Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Tăng vốn điều lệ ngân hàng: Cần nhưng chưa đủ

Vấn đề cơ bản của quy định về vốn điều lệ của một ngân hàng không hẳn ở chỗ một nền kinh tế có quá nhiều hay quá ít ngân hàng, hay ngân hàng quá nhỏ.
 Mấu chốt của vấn đề vốn điều lệ là đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.
Một hệ thống tài chính an toàn khi các ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR – capital adequacy ratio) cao, nói cách khác có đủ vốn để “chịu trận” khi lỗ. Nếu vốn thấp mà lỗ nặng, ngân hàng sẽ phá sản và vì đặc thù của loại hình kinh doanh này sẽ rất dễ kéo toàn hệ thống sụp đổ theo, liên luỵ cho cả nền kinh tế.
Điều quan trọng là hệ số này phụ thuộc vào hai yếu tố: tử số là vốn điều lệ và mẫu số là tổng tài sản. Như vậy để tăng độ an toàn cho một ngân hàng hay toàn bộ hệ thống, nhà quản lý hoặc chặn không cho ngân hàng tăng tổng tài sản quá cao hoặc yêu cầu ngân hàng phải tăng vốn. Việc NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng vốn tối thiểu lên 3.000 tỉ đồng có thể coi là một vế của kế hoạch tăng hệ số an toàn vốn cho toàn hệ thống, nhưng chỉ yêu cầu tăng vốn điều lệ tối thiểu là không đủ và có thể còn làm tăng rủi ro.
Thứ nhất, nếu ngân hàng tăng vốn điều lệ đồng thời tăng tổng tài sản thì hệ số an toàn vốn có thể không tăng. Đây là khả năng rất dễ xảy ra vì một ngân hàng khi đi huy động vốn điều lệ họ không thể nói tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của ngân hàng này sẽ giảm, như thế không ai bỏ tiền mua cổ phiếu của ngân hàng đó. Để ROE không giảm trong khi hệ số an toàn vốn tăng, ngân hàng buộc phải tăng tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA), một điều không dễ trong hoàn cảnh hoạt động ngân hàng ở Việt Nam còn rất khó khăn như hiện nay. Liệu có ai tin một ngân hàng không mấy tên tuổi có ROA cao hơn hẳn mặt bằng chung của toàn hệ thống? Ngược lại, để thu hút nhà đầu tư trong khi hàng loạt ngân hàng đang phải cạnh tranh nhau huy động vốn, các ngân hàng nhỏ sẽ phải quảng cáo ROE cao, cổ tức cao, bằng cách âm thầm giảm bớt hệ số an toàn vốn (tăng đòn bẩy – leverage). Nghĩa là cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ sẽ làm hệ thống ngân hàng rủi ro hơn.
Thứ hai, vấn đề phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đó của các ngân hàng vẫn còn khoảng cách so với chuẩn mực quốc tế. Cứ giả sử NHNN thành công trong việc tăng hệ số an toàn vốn của toàn hệ thống, nhưng nếu nợ xấu vẫn được giấu kỹ ở đâu đó thì hệ số an toàn vốn mà các ngân hàng báo cáo chỉ là số ảo, con số thực sẽ thấp hơn nhiều và rủi ro tiềm ẩn cao hơn nhiều. Tạm thời bỏ qua các khoản nợ xấu trong lịch sử, việc yêu cầu tăng vốn điều lệ sẽ buộc các ngân hàng phải chạy đua tăng ROE/ROA như đề cập ở trên để cạnh tranh thu hút vốn. Trường hợp này rủi ro nợ xấu sẽ tăng lên, do vậy không giải quyết được vấn đề phân loại và theo dõi nợ xấu. Yêu cầu tăng vốn điều lệ (để tăng hệ số an toàn vốn) do đó không giải quyết được bài toán an toàn cho hệ thống.
Hệ số an toàn vốn (vốn tự có/tổng tài sản có rủi ro, capital adequacy ratio – CAR) là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh năng lực tài chính của các ngân hàng. Chỉ tiêu này được dùng để xác định khả năng của ngân hàng trong việc thanh toán các khoản nợ có thời hạn và đối mặt với các rủi ro khác như rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành.
Thứ ba, khi các ngân hàng không đáp ứng đủ điều kiện về vốn điều lệ, thì buộc phải sáp nhập. Về mặt số học, đây là giải pháp sai lầm vì hai ngân hàng có hệ số an toàn vốn thấp sau khi sáp nhập hệ số này không thể tăng dù vốn điều lệ tăng. Kể cả nếu bỏ qua hệ số an toàn vốn, liệu rủi ro hệ thống có giảm đi khi các ngân hàng nhỏ sáp nhập lại với nhau không? NHNN lập luận rằng với số ngân hàng ít đi họ sẽ giám sát chặt chẽ hơn và bản thân các ngân hàng sẽ cẩn thận hơn/điều hành tốt hơn là những ngân hàng nhỏ manh mún hiện nay. Trước hết cần xác định, ngân hàng càng lớn thì hoạt động và sản phẩm càng phức tạp, NHNN sẽ càng khó giám sát và kiểm tra để phòng ngừa/ngăn chặn rủi ro. Ngoài vấn đề quá lớn để thất bại (too-big-to-fail), nhiều nhà kinh tế như Krugman, Johnson đã cảnh báo hiện tượng “quá lớn để quản lý” (too-big-to-regulate). Nghĩa là ngân hàng lớn sẽ có nhiều cách để “lách luật”, hoặc tệ hơn nữa là tìm cách ảnh hưởng tới quá trình làm luật/chính sách để có lợi cho mình.
Lập luận cho rằng các ngân hàng nhỏ hiện nay thiếu chuyên môn và hoạt động quá liều lĩnh theo tôi có một phần chính xác. Tuy nhiên giải pháp sáp nhập các ngân hàng nhỏ và/hoặc buộc tăng vốn điều lệ không giải quyết được nguyên nhân căn bản. Chuyên môn và nghiệp vụ ngân hàng không phải là điều quá khó để các ngân hàng nhỏ không thể học được (với sự giúp đỡ của NHNN). Việc điều hành những ngân hàng nhỏ có 1 – 2 chi nhánh đơn giản hơn nhiều so với một ngân hàng lớn có chi nhánh toàn quốc và cả ở nước ngoài. Việc tăng chuyên môn phụ thuộc vào sự đào tạo, giúp đỡ, giám sát của NHNN nhiều hơn là vào việc sáp nhập. Các ngân hàng nhỏ sau khi sáp nhập với nhau không có nghĩa đội ngũ nhân viên và lãnh đạo tự nhiên có trình độ chuyên môn tăng lên.
Điểm cuối cùng và không kém phần quan trọng, cần phải xác định đâu là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng nhỏ hoạt động quá rủi ro (ví dụ chạy đua lãi suất hay vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay dài hạn). Đó không phải là vì họ nhỏ và thiếu chuyên môn mà là hậu quả tất yếu của việc các ngân hàng quốc doanh và một vài ngân hàng lớn được hưởng nhiều ưu đãi (vô tình hay cố ý) nên các ngân hàng nhỏ không còn cách nào khác là phải liều lĩnh hơn để đạt được ROE như đã hứa với các cổ đông.
Thông tư ban hành ngày 10.5 của ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, chậm nhất là ngày 30.6.2010, các tổ chức tín dụng phải trình NHNN hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn để bảo đảm mức vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỉ đồng. Qua bài viết gửi cho Sài Gòn Tiếp Thị, tiến sĩ kinh tế Lê Hồng Giang cho rằng, mấu chốt của việc tăng vốn điều lệ là để bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, nên việc tăng vốn theo quy định cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp như phân loại và quản lý nợ theo chuẩn mực quốc tế thì mới đạt mục đích đề ra.
Theo TS Lê Hồng Giang
SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét