Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Lãi suất cơ bản,tái chiết khấu,tái cấp vốn..

Các loại lãi suất đang ảnh hưởng thế nào tới thị trường? Để chống lạm phát, cần phải rút bớt tiền trong lưu thông về. Muốn rút tiền về thì phải tăng lãi suất. Nhưng lãi suất có nhiều loại. "lãi suất tái cấp vốn" Nghe cụm từ "tái cấp vốn", ắt chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện trước đó cấp vốn rồi, bây giờ vì sao đó nên cấp vốn lại. Thêm nữa, nghe "lãi suất tái cấp vốn" áp dụng cho giới ngân hàng, chắc ai cũng tin cách hiểu trên là đúng. Thật ra không phải. Ngân hàng A cho doanh nghiệp vay 1 tỷ đồng để kinh doanh, chưa đến hạn nhưng ngân hàng A gặp khó khăn trong thanh khoản thì có thể lấy bộ hồ sơ cho vay nói trên đến Ngân hàng Nhà nước vay tiền, thế chấp bằng bộ hồ sơ này. Lãi suất phải trả cho Ngân hàng Nhà nước là "lãi suất tái cấp vốn" (refinancing rate). Cũng vay tương tự như vậy nhưng đem trái phiếu chính phủ đã mua trước đó, thế chấp để vay vốn Ngân hàng Nhà nước thì phải áp dụng "lãi suất tái chiết khấu". Một số chuyên gia cho rằng rằng "quyết định nâng lãi suất tái cấp vốn, trong khi giữ nguyên lãi suất tái chiết khấu, sẽ tiếp tục duy trì cầu về trái phiếu chính phủ. Và thực chất, nó chỉ hạn chế tín dụng đối với khu vực tư nhân chứ không hạn chế tín dụng đối với chính phủ, hay đằng sau đó là các tập đoàn kinh tế lớn". Khi Ngân hàng Nhà nước lại tăng lãi suất chào mua các loại giấy tờ có giá (như trái phiếu chính phủ, chẳng hạn) trên thị trường mở lên 12% cho loại có kỳ hạn 7 ngày (báo chí nước ngoài gọi đây là lãi suất repo ngược, gọi tắt là lãi suất nghiệp vụ thị trường mở). Theo các chuyên gia thì đây chính là lãi suất chủ yếu để các ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ. Hai loại lãi suất trên (tái cấp vốn với tái chiết khấu) chỉ có chức năng trợ giúp thanh khoản cho các ngân hàng riêng lẻ. Thế còn "lãi suất cơ bản"? Sao không thấy động chạm gì đến loại lãi suất chúng ta thường nghe nhắc đến trong những năm trước? Nước nào cũng phải sử dụng một số công cụ để thực thi chính sách tiền tệ nhằm đạt được những mục tiêu nào đó, như kiềm chế lạm phát chẳng hạn. Lãi suất là một công cụ như thế bên cạnh công cụ tăng giảm dự trữ bắt buộc. Thông thường ngân hàng trung ương một nước tác động lên lãi suất bằng con đường gián tiếp, có nghĩa thông qua nghiệp vụ thị trường mở để tăng hay giảm tổng phương tiện thanh toán. Ví dụ, ngân hàng trung ương mua vào trái phiếu chính phủ, tức làm tăng tổng lượng tiền trong lưu thông thì lãi suất thị trường sẽ giảm. Cũng có thể tác động trực tiếp bằng cách tăng hay giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu - là những loại lãi suất ngân hàng trung ương ấn định trong quan hệ mua bán các loại giấy tờ có giá với ngân hàng thương mại. Nói cách khác, lãi suất cơ bản như đang được định nghĩa (là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh) hoàn toàn không phải là một công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đúng nghĩa như thông lệ quốc tế. Chính vì thế mà thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã giảm nhẹ tầm quan trọng của loại lãi suất này. *** Tác động của lãi suất chiết khấu lãi suất tái chiết khấu là lãi suất mà ngân hàng trung ương (ngân hàng Nhà nước) đánh vào các khoản tiền cho các ngân hàng thương mại vay để đáp ứng nhu cầu tiền mặt ngắn hạn hoặc bất thường của các ngân hàng này. Quy định lãi suất chiết khấu là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ nhằm điều tiết lượng cung tiền. [[lãi suất chiết khấu]] khác lãi suất tái chiết khấu Các ngân hàng thương mại phải tính toán tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi (dự trữ của ngân hàng) để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và họ có một tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi an toàn tối thiểu. Tỷ lệ này ngoài quy định của ngân hàng trung ương về tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh của ngân hàng thương mại và dự trữ của ngân hàng thường lớn hơn dự trữ bắt buộc do ngân hàng trung ương quy định. Khi tỷ lệ dự trữ tiền mặt thực tế của ngân hàng thương mại giảm xuống đến gần tỷ lệ an toàn tối thiểu thì họ sẽ phải cân nhắc việc có tiếp tục cho vay hay không vì buộc phải tính toán giữa số tiền thu được từ việc cho vay với các chi phí liên quan trong trường hợp khách hàng có nhu cầu tiền mặt cao bất thường: * Nếu lãi suất chiết khấu bằng hoặc thấp hơnlãi suất thị trường thì ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục cho vay đến khi tỷ lệ dự trữ tiền mặt giảm đến mức tối thiểu cho phép vì nếu thiếu tiền mặt họ có thể vay từ ngân hàng trung ương mà không phải chịu bất kỳ thiệt hại nào. * Nếu lãi suất chiết khấu cao hơn lãi suất thị trường, các ngân hàng thương mại không thể để cho tỷ lệ dự trữ tiền mặt giảm xuống đến mức tối thiểu cho phép, thậm chí phải dự trữ thêm tiền mặt để tránh phải vay tiền từ ngân hàng trung ương với lãi suất cao hơn lãi suất thị trường khi phát sinh nhu cầu tiền mặt bất thường từ phía khách hàng. Do vậy, với một tiền cơ sở nhất định, bằng cách quy định lãi suất chiết khấu cao hơn lãi suất thị trường, ngân hàng trung ương có thể buộc các ngân hàng thương mại phải dự trữ tiền mặt bổ sung khiến cho số nhân tiền tệ giảm xuống (vì bội số của tiền gửi so với tiền mặt giảm) để làm giảm lượng cung tiền. Ngược lại, khi lãi suất chiết khấu giảm xuống thì các ngân hàng thương mại có thể giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt và do vậy số nhân tiền tệ tăng lên dẫn đến tăng lượng cung tiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét