Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Nhà nước mạnh, Nhà nước yếu (1)

Mỗi lần xảy ra khủng hoảng kinh tế, lại diễn ra một trường ác đấu giữa các kinh tế gia. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và toàn cầu lần này, các mũi dùi tập trung đả kích vào “chủ nghĩa tự do” (mô hình kinh tế thị trường tự do) và các phương tiện truyền thông lại được dịp “bầy đàn”.

 
Những gói tiền giải cứu và kích thích kinh tế được đưa ra ào ạt, đầu tiên là 700 tỷ USD cuối thời Tổng thống Bush, 787 USD tỷ khởi đầu thời Obama, đến hàng trăm tỷ USD của Nhật bản và châu Âu… dường như làm đảo lộn phải trái . Có vẻ như “chủ nghĩa can thiệp” thịnh hành sau Đại khủng hoảng 1929 và sau Đại chiến 2, đang trỗi dậy.
Tui không đủ kiến thức chuyên môn để phân tích các học thuyết kinh tế. Nhưng nhìn vào lịch sử cũng có thể thấy đôi điều thú vị.
Suốt thế kỷ 20, không tính đến hệ thống kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô cũ bị thất bại, tựu trung có hai mô hình, hay hai trường phái thay phiên nhau lên voi xuống ngựa. Đó là “chủ nghĩa tự do” và “chủ nghĩa can thiệp”. Tương ứng với hai mô hình đó, là hai kiểu Nhà nước, tạm gọi là “Nhà nước yếu” (còn gọi là “Nhà nước tối thiểu”) và “Nhà nước mạnh” (còn gọi là “Nhà nước phúc lợi”).
Phái “Nhà nước yếu” chủ trương không can thiệp vào kinh tế mà để cho “bàn tay vô hình” của thị trường điều tiết. Phái này là đồ đệ của Adam Smith, tiếp đó là Friedrich Hayek (1899-1992) và Milton Friedman (1912-2006). Phái “Nhà nước mạnh” chủ trương Nhà nước can thiệp vào kinh tế. Phái này áp dụng mô hình kinh tế của John Maynard Keynes (1883-1946) và những người kế tục.
Sau Đại khủng hoảng năm 1929, người ta cãi vả ôm sồm về nguyên nhân của nó, đa số đổ tội cho thuyết “bàn tay vô hình” và bảo rằng thị trường tự do không đem lại lời giải cho khủng hoảng. Adam Smith bị rơi vào quên lãng. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã thông qua một loạt các đạo luật cho phép Chính phủ can thiệp mạnh vào nền kinh tế.
Sau Đại chiến 2, học thuyết Keynes được áp dụng hầu như trên toàn thế giới tư bản. Việc Liên Xô, với nền kinh tế kế hoạch, trở thành một siêu cường chỉ sau mấy thập kỷ, khiến cho các kinh tế gia và chính trị gia phương tây lúng túng. Họ không hiểu thực chất bên kia bức tường Berlin diễn ra những gì. Do đó, “Nhà nước phúc lợi”, “Nhà nước mạnh” còn được coi là mô hình bảo đảm “công bằng xã hội”, làm đối trọng cạnh tranh với hệ thống xã hội chủ nghĩa.
Dưới thời Kenedy và Johnson, trong vòng 5 năm, nước Mỹ đã tạo thêm 7 triệu việc làm, lợi nhuận tăng gấp đôi, GDP tăng 1/3. Các nhà nước phúc lợi Bắc Âu đem lại cho dân chúng một cuộc sống sung túc với hệ thống “an sinh xã hội” được bảo đảm ở mức gần như lý tưởng. Vì vậy mà người ta gọi những năm 1960 là thời hoàng kim của chủ nghĩa can thiệp.
Hayek, nay được đánh giá là một trong những triết gia và kinh tế gia lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, người suốt đời đối đầu không khoan nhượng với Keynes, chống lại chủ nghĩa can thiệp, bảo vệ đến cùng mô hình thị trường tự do, đã đau xót thốt lên : “Khi tôi còn trẻ, chỉ có vài người già tin tưởng thị trường tự do; khi tôi là trung niên, trừ tôi ra không còn ai tin vào nó”. Ông đã thể hiện quan điểm của mình trong những tác phẩm triết học và kinh tế từ trước những năm 30. Năm 1944, cuốn sách nổi tiếng “Con đường dẫn tới nô lệ” (The Road to Serfdom) của ông gây chấn động, nhưng ông gần như bị cả thế giới tẩy chay vì công kích vào Nhà nước phúc lợi ở Anh và châu Âu.
Khi học thuyết Keynes thắng thế, Hayek bị cô lập cả về tri thức lẫn chính trị, hầu hết các học trò của ông đều theo Keynes, khiến cho ông buồn bã nhưng vẫn tự tin là mình đúng : “Hầu như cả thế giới đã đi nhầm đường”. Ông sống trong bệnh tật và nghèo khó, đến nỗi ông phải bán bộ sách 7000 quyển mà ông sưu tầm được, sau khi bán bộ sưu tập quý hiếm về lý thuyết và lịch sử tiền tệ.
Cho đến đầu những năm 1970, cuộc khủng hoảng dầu lửa, kéo theo đó là tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng ở Mỹ và châu Âu, hệ thống kinh tế của chủ nghĩa can thiệp được dịp bộc lộ sự yếu kém và xơ cứng. Mô hình của Keynes bắt đầu bị chỉ trích.
Bất ngờ, Hayek được tặng giải Nobel kinh tế năm 1974. Hai năm sau, Milton Friedman, một bậc thầy khác của thị trường tự do cũng được giải Nobel kinh tế 1976. Friedman, thủ lĩnh “trường phái Chicago” của Mỹ, trường phái tương đồng và chịu ảnh hưởng của Hayek về học thuyết kinh tế, nhưng khác xa trên bình diện triết học, tuy nhiên Friedman đánh giá Hayek là "triết gia tự do vĩ đại nhất thế kỷ 20". Từ giải Nobel danh giá mà tên tuổi và học thuyết của Hayek và Friedman được toàn thế giới biết đến. Trận chiến ý tưởng xoay chiều, Hayek và Friedman lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo Anh và Mỹ.
Ở Anh, Hayek trở thành nguồn cảm hứng của Margaret Thatcher. Không lâu sau khi trở thành lãnh tụ Đảng Bảo thủ, bà Thatcher cầm cuốn sách “Hiến pháp của tự do” (The Constitution of Liberty) của Hayek giơ lên nói với thuộc cấp : “Đây là cái mà chúng ta tin tưởng”. Và ngày 5-1-1981, Thủ tướng Thatcher tuyên bố trước Quốc hội : “Tôi là người ngưỡng mộ giáo sư Hayek. Sẽ là điều tốt nếu các thành viên đáng kính của Viện này đọc một số tác phẩm của ông, Hiến pháp của tự do và bộ ba tập Pháp quyền, pháp chế và tự do” (trích từ sách Chủ nghĩa tự do của Hayek, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2008).
Lên cầm quyền ở nước Anh, Thủ tướng Thatcher thực hiện một cuộc cách mạng tẩy bỏ hệ thống quản lý keynesian. Giữa lúc kinh tế đình trệ, một loạt các ngành công nghiệp thua lỗ, thất nghiệp gia tăng, bà Thatcher thẳng tay giảm chi tiêu của Chính phủ, cắt bỏ trợ cấp doanh nghiệp, trả nền kinh tế lại cho thị trường. Đình công nổ ra dữ dội, nhất là công nhân ngành than, công đoàn yêu cầu chính phủ trợ cấp để tạo công ăn việc làm nhưng người đàn bà thép này dứt khoát không khoan nhượng. Một loạt các công ty quốc doanh được “cổ phần hóa”, cả đối với những ngành then chốt như điện, viễn thông, hàng không, xe lửa… Bà thực hiện thị trường tự do quyết liệt đến mức tư nhân hóa cả … nhà tù. Nền kinh tế được kích hoạt, nước Anh hồi sinh.
Tại Mỹ, lệnh cấm vận dầu lửa từ các nước Ả rập vào năm 1973 đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Vụ Watergate và chiến tranh Việt Nam làm tăng thêm màu ảm đạm của bức tranh kinh tế. Năm 1974 lạm phát lên mức 2 chữ số, cả nước Mỹ có đến 5 triệu người thất nghiệp. Nixon đổ, Gerald Ford lên làm Tổng thống giữa lúc nền kinh tế suy thoái chưa biết bao giờ mới tới đáy. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan mô tả về tình trạng doanh nghiệp bị trói buộc lúc đó như sau : “Thật khó tưởng tượng được những doanh nghiệp Mỹ đã bị hạn chế như thế nào. Các ngành hàng không, vận chuyển bằng xe tải, đường sắt, đường ống dẫn dầu, điện thoại, vô tuyến, những người môi giới cổ phiếu, thị trường tài chính, các ngân hàng tiền gửi tiết kiệm, những ngành phục vụ đều hoạt động dưới quy định nặng nề. Các hoạt động được giám sát tới từng chi tiết nhỏ nhất”.
Gerald Ford quyết định cởi trói cho doanh nghiệp. Đó là một “thành công lớn không được ca tụng” (theo lời Greenspan) của ông. Tháng 8-1975, trong một bài diễn văn đọc tại Chicago, Ford cam kết sẽ “tháo xiềng xích cho các doanh nhân Mỹ”, rằng “Chính phủ liên bang tránh xa doanh nghiệp của các vị, khỏi cuộc sống, khỏi ví tiền và không chạm tới một sợi tóc của quý vị nếu tôi có thể”. Việc đọc bài diễn văn này tại Chicago mang một ý nghĩa : Ford tán thành quan điểm của “trường phái Chicago”, phi luật lệ hóa, giảm thiểu sự can thiệp của nhà nước vào kinh tế.
Chính sách phi luật lệ hóa của Gerald Ford dù chưa kịp phát huy tác dụng, nhưng kinh tế cũng bắt đầu phục hồi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của vụ Watergate và việc Ford xóa tội cho Nixon, nên ông đã thất cử. Jimmy Carter lên làm tổng thống ngày 20-1-1977. Carter trở nên do dự với thị trường tự do. Thời Carter, nền kinh tế Mỹ lại rơi vào suy thoái, lạm phát không kiểm soát được (có lúc lên tới đỉnh 15%). Năm 1981, Carter thất cử, Rolnald Reagan lên làm tổng thống – một tổng thống thực sự làm thay đổi nước Mỹ.
Trong báo cáo kinh tế đầu tiên của mình, Reagan tuyên bố : “Mục tiêu đầu tiên và chính yếu của tôi là cải thiện thành tích của nền kinh tế bằng cách giảm đi nhiều chiều kích của vai trò của chính phủ liên bang”. Cùng với Thatcher, Reagan áp dụng thành công mô hình kinh tế thị trường tự do của Hayek-Friedman, làm hồi sinh nền kinh tế Mỹ. Ông đã đi vào lịch sử với tư cách là một trong những tổng thống giỏi nhất Hoa Kỳ, thậm chí năm 2005 Reagan được bình bầu là người Mỹ vĩ đại nhất, xếp trên cả Abraham Lincoln.
Hayek-Friedman hóa thân vào hai tên tuổi chính trị lớn trên thế giới là Reagan và Thatcher. Học thuyết Reagan-Thatcher ra đời từ đó. “Nhà nước mạnh” nhường bước cho “Nhà nước yếu”…
(còn tiếp)
http://www.hoanghaivan.com/2009/04/nha-nuoc-manh-nha-nuoc-yeu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét