Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

“Dọn đường“ cho sáp nhập ngân hàng


Ngân hàng Nhà nước đã ra ra thông điệp khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng. Xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau. 
 
An toàn, lành mạnh, hiệu quả
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng (NH) những tháng cuối năm 2011  tổ chức tại Hà Nội hôm 7/9 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã đưa ra quan điểm: “Không phân biệt quy mô của NH nhưng vấn đề quan trọng nhất là NH đang tồn tại phải hoạt động an toàn, lành mạnh và có hiệu quả”.
Theo Đề án Tái cơ cấu NH mà NHNN vừa công bố thì việc tái cơ cấu NH sẽ căn cứ vào 4  quan điểm và nguyên tắc cơ bản sau:
Thứ nhất, phát triển một hệ thống NH đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ NH từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống NH có các NH lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực; có các NH lớn làm trụ cột trong hệ thống NH; có những NH vừa và nhỏ, TCTD phi NH hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ NH mỗi tầng lớp trong xã hội;
Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống NH;
Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất NH theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan;
Thứ tư, tái cơ cấu NH được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của NH cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.
Ngân hàng nhà nước khẳng định sẽ hỗ trợ
NHNN cho rằng, sáp nhập, hợp nhất NH hàng là xu hướng tất yếu khách quan hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh. Sáp nhập, hợp nhất NH đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các NH đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, màng lưới phân phối… Do đó, xu hướng sáp nhập, hợp nhất NH có thể xảy giữa các NH lớn với nhau, giữa NH lớn và NH nhỏ, giữa các NH nhỏ với nhau.
Cách đây mấy hôm, NHNN đã ra ra thông điệp khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ TCTD. Trong đó khẳng định NHNN chủ trương khuyến khích các TCTD tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Để thực hiện chủ trương này, trường hợp cần thiết, NHNNcó thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD thành công, góp phần từng bước kiện toàn hệ thống các định chế tài chính Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, phát triển bền vững.
Ngân hàng nhỉ chưa hết lo
Theo NHNN, tình đến tháng 6/2011, có 5 NH có vốn pháp định dưới 3.000 tỷ đồng (Sài Gòn Công thương 2.460 tỷ đồng, Gia Định 2.000 tỷ đồng, Phương Đông 2.635 tỷ đồng, Xăng dầu Petrolimex 2.000 tỷ đồng, Bảo Việt 1.500 tỷ đồng)
Tin vui với BaoVietBank khi mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Tập đoàn Bảo Việt tiếp tục đầu tư vào BaoVietBank và nắm giữ 52% vốn điều lệ của NH. Với cơ chế mở này, vốn điều lệ của BaoVietBank sẽ tăng từ 1.500 tỷ đồng lên 3.150 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất trước ngày 31/12/2011…
Tuy nhiên các NH còn lại không may mắn và cung không có hậu phương lớn như BaoVietBank, nhất là trong bối cảnh NHNN siết chặt lãi suất, các NH nhỏ đang phải đối mặt với khó khăn về thanh khoản.
Tiêu chí tái cấu trúc NH không phân biệt quy mô NH song các NH này vẫn chưa hết lo khi thời hạn 31/12/2011 đang đến gần …
* Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:
“Ngân hàng nào có tỷ lệ nợ xấu quá 5% thì phải tái cấu trúc”
Nhiều NH của Việt Nam gọi là nhỏ nhưng so với những NH nhỏ của Mỹ thì vẫn là hạng trung bình. Ví dụ ở Mỹ, NH nhỏ của họ có vốn tự có chỉ từ 10 – 15 triệu USD, ở Việt Nam thì vốn tự có của những NH nhỏ này cũng xấp xỉ 100 triệu USD, nên không thể nào gọi nó là nhỏ được. Tôi cho rằng, tái cấu trúc thì không hẳn là nhắm vào các NHTM nhỏ mà nên tập trung vào những NH nào có tỷ lệ nợ xấu vượt quá 5% thì phải thuộc diện phải tập trung tái cấu trúc lại tài chính và các định chế quản lý tài chính như quản trị rủi ro. Những NH nhỏ mà khỏe thì sao lại phải bỏ.
* Ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc NHNN:
“Có nhiều cách làm để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc…”
Tái cấu trúc NH là cần thiết nhưng theo tôi hãy đợi thời điểm thích hợp, vì đây là việc làm vì lợi ích chung chứ không phải là tư lợi với NH nào. Tùy từng NH mà có sự tái cơ cấu khác nhau. Cũng phải nói là tỷ lệ nợ xấu cao hơn con số chính thức, đấy là chưa kể những rủi ro đạo đức đang vỡ ra rất nhiều và thậm chí là chưa vỡ ra hết. Do đó nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ phải trả giá đắt hơn… Sau khi có những bước chuẩn bị như vậy, mới nói đến sáp nhập và giải thể hay không, và với NH nào, cách thức thực hiện ra sao?.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét