô hình, không thể nói tái cơ cấu.

Theo Nguyên Khanh - Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét