Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Tổng hợp các bài viết hay của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh


Hãy để kinh tế nhà nước cạnh tranh bình đẳng!

Phát huy tối đa mọi nguồn lực của người dân để kinh tế dân doanh phải được phát triển.

Theo dự kiến, khoảng trung tuần tháng 9, các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ được công bố để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân. Một nội dung được đánh giá sẽ thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế là “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong đó xác định các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng và kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo...
Ngày 30-8, trao đổi với báo chí về vai trò kinh tế nhà nước trong bối cảnh hiện nay để góp ý cho dự thảo Văn kiện Đại hội XI sắp tới, TS Lê Đăng Doanh, (ảnh)chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng thời điểm hiện nay đã chín muồi để xem xét lại quan điểm: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Cần nhưng phải thực chất
. Thưa ông, vì sao ông cho rằng đã đến lúc phải nghiêm túc nhìn nhận lại cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”?
+ Việc xác định vai trò kinh tế nhà nước làm chủ đạo nền kinh tế đất nước trước đây đã gây nhiều tranh cãi. Từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thời gian qua, cụ thể nhất là câu chuyện của Vinashin lại càng gây tranh cãi nhiều hơn. Đã đến thời điểm cần nhìn thẳng vào sự thật xem kinh tế nhà nước có thực sự chủ đạo hay chỉ mới được khoác vào một cái áo rất đẹp đẽ nhưng thực chất bên trong không phải thế.
Tôi cũng lưu ý trên khắp thế giới không có một nước nào có câu này cả, ngay Trung Quốc cũng không đặt vấn đề này. Vấn đề ở đây là phải xác định làm sao để nền kinh tế tăng trưởng, bền vững, có hiệu quả.
. Nhưng không thể phủ nhận là thời gian qua các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã đóng góp rất nhiều vào GDP của Việt Nam, thưa ông?
+ Chúng ta rất cần những tập đoàn nhưng phải là những tập đoàn thực chất chứ không phải là một con số cộng hành chính lại với nhau, không đem lại một sức mạnh thật mà còn gây ra nhiều vấn đề. Đến nay cho thấy kinh tế nhà nước thu hút rất nhiều tín dụng, sử dụng rất nhiều tài sản nhưng mà xuất khẩu thấp, năng suất lao động thấp, hiệu quả kinh tế thấp và đặc biệt xảy ra tình trạng “vừa mất của, vừa mất người” như Vinashin. Nợ của Vinashin tương đương 4,8% GDP, đấy là một tài sản khổng lồ làm sao bù lại được. Chưa kể chúng ta đã mất thêm ông Bình (ông Phạm Thanh Bình - chủ tịch HĐQT Vinashin đã bị bắt tạm giam - PV) là một con người rất hăng hái…
. Vậy theo ông, nguyên do vì sao lâu nay chúng ta vẫn tiếp tục duy trì kinh tế nhà nước làm chủ đạo?
+ Có thể có một số người đưa ra lý do về lý luận… Ngoài ra, theo tôi, có một lý do không nói ra là lợi ích nhóm đằng sau các DN. Đằng sau đó rất nhiều chuyện, giá trị của DNNN tài sản hữu hình như đất đai, tài sản vô hình như vị trí đất ở trung tâm TP chỉ có các DNNN có được,… đã đánh giá hết chưa? Chính những điều này là ẩn số mà những người trong lợi ích nhóm dùng cái chủ đạo định hướng xã hội chủ nghĩa để bảo vệ lợi ích nhóm của mình.


Kinh tế tư nhân phải được phát triển và cạnh tranh bình đẳng trong tất cả các thành phần kinh tế. Trong ảnh: Xưởng sản xuất giầy trong Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: CTV
Phát huy tối đa mọi nguồn lực
. Làm thế nào để có nhận thức mới về vấn đề này, thưa ông?
+ Phải mang vấn đề này ra thảo luận một cách dân chủ. Theo tôi, có bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cũng không mất đi cân thịt nào cả. Thay vào đó là phát huy tính cạnh tranh trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực của người dân để kinh tế dân doanh phải được phát triển. Tất cả thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng chứ không cần phải nhấn mạnh ông nào chủ đạo. Ngay cả cách đặt vấn đề vừa nói các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng lại vừa bảo kinh tế nhà nước là chủ đạo đã là mâu thuẫn.
. Không quan trọng ai là chủ đạo thì có thay đổi được tình trạng hiện nay để nền kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả không, thưa ông?
+ Phải cải cách cả thể chế, bộ máy nhà nước. Nhà nước không nên trực tiếp tham gia vào kinh doanh mà tập trung làm tốt giáo dục, y tế, tổ chức kết cấu hạ tầng,… Còn tất cả việc kinh doanh phải để nền kinh tế làm. Không thể nào một ông vừa làm thứ trưởng, vừa làm chủ tịch HĐQT như hiện nay. Tôi không biết trong người ông này có mấy trái tim mà vừa phải kinh doanh tính toán lỗ lãi, mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, rồi lại thêm một trái tim hành chính chỉ được chấp hành theo pháp luật!
Cạnh tranh bình đẳng
. Nhưng có nhiều ý kiến lo ngại có những việc phải do kinh tế nhà nước chủ đạo mà khối kinh tế tư nhân không thể đảm nhiệm thay được. Chẳng hạn như vấn đề điều tiết về giá cả…?
+ Tất cả mệnh đề nói DNNN phải điều tiết kinh tế vĩ mô tôi cho rằng cho đến nay, cả về khoa học kinh tế lẫn thực tế đều chưa chứng minh điều này. Hãy để DN là DN. Còn muốn quản lý giá thì hãy tổ chức cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh. Rồi thực hiện điều tra cạnh tranh xem ông nào lừa dối, ông nào bán kém chất lượng, khi ấy phạt tới bến. Hiện nay vai trò của cạnh tranh thấp, trong khi đó vai trò quản lý giá bằng hành chính thì rất nhiều.
. Nếu vậy, thành phần nào sẽ đủ sức để giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế hiện nay, thưa ông?
+ Tôi xin nhấn mạnh rằng lịch sử không thể nào sang trang qua đêm, phải có quá trình từng bước phát triển. Tôi cũng muốn nhấn mạnh không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng đều ngon lành. Những đại gia ngon lành hiện nay phải xem có phải là những ông có đóng góp vào tiến bộ khoa học công nghệ không, có như Bill Gates tạo ra phần mềm cả thế giới dùng không… Phần lớn những đại gia đó đều có mối quan hệ với quan chức được tiếp cận đất đai, hầm mỏ… và họ giàu lên từ những nguồn đó chứ không phải nhờ áp dụng khoa học công nghệ, phát minh. Tất cả những ông đó không có sức cạnh tranh quốc tế.
Vì vậy không nên quá ảo tưởng và cũng không nên nghĩ rằng bây giờ doanh nghiệp tư nhân có thể thay thế được.
Mệnh đề của tôi là các DNNN phải cạnh tranh bình đẳng. Những đứa con được nuông chiều dễ trở thành những đứa con hư, cây nào sống trong nhà kính thì không thể chịu được gió bão. Hãy để nó sống trong môi trường bình thường, chịu gió bão cạnh tranh, phải phấn đấu lên thì khi ấy DNNN mới có hiệu quả hơn. Cần có một lộ trình cắt giảm, không thể ngay lập tức cắt giảm hết. Không ai cai sữa cho một đứa trẻ qua đêm, phải làm dần dần để hướng đến môi trường cạnh tranh hơn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Cân nhắc kỹ vấn đề “công hữu”

Dự thảo Cương lĩnh 2011 mô tả đặc trưng của xã hội XHCN mà nước ta đang xây dựng là xã hội dựa trên “công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu”.

Vấn đề này đã thu hút nhiều ý kiến tranh luận tại diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ XI. Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh để góp thêm một góc nhìn của chuyên gia kinh tế về vấn đề hệ trọng này.
TS Lê Đăng Doanh nói: “Tôi đề nghị đại hội có sự xem xét cầu thị, dựa vào thực tế để thảo luận kỹ vấn đề này và không thông qua mệnh đề công hữu về tư liệu sản xuất (TLSX) chủ yếu để đưa vào cương lĩnh 2011”.
Sẽ dội nước lạnh vào nhà đầu tư
. Qua thảo luận tại hội trường, có hai luồng ý kiến trái chiều về việc đưa vấn đề “công hữu TLSX chủ yếu” vào Cương lĩnh 2011. Ông có ý kiến như thế nào?
+ Tôi không đồng ý với mệnh đề đặc trưng của XHCN dựa trên chế độ công hữu về TLSX chủ yếu. Mác đã nói: “Sự phát triển tự do của mỗi một người là điều kiện tự do của tất cả mọi người. Trong đó, con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột và có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Đó mới là mục tiêu của XHCN chứ bản chất XHCN không phải nằm ở chỗ công hữu TLSX chủ yếu. Mác chỉ nghĩ rằng công hữu TLSX chủ yếu sẽ dẫn đến mục tiêu đó. Tức, công hữu TLSX chủ yếu chỉ là phương tiện để thực hiện XHCN chứ không phải là bản chất, là đặc trưng của XHCN.
Hơn nữa, mô hình công hữu không còn phù hợp với khoa học hiện đại, theo đó một tài sản phải có chủ sở hữu rõ ràng. Không có chủ sở hữu rõ ràng sẽ dễ dẫn đến việc cha chung không ai khóc, tài sản sẽ dễ bị xâm phạm, hao tổn…
. Theo ông thực tiễn thời gian qua đã nói lên điều gì về chế độ công hữu TLSX chủ yếu?
+ Thực tiễn đã chứng minh chế độ công hữu TLSX chủ yếu là sai lầm, rõ ràng nhất là sự sụp đổ của Liên Xô. Trong khi ta đã chuyển từ chế độ hợp tác xã sang chế độ khoán… Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi nền kinh tế của chúng ta đang thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ để hiện đại hóa đất nước mà tuyên bố như vậy chẳng khác nào dội gáo nước lạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài.


Các nhà đầu tư nước ngoài cần được đảm bảo việc làm ăn ổn định, lâu dài ở Việt Nam.Trong ảnh: Sản xuất đồ điện chính xác của doanh nghiệp nước ngoài tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: Hữu Luận
TLSX chủ yếu không chỉ là đất đai
. Ông cho rằng nếu chúng ta đồng tình với quan điểm công hữu về TLSX chủ yếu sẽ mâu thuẫn với con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang đặt ra?
+ Đúng vậy. Là một đất nước còn nghèo và lạc hậu, muốn phát triển chúng ta phải tiếp thu công nghệ khoa học của nước ngoài mà lại bảo công hữu hóa TLSX thì khó thuyết phục được. Người ta có thể hiểu mọi việc mà chúng ta làm hiện nay chỉ là tạm thời để đến một lúc nào đó quốc hữu hóa. Nói một cách nôm na như Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là giống như ông đang vỗ béo chúng tôi rồi đến một lúc nào đó sẽ làm thịt chúng tôi.
Người ta muốn có sự đầu tư lâu dài, ổn định mà mình tuyên bố thế thì người ta sẽ không sẵn sàng đầu tư. Chính sự tự do kinh doanh như Luật Doanh nghiệp mới đem lại sự lớn mạnh cho kinh tế Việt Nam. Nếu không có sự tham gia của toàn dân, sự sáng tạo, đầu tư của toàn dân thì làm sao có sự phồn vinh như thế này.
. Riêng việc hiểu như thế nào là TLSX chủ yếu cũng còn nhiều tranh cãi. Ông có ý kiến gì về việc này?
+ Trước kia, quan niệm TLSX chủ yếu là lao động, là đất đai. Còn trong thế giới ngày nay, TLSX chủ yếu có thêm phần mềm máy tính, là vốn, là khoa học công nghệ, là những sáng chế, phát minh… Đây đều là sản phẩm của cá nhân. Mình tuyên bố công hữu thì ai dám đầu tư vào cho mình, mình hội nhập làm sao được! Còn nói bây giờ chỉ dựa vào lao động, vào đất đai mà không có sáng chế, phát minh, phần mềm thì làm được gì!
Sở hữu xã hội là phù hợp
. Mặc dù Cương lĩnh 1991 có quy định về công hữu TLSX chủ yếu nhưng lâu nay, bằng những chính sách, pháp luật hợp lý ta vẫn thu hút đầu tư nên không có chuyện cản trở thu hút đầu tư khi thực hiện công hữu TLSX, thưa ông?
+ Đúng là Cương lĩnh 1991 có quy định nhưng lâu nay mình không nhắc lại điều đó nên người ta chỉ căn cứ vào luật pháp của mình để thực hiện. Nhưng bây giờ khơi lại, người ta sẽ nghĩ rằng họ đang nhận được một lời cảnh báo mới. Ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng có thể nghĩ rằng Nhà nước cho phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nhưng đến một lúc nào đó sẽ quốc hữu hóa nhà máy, vốn…
. Ông lý giải thế nào trước những ý kiến cho rằng nếu không dựa vào công hữu TLSX chủ yếu sẽ mất đi đặc trưng XHCN?
+ Tôi đã nhấn mạnh mục đích của XHCN không phải là công hữu TLSX chủ yếu, không phải là chế độ công hữu mà là sự tự do của con người, giải phóng con người. Để đạt được mục tiêu đó, ban đầu Mác tưởng chế độ công hữu là tốt nhưng sau này ông nhận ra và đã thay đổi chế độ công hữu bằng sở hữu xã hội, trong đó công ty cổ phần là hình thức chủ yếu. Thế mà bây giờ mình không dùng cái từ Mác đã sửa mà quay lại với từ Mác chưa sửa. Rõ ràng như vậy là về mặt lý luận cũng không phù hợp với Mác mà thực tế cũng không phù hợp với thế kỷ XXI.
Cho nên tôi đồng tình với cách ghi trong Nghị quyết của Đại hội X “dựa trên quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất” và điều ấy là hợp lý.



TS. Lê Đăng Doanh: Nhiều hệ lụy do tăng tỷ giá

Đợt điều chỉnh tỷ giá này có thể khiến người tiêu dùng chịu mức tăng giá 3%, nợ doanh nghiệp và nợ Chính phủ cũng tăng cao.



TS. Lê Đăng Doanh: Nhiều hệ lụy do tăng tỷ giá shopping entertainments
ảnh minh họa

Sau hơn 6 tháng duy trì tỉ giá ổn định, đợt tăng tỉ giá hôm 11/2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ 18.932 đồng/USD lên 20.693 đồng/USD (9,3%), là mức điều chỉnh một lần tăng cao nhất từ năm 1993 đến nay, tương đương mức biến động tỉ giá của cả năm 2010.


Người tiêu dùng và doanh nghiệp nặng gánh


Tăng tỷ giá là một biện pháp đau đớn, song cần thiết và bất khả kháng nhằm giảm nhập siêu ở mức độ nhất định.


Xuất khẩu có thể có lợi nếu tỉ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm cao (như gạo, hải sản) trong khi tác động thúc đẩy hạn chế hơn đối với các sản phẩm lắp ráp điện tử vì tỉ lệ hàng nhập lên đến 90% giá thành.


Tuy nhiên, những hệ lụy đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thì cần phải bàn thêm.


Trước hết, với mức nhập khẩu lên đến 84 tỉ USD trên GDP 102 tỉ USD năm 2010, trong đó chỉ 10% là hàng tiêu dùng, 20% là trang thiết bị, máy móc, còn lại khoảng 70% là đầu vào cho hoạt động kinh tế như xăng dầu, sắt thép, bông sợi.... Việc điều chỉnh tỉ giá lần này sẽ dẫn đến tăng giá đáng kể các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu kể trên và qua đó tác động tới giá thành sản phẩm và giá mua của người tiêu dùng.


Người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu mức tăng giá, ước tính khoảng 3% từ sự điều chỉnh tỉ giá này.


Giá một số mặt hàng đã tăng lập tức, như gas, ô tô và khó tránh khỏi việc tăng giá các mặt hàng khác trong thời gian tới do giá đầu vào nhập khẩu tăng lên khoảng 10%.


Với việc điều chỉnh tỉ giá cao như vậy, lạm phát năm 2011 đã được kích hoạt và nhiệm vụ của các doanh nghiệp là điều chỉnh sản xuất - kinh doanh để tiếp tục hoạt động trên mặt bằng tỉ giá và giá cả mới.


Nợ của doanh nghiệp sẽ tăng thêm và những doanh nghiệp chưa thanh toán các khoản tín dụng có thể phải chi thêm một khoản lớn. Nợ của chính phủ cũng sẽ tăng tương ứng với mức điều chỉnh tỉ giá và ngân sách sẽ chịu thêm gánh nặng này.


Cần nhiều chính sách đồng bộ


Liệu biên độ giữa hai tỉ giá có được rút gần lại như mong đợi của NHNN hay không còn tùy thuộc vào việc thực hiện mục tiêu “tăng thanh khoản ngoại tệ” như đã được công bố, vì cho đến nay, sau một thời gian nhất định, tỉ giá thị trường tự do lại tăng lên và tỉ giá chính thức lại phải điều chỉnh tiếp.


Điều này khó có thể chỉ đạt được bằng điều chỉnh tỉ giá mà đòi hỏi phải vận dụng tiếp các công cụ tiền tệ khác như nâng mức dự trữ bắt buộc đối với USD, nâng lãi suất tín dụng đối với USD...


Tăng niềm tin vào VND là mục tiêu tối hậu phải đạt được, song không dễ. NHNN chỉ nói “điều hành tỉ giá chủ động” mà không cho biết lộ trình hay nguyên tắc khi nào điều chỉnh, theo tín hiệu nào nên người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục nghe ngóng.


Trong điều kiện nền kinh tế nước ta đã bị đô-la hóa ở mức đáng kể, vàng không chỉ được sử dụng như phương tiện cất giữ mà còn được tham gia vào quá trình thanh toán thì việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng niềm tin vào VND đòi hỏi phải có các biện pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như giảm bội chi ngân sách, cắt giảm các công trình đầu tư kém hiệu quả, tăng hiệu quả đầu tư Nhà nước, minh bạch cơ chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước...


Chính bội chi ngân sách, đầu tư công kém hiệu quả đã gây ra hậu quả mà chính sách tiền tệ, tín dụng phải gánh chịu, dẫn đến lạm phát và giảm sức mua của đồng tiền Việt Nam.


Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Năm 2011, chi phí sản xuất tăng

Từ nay đến tết Nguyên đán, nguồn cung USD sẽ bớt căng thẳng nhờ can thiệp của NHNN và nguồn kiều hối. Nhưng điều đó có lẽ sẽ chấm dứt sau tết Âm lịch.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, băn khoăn sang năm 2011, chỉ ngay sau tết Nguyên đán thôi, giá các mặt hàng đầu vào của sản xuất như điện, xăng dầu sẽ đồng loạt tăng. Doanh nghiệp sẽ phải chống đỡ như thế nào đây?

Mặt bằng giá năm 2011 sẽ tăng cao

. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thưa ông?


+ Hiện nay Chính phủ đề ra đến hết tết Nguyên đán không điều chỉnh giá điện, xăng dầu. Có thể xem giải pháp này đang là một liều thuốc an thần cho người dân, cho doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng sau tết giá các mặt hàng trên sẽ lần lượt được nâng lên. Bởi thực tế giá xăng thế giới đang tăng đến 90 USD/thùng. Còn với giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có lên tiếng là không tăng giá thì sẽ tiếp tục thiếu nữa.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng có đưa ra lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Như thế chi phí đầu vào sản xuất sẽ tăng, vì vậy chắc chắn mặt bằng giá sang năm cũng sẽ cao hơn năm nay.

. Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất cho vay phổ biến 17%/năm?

+ Lãi suất ngân hàng hiện nay đang ở mức cao. Điều này phản ánh lãi suất dựa trên lạm phát. Nếu lạm phát như hiện nay khoảng 11% thì phải cộng thêm 2%-2,5%, tức là lãi suất huy động trên 14%/ năm. Để cho vay, ngân hàng thương mại sẽ phải cộng thêm khoảng 3%. Do vậy lãi suất cho vay lên đến 17%/năm cũng là điều dễ hiểu. Với lãi suất, như thế thì không có doanh nghiệp nào có thể kinh doanh có lãi được. Và như vậy, các doanh nghiệp không muốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Hệ lụy là nền kinh tế sẽ trì trệ.

Tôi cũng muốn nói thêm cả chính sách tỉ giá. Rõ ràng sự chênh lệch rất lớn giữa thị trường tự do và thị trường chính thức. Có những lúc tỉ giá ở hai thị trường này chênh nhau đến 2.000 đồng/USD, điều này làm khó doanh nghiệp. Từ nay đến tết Nguyên đán, nguồn cung USD có thể sẽ bớt căng thẳng nhờ biện pháp can thiệp của Ngân hàng Nhà nước và nguồn kiều hối. Nhưng mà điều đó có lẽ sẽ chấm dứt sau tết âm lịch.

Doanh nghiệp kiếm được một đồng ngoại tệ phải vã mồ hôi, sôi nước mắt. Sau đó, họ phải bán lại cho ngân hàng thương mại theo tỉ giá của ngân hàng. Nhưng khi cần đến ngoại tệ, không doanh nghiệp nào mua được với giá của ngân hàng thương mại cả. Với tình hình này, doanh nghiệp lại phải chịu thiệt, còn ngân hàng thì được hưởng lợi. Điều này đang kích thích ngược với nền kinh tế.

Với tất cả tình hình như vậy, tôi không nghĩ rằng kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ thuận lợi hơn. Còn với doanh nghiệp, vấn đề nâng giá các mặt hàng như điện, xăng dầu…, điều chỉnh tỉ giá, lãi suất sẽ là những khó khăn rất lớn cho họ.

Chỉ tiêu GDP năm 2011 đạt 7%-7,5% là quá cao

. Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2011, chỉ tiêu tăng trưởng Việt Nam đề ra là 7%-7,5%. Ông bình luận gì về chỉ tiêu này?


+ Chúng ta đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 7%-7,5% cũng theo xu hướng chung của kinh tế thế giới. Hiện kinh tế thế giới đang phục hồi. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 dự báo sẽ tăng hơn năm nay. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thực tế thì để tăng trưởng bền vững có chất lượng, con số 7%-7,5% là quá cao.

. Theo ông, để doanh nghiệp làm ăn có lãi thì chính sách tiền tệ sẽ được điều chỉnh như thế nào?

+ Thắt chặt tiền tệ một cách vừa phải, hợp lý giữa tốc độ tăng trưởng và tốc độ tăng tài chính tiền tệ. Nếu như chúng ta vẫn ưu tiên tốc độ tăng trưởng cao thì chúng ta phải bơm ra nhiều tiền. Tuy nhiên, với tình hình như thế này thì chúng ta phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, thắt chặt tiền tệ. Nhưng tôi lo ngại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vượt con số 25% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Theo tôi, cần phải kéo lạm phát xuống, dần dần kéo lãi suất tiết kiệm xuống. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ hoạt động có lãi và nộp thuế. Khi đó, nhà nước sẽ có nguồn thu. Còn với lãi suất như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó có thể trụ lại nói chi đến chuyện mở rộng sản xuất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét