Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Ngân hàng trung ương - Khái niệm & Chức năng


1- Khái niệm : Ngân hàng trung ương là một định chế công cộng, có thể độc lập hoặc trực thuộc chính phủ; thực hiện chức năng độc quyền phát hành tiền, là ngân hàng của các ngân hàng, ngân hàng của chính phủ và chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về các hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng.
NHTW có nguồn gốc từ các ngân hàng phát hành. Cho đến đầu thế kỷ 20, các ngân hàng phát hành vẫn thuộc sở hữu tư nhân. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, do ảnh hưởng của những bài học kinh nghiệm từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 - 1933 cũng như sự phát triển của các học thuyết kinh tế của Keynes (vào cuối những năm 1930) và Milton Friedman (năm 1960) về sự cần thiết của vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước đối với nền kinh tế và ảnh hưởng của khối lượng tiền cung ứng đối với các biến số kinh tế vĩ mô, các nước đã nhận thức được tầm quan trọng phải thành lập một NHTW đóng vai trò quản lý lưu thông tiền tệ, tín dụng và hoạt động của hệ thống ngân hàng trong một quốc gia. Các NHTW được thành lập hoặc bằng cách quốc hữu hoá các ngân hàng phát hành hiện có hoặc thành lập mới thuộc quyền sở hữu nhà nước.
Các nước tư bản phát triển có hệ thống ngân hàng phát triển lâu đời như Pháp, Anh... thì thành lập NHTW bằng cách quốc hữu hoá ngân hàng phát hành thông qua mua lại cổ phần của các ngân hàng này rồi bổ nhiệm người điều hành. Một số nước tư bản khác thì Nhà nước chỉ nắm cổ phần khống chế hoặc vẫn để thuộc sở hữu tư nhân nhưng Nhà nước bổ nhiệm người điều hành.
Ở Việt nam, NHTW được thành lập thuộc sở hữu của nhà nước, gọi là Ngân hàng nhà nước Việt nam. Là một định chế công cộng của Nhà nước, nhưng mối quan hệ của NHTW với chính phủ không hoàn toàn giống với các định chế công cộng khác của Nhà nước. Mối quan hệ này ở các nước khác nhau cũng không giống nhau. Tuỳ thuộc vào đặc điểm ra đời của NHTW, thể chế chính trị, nhu cầu của nền kinh tế cũng như truyền thống văn hoá của từng quốc gia mà NHTW có thể được tổ chức theo mô hình trực thuộc hay độc lập với chính phủ.
Mô hình NHTW trực thuộc chính phủ là mô hình trong đó NHTW nằm trong nội các chính phủ và chịu sự chi phối trực tiếp của chính phủ về nhân sự, về tài chính và đặc biệt về các quyết định liên quan đến việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ. Các nước áp dụng mô hình này phần lớn là các nước Đông Á (Hàn quốc, Đài loan, Singapore, Indonesia, Việt nam ...) hoặc các nước thuộc khối XHCN trước đây. Theo mô hình này, chính phủ có thể dễ dàng phối hợp chính sách tiền tệ của NHTW đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm đảm bảo mức độ và liều lượng tác động hiệu quả của tổng thể các chính sách đối với các mục tiêu vĩ mô trong từng thời kỳ. Mô hình này được xem là phù hợp với yêu cầu cần tập trung quyền lực để khai thác tiềm năng xây dựng kinh tế trong thời kỳ tiền phát triển.
Điểm hạn chế chủ yếu của mô hình là NHTW sẽ mất đi sự chủ động trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Sự phụ thuộc vào chính phủ có thể làm cho NHTW xa rời mục tiêu dài hạn của mình là ổn định giá trị tiền tệ, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự lớn mạnh nhanh chóng của các nước thuộc nhóm NIEs như Singapore, Hàn quốc, Đài loan...nơi NHTW là một bộ phận trong guồng máy chính phủ là một bằng chứng có sức thuyết phục về sự phù hợp của mô hình tổ chức này đối với truyền thống văn hoá Á đông.
Mô hình NHTW độc lập với chính phủ là mô hình trong đó NHTW không chịu sự chỉ đạo của chính phủ mà là quốc hội. Quan hệ giữa NHTW và chính phủ là quan hệ hợp tác. Các NHTW theo mô hình này là Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ, NHTW Thụy sĩ, Anh, Pháp, Đức, Nhật bản và gần đây là NHTW châu Âu (ECB). Xu hướng tổ chức ngân hàng trung ương theo mô hình này đang càng ngày càng tăng lên ở các nước phát triển. Theo mô hình này, NHTW có toàn quyền quyết định việc xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ mà không bị ảnh hưởng bởi các áp lực chi tiêu của ngân sách hoặc các áp lực chính trị khác. Mặt khác, theo quan điểm dân chủ cổ truyền của châu Âu thì mọi chính sách phải được phục vụ cho quyền lợi của công chúng và phải được quyết định bởi quốc hội - cơ quan đại diện cho quyền lực của toàn dân - chứ không phải một nhóm các nhà chính trị - chính phủ. Chính vì vậy, NHTW do có vai trò hết sức quan trọng tới đời sống kinh tế nên không thể đặt dưới quyền chính phủ được mà phải do quốc hội kiểm soát. Tuy nhiên, không phải tất cả các NHTW được tổ chức theo mô hình này đều đảm bảo được sự độc lập hoàn toàn khỏi áp lực của chính phủ khi điều hành chính sách tiền tệ. Mức độ độc lập của mỗi NHTW phụ thuộc vào sự chi phối của người đứng đầu nhà nước vào cơ chế lập pháp và nhân sự của NHTW.
Điểm bất lợi chủ yếu của mô hình này là khó có sự kết hợp hài hoà giữa chính sách tiền tệ - do NHTW thực hiện và chính sách tài khoá - do chính phủ chi phối để quản lý vĩ mô một cách hiệu quả.
Không có một mô hình nào có thể được coi là thích hợp cho mọi quốc gia. Việc lựa chọn mối quan hệ thích hợp giữa NHTW và chính phủ phải tuỳ thuộc vào chế độ chính trị, yêu cầu phát triển kinh tế, đặc điểm lịch sử và sự phát triển của hệ thống ngân hàng của từng nước. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định nó cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu của thế giới.
2- Chức năng của ngân hàng trung ương : Ngân hàng trung ương thực hiện hai chức năng cơ bản: là ngân hàng của quốc gia và thực hiện chức năng quản lý vĩ mô các hoạt động tiền tệ, tín dụng và ngân hàngnhằm đảm bảo sự ổn định tiền tệ và an toàn cho cả hệ thống ngân hàng, qua đó mà thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. NHTW thực hiện các chức năng này thông qua các nghiệp vụ mang tính kinh doanh song tính chất kinh doanh chỉ là phương tiện nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý chứ không phải là mục đích của NHTW. Nói cách khác, mục đích hoạt động của NHTW không phải là mưu tìm doanh lợi mà là ổn định lưu thông tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
a- Chức năng ngân hàng của quốc gia : Được thể hiện ở các nhiệm vụ sau đây:
a1. Ngân hàng phát hành tiền : Ngân hàng Trung ương được giao trọng trách độc quyền phát hành tiền theo các qui định trong luật hoặc được chính phủ phê duyệt (về mệnh giá, loại tiền, mức phát hành...) nhằm đảm bảo thống nhất và an toàn cho hệ thống lưu thông tiền tệ của quốc gia. Đồng tiền do NHTW phát hành là đồng tiền lưu thông hợp pháp duy nhất, nó mang tính chất cưỡng chế lưu hành, vì vậy mọi người không có quyền từ chối nó trong thanh toán. Nhiệm vụ phát hành tiền còn bao gồm trách nhiệm của NHTW trong việc xác định số lượng tiền cần phát hành, thời điểm phát hành cũng như phương thức phát hành để đảm bảo sự ổn định tiền tệ và phát triển kinh tế.
a2. Ngân hàng của các ngân hàng : Ngân hàng trung ương không tham gia kinh doanh tiền tệ, tín dụng trực tiếp với các chủ thể trong nền kinh tế mà chỉ thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng với các ngân hàng trung
gian. Bao gồm:
- Mở tài khoản và nhận tiền gửi của các ngân hàng trung gian dưới dạng Tiền gửi dự trữ bắt buộc và tiền gửi thanh toán;
- Cấp tín dụng cho các ngân hàng trung gian dưới hình thức chiết khấu lại (tái chiết khấu) các chứng từ có giá ngắn hạn do các ngân hàng trung gian nắm giữ. Việc cấp tín dụng của NHTW cho các ngân hàng trung gian không chỉ giới hạn ở nghiệp vụ tái chiết khấu các chứng từ có giá mà còn bao gồm cả các khoản cho vay ứng trước có đảm bảo bằng các chứng khoán đủ tiêu chuẩn, các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ tại NHTW;
- Là trung tâm thanh toán bù trừ cho hệ thống ngân hàng trung gian: Vì các ngân hàng trung gian đều mở tài khoản và ký gửi các khoản dự trữ bắt buộc và dự trữ vượt mức tại NHTW nên chúng có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt qua NHTW thay vì thanh toán trực tiếp với nhau. Khi đó, NHTW đóng vai trò là trung tâm thanh toán bù trừ giữa các ngân hàng trung gian.
a.3. Ngân hàng của chính phủ : Là một định chế tài chính công cộng, NHTW đã được xác định ngay từ khi ra đời là ngân hàng của chính phủ. Với chức năng này, NHTW có nghĩa vụ cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho chính phủ, đồng thời làm đại lý, đại diện và tư vấn chính sách cho chính phủ.
b. Chức năng quản lý vĩ mô về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng : Đây là chức năng quyết định bản chất ngân hàng trung ương của một ngân hàng phát hành. Việc thực hiện chức năng này không thể tách rời khỏi các nghiệp vụ ngân hàng của NHTW. Nói cách khác, NHTW quản lý vĩ mô các hoạt động tiền tệ và tín dụng thông qua khả năng kinh doanh của mình.
b1. Xây dựng và thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia :Chính sách tiền tệ là chính sách kinh tế vĩ mô trong đó NHTW sử dụng các công cụ của mình để điều tiết và kiểm soát khối lượng tiền trong lưu thông nhằm đảm bảo sự ổn định giá trị tiền tệ đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và đảm bảo công ăn việc làm.
b2. Thanh tra, giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng : Với tư cách là ngân hàng của các ngân hàng, NHTW không chỉ cung ứng các dịch vụ ngân hàng thuần tuý cho các ngân hàng trung gian, mà thông qua các hoạt động đó, NHTW còn thực hiện vai trò điều tiết, giám sát thường xuyên hoạt động của các ngân hàng trung gian nhằm: Đảm bảo sự ổn định trong hoạt động ngân hàng và bảo vệ lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là của những người gửi tiền, trong quan hệ với ngân hàng.

- Giang's BLOG -
http://giangblog.come.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét