Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Xu hướng tái cơ cấu các ngân hàng qui mô lớn trên thế giới

Trong tuần 10-14/10/2011, các tổ chức xếp hạng hàng đầu trên thế giới đã liên tục hạ mức tín dụng của hàng loạt ngân hàng lớn tại châu Âu, từ Tây Ban Nha, Italia, đến CHLB Đức, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh và cả Thụy Sĩ. Trong đó, các ngân hàng lớn nhất tại những quốc gia này đều bị đánh tụt hạng hoặc xếp vào diện phải theo dõi xem xét lại. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đưa ra kế hoạch khẩn cấp tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhằm ngăn ngừa khủng hoảng nợ châu Âu đang gây tổn tại đến hệ thống tài chính thế giới, khi Liên minh châu Âu đang đang thảo luận kịch bản Hy Lạp vỡ nợ và đưa ra các giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng của nó đến thị trường tài chính và thị trường chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là mối đe dọa thất bại từ các ngân hàng và sự phản đối của dân chúng Hy Lạp.
Hầu hết các ngân hàng châu Âu đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ khổng lồ do đang sở hữu quá nhiều trái phiếu chính phủ của các nước khu vực euro, một số ngân hàng lớn lo ngại sẽ bị phá sản do các chính phủ châu Âu đã suy kiệt và đang dốc sức để chống suy thoái kinh tế. Các cú sốc lớn đang đe dọa tiềm tàng đến khả năng thanh toán của một số tổ chức tài chính hàng đầu quốc tế và lãnh đạo ngân hàng đang liên tưởng đến sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers hồi tháng 9/2008 và cho rằng, khái niệm “quá lớn nên không thể đổ vỡ” không còn tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Tại Mỹ, cổ phiếu của một số ngân hàng lớn đang giao dịch với giá thấp hơn giá trị sổ sách, trong khi lòng tin của các chủ nợ đang sụp đổ.
Nếu quyết định phá sản một ngân hàng, NHTW và cơ quan bảo hiểm hoàn toàn có khả năng bảo vệ người gửi tiền, trong khi triệt hạ các cổ đông và đẩy lỗ sang các chủ nợ. Tuy nhiên, Simon Johnson (Viện Kinh tế quốc tế Peterson) cho rằng,  phương pháp này không thể áp dụng được cho những ngân hàng lớn, do 3 nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất, cơ quan quản lý chỉ mang tầm quốc gia, chứ không có qui mô quốc tế. Chính vì thế, nếu các tổ chức tài chính lớn với qui mô hoạt động quốc tế bị phá sản thì phải đóng cửa một cách trật tự. Tuy nhiên, pháp luật không nêu rõ cách thức xử lý tài sản có và tài sản nợ ở nước ngoài, điều này đòi hỏi phải có thỏa thuận liên chính phủ dưới hình thức nào đó. Nhưng không có cơ quan quốc tế nào được thiết lập để giải quyết vấn đề này, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng, lợi ích quốc gia là trên hết.
Thứ hai, cho tới nay, chưa có cơ quan chính phủ nào sẵn sàng ưu tiên sử dụng quyền quyết định như vậy để giải quyết quyền lợi của ngân hàng trong nước đang bị ảnh hưởng tại nước khác lên trên yêu cầu khắc phục thiệt hại tăng trưởng lớn lao đe dọa bất ổn kinh tế vĩ mô ở trong nước.
Thứ ba, ai sẽ mất tiền cho một sự phá sản tiềm tàng? Xu hướng lựa chọn phổ biến cho rằng, tiền đề cơ bản của quyền quyết định là một số chủ nợ phải chịu thua lỗ, nhưng họ sẽ áp đặt một cách trật tự và có khả năng dự báo trước nhằm tránh xói mòn lòng tin và bất ổn hệ thống tài chính.
Để đẩy lỗ sang các chủ nợ (những người đã cho các ngân hàng lớn vay tiền), có thể gây ra nỗi sợ hãi cho những ngân hàng về nguy cơ phá sản như Lehman Brothers năm 2008. Kỳ vọng và thói quen trên các thị trường tài chính là các định chế tài chính lớn nhất không thể đổ vỡ vì quá lớn và NHTW thường đứng về phía các ngân hàng lớn để tiến hành các biện pháp cải cách. Tuy nhiên, để đảm bảo độ tin cậy của các quyền quyết định, những ngân hàng lớn nên có qui mô đủ nhỏ và đủ đơn giản để tiến hành phá sản trong trường hợp cần thiết.
Trên thực tế, người ta thường thấy nhiều doanh nghiệp phá sản, vì một lẽ giản đơn là không được cứu vớt, nên người ta thường không xác định hậu quả phá sản của một doanh nghiệp sản xuất nào đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đổ vỡ một tổ chức tài chính thường gây thiệt hại cho các chủ nợ, nên phải cơ cấu lại hơn là để rối loạn hệ thống. Đáng tiếc là, quyền lực quyết định không xử lý được những ngân hàng quốc tế qui mô lớn, và sự phá sản của các định chế tài chính lớn có thể xói mòn lòng tin, như đã xảy ra đối với ngân hàng Lehman Brothers. Từ đó đến nay, hệ thống tài chính luôn trong tình trạng bất ổn và chưa đủ mạnh để đẩy lùi các cơ bão tài chính có vẻ đang sắp xảy ra.
Do nguy cơ suy thoái toàn cầu còn kéo dài và sau bài học Lehman Brothers, các tổ chức tài chính lớn trên toàn cầu đã chủ động cắt giảm chi nhánh và lao động, một phần trong chương trình tổng thể về tái cơ cấu ngân hàng.
Tập đoàn ngân hàng Mỹ đang vật lộn với các khoản cho vay cầm cố và đang lên kế hoạch tái cơ cấu theo hướng chia nhỏ thành những NHTM riêng biệt và các ngân hàng phục vụ khách hàng cá nhân, với tổng số 30.000 lao động dự kiến cắt giảm. Trong những năm tới, ngân hàng này cũng dự kiến đóng cửa 750 chi nhánh trong số 6.000 chi nhánh với 45.000 lao động. Ngân hàng Charlotte, N.C đang thảo luận cắt giảm 40.000 lao động (14% trong tổng số 288.000 lao động).
Cuối tháng 7 vừa qua, HSBC thông báo sẽ giảm 10.000 lao động trong tương lai gần, trong kế hoạch giảm 30.000 lao động trong thời gian tới. HSBC cũng thông báo sẽ bán 195 chi nhánh tại New York cho Ngân hàng First Niagara, đóng cửa các chi nhánh tại Connecticut và New Jersey, tìm cách bán nghiệp vụ kinh doanh thẻ tín dụng và xem xét điều chỉnh các lĩnh vực khác.
Tại Thụy Sĩ, UBS đã giảm 5.000 lao động, ngân hàng Credit Suisse thông báo sẽ giảm 2.000 lao động. Tại Vương quốc Anh, tập đoàn ngân hàng Lloyds bắt đầu kế hoạch giảm 15.000 lao động từ tháng 6/2011, sau khi Ngân hàng hoàng gia Scotland cắt giảm 28.000 lao động, ngân hàng Golman Sachs và ngân hàng Barclays cũng sẽ cắt giảm lao động. Đáng chú ý, tập đoàn Goldman Sachs và Morgan Stanley đang xem xét giảm qui mô từ mô hình tập đoàn ngân hàng hiện nay thành các ngân hàng nhỏ nhằm giảm chi phí theo Qui định Volcker. Tại khu vực đồng euro, các ngân hàng tại Ireland, Tây Ban Nha, Hy Lạp và tại nhiều nước khác cũng đang đối mặt với việc tái cơ cấu qui mô lớn và cắt giảm lao động.
Các định chế tài chính lớn đã phát triển không giới hạn trong 50 năm qua và trở thành các đế chế tài chính khổng lồ trên thế giới, bổ sung hoạt động kinh doanh quá mức bình thường theo hướng tăng qui mô tổ chức mà không tăng cường quản lý rủi ro và kiểm soát hoạt động kinh doanh. Nhiều ngân hàng đã sử dụng mánh lới kế toán, đòn bẩy tài chính, và thiếu giám sát rủi ro, nhưng các ngân hàng thường chỉ thực hiện tái cơ cấu sau khi có sự thay đổi trong ban lãnh đạo. Một số cho rằng, không thể kiểm soát được những ngân hàng này, nhất là trước sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin.
Lý do cơ bản để cắt giảm lao động tại những ngân hàng lớn là tăng trưởng thu nhập đã suy giảm và cần giảm chi phí nhằm phục hồi khả năng sinh lời. Tuy nhiên, cắt giảm lao động cũng chưa giải đáp được câu hỏi cơ bản về tương lai của các NHTM lớn, và việc cắt giảm chi phí chỉ là phản ứng tức thì nhằm cải thiện lợi nhuận cận biên. Việc cắt giảm chi phí này chỉ là sự khởi đầu cho xu hướng tái cơ cấu ngân hàng trên toàn cầu, bước tiếp theo là đổi mới quản lý để tái cơ cấu tổ chức nhằm xây dựng một ngân hàng có qui mô hợp lý và có khả năng quản lý tốt hơn rủi ro, xác định lại hướng phát triển và thực hiện tái cơ cấu một cách toàn diện.
Hoàng Thế Thoả
Nguồn tham khảo: Bloomberg và New York Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét