Thứ Tư, 1 tháng 6, 2011

Nhìn VDB mà… phát thèm!


Những rủi ro tác nghiệp gần đây cùng cơ chế tài chính thiếu lá chắn, khiến nhiều người lo lắng đến an nguy của VDB.

Trụ sở VDB ở Hà Nội
Theo giới phân tích, cần chuyển đổi mô hình hoạt động của VDB, để không những bảo toàn giá trị mà còn nâng cao khả năng sinh lời, bên cạnh giảm dần sự ỷ lại của đối tượng thụ hưởng nguồn vốn tín dụng nhà nước.

Ông Nguyễn Quang Dũng, TGĐ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, sau 5 năm hoạt động, tổng dư nợ tín dụng đầu tư của VDB đến 31/12/2010 khoảng 90 nghìn tỷ đồng, đạt tốc độ tăng bình quân 20%/năm, chiếm 3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Nhìn VDB mà… phát thèm!

Theo đó, VDB đang quản lý 2.445 dự án (DA) với tổng số vốn vay theo hợp đồng tín dụng là 168.846 tỷ đồng, trong đó có 106 dự án nhóm A với số vốn vay 73.583 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 5 năm qua, VDB còn cho vay khoảng 5 tỷ USD tín dụng xuất khẩu.

Còn đối với nguồn vốn huy động thì sao? Khác với hoạt động của các ngân hàng thương mại (NHTM), muốn có nguồn vốn hoạt động thì cổ đông phải đóng góp, huy động trên thị trường, đôn đáo vay mượn của nhau, khấu từ lợi nhuận…và một phần từ Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ tái cấp vốn và giao dịch trên thị trường mở (OMO) thì nguồn vốn của VDB hoàn toàn được ngân sách bao cấp.

Trong 5 năm qua, VDB huy động thêm được 180 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu VDB do Chính phủ bảo lãnh. Một nguồn vốn khác chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nguồn của VDB là quản lý vốn ODA và các quỹ quay vòng của Chính phủ với con số khoảng 9,5 tỷ USD.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, nếu bị thiếu vốn thì VDB huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng (TCTD, nhà nước cấp bù lãi suất sau.

Đầu vào là vậy, còn khi cho vay thì VDB cũng không phải vất vả tìm dự án tốt để giải ngân như mọi ngân hàng khác. Bởi lẽ, VDB thực hiện cơ chế cho vay theo chỉ đạo của nhà nước, dự án ở đâu, VDB cho vay ở đó.

Bởi vậy, với tư cách hoạt động ngân hàng, các TCTD phải ghen tỵ với VDB vì được bao cấp cả số lượng nguồn vốn, lẫn lãi suất đầu vào cũng như địa chỉ giải ngân.

Một điều đặc biệt khác là nếu được vay vốn của VDB, đối tượng thụ hưởng sẽ được hưởng mức lãi suất rất thấp. Theo cơ chế hiện hành, VDB đang áp dụng mức lãi suất cho vay trung dài hạn, cho vay lại từ nguồn vốn ODA, cho vay ngắn hạn, tín dụng XK đều cùng một mức 11,4%/năm. Tất nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho các DA của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Gần đây, VDB có áp dụng cho vay theo cơ chế thị trường nhưng mới dừng ở dạng thí điểm. Vì lẽ đó, sự thèm thuồng đối với VDB không chỉ nhìn ở góc độ là một tổ chức kinh doanh tín dụng mà còn ở người vay vốn.

Nên bao cấp như thế nào?

Do hình thức là “ngân hàng” nên mỗi khi NHNN “điểm danh, điểm diện” thì vẫn có tên VDB. Tuy nhiên, do nguồn vốn, cơ chế hoạt động trực thuộc Bộ Tài chính “quản” nên nếu có hỏi NHNN rằng: nguồn vốn VDB và cơ chế hoạt động như thế nào, giải ngân bao nhiêu, cho dự án nào, tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro ra sao thì kể cả lãnh đạo vụ nghiệp vụ đến lãnh đạo cao nhất của NHNN đều trả lời: “không biết”!

Chưa kể, theo quy định của NHNN thì tất cả các TCTD phải báo cáo thông tin tín dụng (huy động, cho vay, phân loại nợ, danh sách khách hàng…) về kho dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) nhưng đến nay, CIC vẫn chưa thể tiếp cận các thông tin nghiệp vụ từ VDB.

Cũng vì mô hình “chung chiêng” giữa NHNN và Bộ Tài chính nên việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro của VDB rất bất ổn. Theo quy định ngành ngân hàng, đã hoạt động với tư cách một ngân hàng thì việc trích lập phải tuân thủ theo nguyên tắc: mức độ trích lập phụ thuộc vào mức độ rủi ro từng nhóm nợ nhưng ở VDB, tỷ lệ trích lập đều chung một mức 0,5%/tổng dư nợ. Điều này khiến nhiều người băn khoăn: VDB có phải là một TCTD hay không?

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, để mang lại hiệu quả cho nguồn vốn tín dụng nhà nước thì đầu tiên phải đi từ việc xử lý mô hình của VDB theo hướng phù hợp hơn.

Theo đó, nên quan niệm VDB là TCTD và chịu sự quản lý của NHNN về hoạt động và kiểm soát an toàn như đối với các TCTD khác. Hiện tại, mô hình Ngân hàng Chính sách xã hội cũng sử dụng vốn tín dụng nhà nước trong lĩnh vực tài chính vi mô, họ chấp hành đầy đủ chuẩn mực an toàn của NHNN nhưng nợ xấu luôn dưới 1%/tổng dư nợ.

Thứ hai là cách thức giải ngân vốn tín dụng nhà nước như thế nào. Hiện nay, với cơ chế thiếu lá chắn bảo vệ (trích lập dự phòng không đủ an toàn) lại để cho một đơn vị quản lý một lượng vốn ngân sách rất lớn là hết sức rủi ro vì “bỏ trứng vào một giỏ”.

Vì thế, một chuyên gia đề xuất rằng, nên giải ngân tín dụng nhà nước thông qua hệ thống NHTM nhà nước vì cấu trúc quản trị rủi ro của NHTM an toàn hơn so với VDB.

Thứ ba là xử lý vấn đề bao cấp tín dụng. Khi thực hiện bao cấp vốn cho DA từ đầu vào, đầu ra đến giá vốn, đặc biệt là hiện tại, VDB bắt đầu thí điểm cho vay thỏa thuận đối với DN, trong đó có DNVVN, đã tạo ra cơ chế thiếu minh bạch: nửa thị trường, nửa bao cấp, khiến cho đối tượng vay vốn không rạch ròi, dễ dẫn đến xin – cho và tiêu cực.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, rất cần thiết phải phân loại tính chất DA được thụ hưởng nguồn vốn bao cấp. Theo đó, Nhà nước nên tập trung vốn cho các lĩnh vực điện, đường, trường, trạm, y tế, bảo vệ môi trường. Còn đối với những dự án kinh tế, kể cả DA trọng điểm, cũng chỉ nên cho hưởng lợi trong một thời gian ân hạn nào đó về lãi suất, dư vay, sau đó thì phải để họ tự hạch toán và cân đối thu chi.

Theo Nguyễn Hoài – Thời báo Kinh tế Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét