Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Suy nghĩ về tái cấu trúc hệ thống NHTM


Suy nghĩ về tái cấu trúc hệ thống NHTM
TS.Đinh Thế Hiển
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã diễn ra hơn 3 năm, nhưng các vấn đề bất ổn do nó tạo ra vẫn chưa được giải quyết trên bình diện quốc tế. Nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử tài chính đã bị đánh tụt hạng tín nhiệm, và hiện vẫn đang băn khoăn về các gói kích cầu tiếp theo; châu Âu thì vẫn còn tranh cãi chung quanh các giải pháp giải cứu Hy Lạp…. Không như cuộc khủng hoảng 1998, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã hướng tới hội nhập sâu kể từ khi gia nhập WTO năm 2006. Do vậy, chúng ta cũng bị tác động lớn và đang đối đầu với bất ổn khó khăn kinh tế, đòi hỏi các nỗ lực tái cấu trúc để vượt qua. Một trong ba định hướng chính tái cấu trúc nền kinh tế năm 2012 theo nghị quyết hội nghị lần 3 của TW Đảng là tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng thương mại. Sau đó NHNN đã đưa ra 4 quan điểm tái cấu trúc; Thứ nhất, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và chủng loại. Thứ hai, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Thứ ba, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan. Thứ tư, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Các quan điểm của Ngân hàng cũng là những vấn đề mấu chốt mà nhiều tổ chức, chuyên gia trong ngoài nước thảo luận, đề xuất trong thời gian gần đây. Tinh thần của quan điểm này có một số điểm nổi bật đó là công nhận sự tồn tại và hữu ích của nhiều loại hình ngân hàng và quy mô, thay vì phê phán và tìm cách loại bỏ những ngân hàng quy mô nhỏ. Điểm thứ hai là không hành chính hoá việc tái cấu trúc mà thực hiện theo cơ chế thị trường với những bước đi thích hợp. Như vậy các quan điểm của NHNN đã không theo tư duy “không quản được thì xoá”. Kinh nghiệm việc cấu trúc theo hướng hành chánh hoá các doanh nghiệp trong các giai đoạn từ Liên hiệp Các Xí Nghiệp, Tổng công ty 90 – 91, và các Tổng công ty theo đề án cấu trúc – sáp nhập cổ phần hoá đã cho thấy các quan điểm tái cấu trúc của NHNN theo hướng thị trường – hội nhập mang tính tích cực, định hướng cho việc tái cấu trúc của từng ngân hàng thương mại.
Vấn đề quan trọng tiếp theo, là các hành động và mối quan hệ giữa NHNN và các NHTM, giữa các NHTM với nhau và ngay cả việc tự cấu trúc lại của từng NHTM. Nếu chúng ta nhận thấy việc tái cấu trúc nền kinh tế do TW Đảng và Chính phủ đề ra không chỉ từ nguyên nhân ngắn hạn về biến động tài chính tiền tệ do khủng hoàng tài chính toàn cầu, mà chủ yếu do cấu trúc nền kinh tế nhiều năm phát triển nóng theo hướng thâm dụng vốn và tài nguyên thì việc tái cấu trúc hệ thống NHTM hiện nay cần phải chuyển mình theo hướng đáp ứng nguồn vốn phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững dựa trên sự hài hoà giữa Sản xuất – Đầu tư – Tiêu dùng; chứ không chỉ đơn thuần giải quyết những vấn đề về thanh khoản và rủi ro.
Như vậy xét về tổng thể, vai trò quan trọng đầu tiên của NHNN trong tiến trình tái cấu trúc chính là xây dựng các luật lệ, quy định cụ thể vừa phù hợp với điều kiện kinh tế VN, vừa phù hợp với chuẩn mực thế giới; đồng thời thực hiện việc giám sát chặt chẽ để kịp thời hướng dẩn, hỗ trợ và xử lý các NHTM vi phạm. Còn đối với các NHTM, một khi đã nhận định sự cần thiết phải đổi mới hoạt động theo hướng phục vụ nền kinh tế phát triển bền vững; đồng thời cũng nhận ra sự giám sát chặt chẽ, rõ ràng của NHNN thì các NHTM sẽ tự quyết liệt cấu trúc lại hoạt động ngân hàng mình theo hướng cạnh tranh. Điều này có nghĩa là mỗi ngân hàng, đặt biệt là ngân hàng quy mô nhỏ, mới hoạt động, thương hiệu chưa mạnh sẽ xây dựng một chiến lược kinh doanh khả thi hơn, dựa trên thực lực, phân khúc thị trường và một số sản phẩm có thế mạnh. Trong quá trình thực thi các chiến lược phát triển, các hoạt động mua bán – sáp nhập sẽ xuất hiện theo tính tất yếu của hiệu quả sáp nhập như các nước phát triển đang diễn ra.
Tuy nhiên, để thực hiện các trình tự trên cần có thời gian, với các NHTM quy mô lớn, thương hiệu mạnh thì không gặp khó khăn trong việc tái cấu trúc do có nguồn lực mạnh, quản trị rủi ro tốt. Tuy nhiên, đối với một số NH quy mô nhỏ, đã cho vay quá nhiều trong lĩnh vực BĐS, sẽ gặp khó khăn lớn về thanh khoản. Nếu không có nguồn lực hỗ trợ có thể bị nguy hiểm. Mặc dầu các NH này hoạt động theo dạng công ty cổ phần, tuy nhiên không như các doanh nghiệp SXKD thông thường, một khi có NH lâm vào tình trạng nguy hiểm, nó có thể tạo ra làn sóng mất niềm tin vào người dân và tạo sự nguy hiểm cho cả hệ thống NHTM, nhất là đối với các NHTM VN hiện nay khi người dân vẫn có tâm lý được Nhà nước bảo hộ. Ngay cả các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, người dân quen với các sự kiện phá sản của Tổ chức tài chính – ngân hàng, thì trong giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, bên cạnh các giải pháp có tính chất dài hạn nhằm tái cấu trúc và thay đổi tổng thể hệ thống tài chính Mỹ như tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi hay ban hành đạo luật Dodd – Frank, thì Chính phủ Mỹ  cũng đã đưa ra một loạt các giải pháp ngắn hạn như hỗ trợ thanh khoản, bảo lãnh các khoản vay nhằm giải tỏa tình trạng đóng băng tín dụng, thực hiện các gói cứu trợ đối với các ngân hàng. Gần đây nhất là khủng hoảng nợ công 2010 cũng cho thấy một số động thái tích cực của các chính phủ Châu Âu trong việc cải tổ để làm tăng khả năng chống đỡ của các ngân hàng như xóa nợ cho một số ngân hàng, tái cấp vốn, tiến hành quốc hữu hóa, tăng tỷ lệ vốn cốt lõi, bảo lãnh cho các khoản vay hay lập ra các quỹ cứu trợ nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.
Do vậy, NHNN cần có một số giải pháp mang tính ngắn hạn, để hỗ trợ một số Ngân hàng nhỏ đang gặp khó khăn lớn về thanh khoản sau khi NHNN xiết chặt quy định lãi suất huy động trần 14%, giúp cho các NH này có đủ thời gian cần thiết trong việc thực hiện cấu trúc lại hoạt động NH mình. Một số định hướng hỗ trợ như sau :
-       Cho vay hỗ trợ thanh khoản với lãi suất tái cấp vốn khoản 16% trong thời gian 3 – 6 tháng, để các NH này có thời gian cấu trúc lại các khoản tín dụng BĐS theo quy định của NQ 11.
-       Xem xét cho vay tái thế chấp các khoản vay lớn, có tính hiệu quả và an toàn với lãi suất hợp lý để các NH này có nguồn vốn bù đắp thanh khoản.
Tất nhiên, song song với việc hỗ trợ vốn thì NHNN buộc các NH này phải quyết liệt cấu trúc lại theo hướng tăng vốn, thu gọn hoạt động và chuyên biệt hoá... Nếu Ngân hàng nào không cấu trúc thực chất, hoặc quá yếu sau một thời gian hỗ trợ vẫn không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định thì NHNN sẽ chuyển phần vốn vay thành vốn sở hữu để nắm quyền kiểm soát nhằm thực hiện các hoạt động cấu trúc một cách mạnh mẽ hơn.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét